Sự phát triển của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN với mục tiêu cơ bản của trụ cột thứ ba thể hiện trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Bali II) và Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) là góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm; có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN.

Trong lĩnh vực giáo dục: Cần phải nhanh chóng xây dựng các mục tiêu và chuẩn mực giáo dục chung khu vực như bảo đảm phổ cập giáo dục tiểu học trước năm 2015, hợp tác nhằm tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, nhất là đối với vùng sâu vùng xa; Tăng cường hợp tác với các khu vực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong khu vực; hợp tác nhằm phổ cập tiếng Anh sâu rộng trong ASEAN; Nâng cao hợp tác đào tạo tay nghề nhằm bảo đảm tính cạnh tranh cao của lực lượng lao động. Tuyên bố Chạ am - Hua Hỉn về Tăng cường hợp tác về giáo dục tiến tới xây dựng Cộng đồng ASEAN đùm bọc và chia sẻ được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua năm 2009 xác định vai trò của giáo dục trong tất cả 3 trụ cột của cộng đồng. 

Trong lĩnh vực y tế: thúc đẩy hợp tác về y tế, bảo đảm phổ cập dịch vụ y tế chất lượng và giá cả hợp lý, xây dựng phong cách sống lành mạnh cho người dân, tăng cường hợp tác phòng chống ma túy, trao đổi kinh nghiệm và chuyên gia y tế trong khu vực; Hợp tác phòng chống bệnh truyền nhiễm, trong đó bảo đảm duy trì dự trữ thuốc chiến lược, thuốc kháng sinh ở khu vực.

{keywords}
Chủ tịch nước tiếp đại sứ, đại biện các nước ASEAN tại Việt Nam.

Hiện nay ASEAN đã đưa vào hệ thống mạng và truyền thông về các bệnh truyền nhiễm đang nổi lên và tồn tại trong khu vực, đồng thời tăng cường giám sát và chuẩn bị ứng phó trước nguy cơ đại dịch. Tăng cường hệ thống phản ứng với trọng tâm là phương pháp phối hợp đa ngành, chia sẻ thông tin và tiếp cận đa quốc gia. Hiệp định phòng chống dịch bệnh được thực hiện trên cơ sở phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện công tác phản ứng nhanh ASEAN và tiến hành các hành động chuẩn trong ngăn chặn, chuẩn bị ứng phó với đại dịch.

Trong lĩnh vực môi trường: Hợp tác phòng chống ô nhiễm và rác thải độc hại xuyên biên giới, tăng cường giáo dục bảo vệ môi trường; Thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm phát triển các công nghệ thân thiện với môi trường; Cải thiện môi trường sống ở các khu đô thị thông qua việc xây dựng tiêu chuẩn môi trường bền vững đối với các thành phố lớn của ASEAN; Phối hợp chính sách môi trường các nước thành viên; Bảo vệ môi trường biển và các vùng ven biển; Hợp tác bảo đảm khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; Hợp tác bảo đảm khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; Hợp tác bảo vệ nguồn nước sạch và nhiều lĩnh vực khác.

Về phương diện pháp lý liên quan đến Biến đổi Khí hậu trong khuôn khổ hợp tác chuyên ngành về môi trường thuộc Cộng đồng Văn hoá - Xã hội, các Bộ trưởng Môi trường đã thông qua các Điều khoản tham chiếu của Sáng kiến ASEAN về Biến đổi Khí hậu (ACCI) và thành lập Nhóm Công tác ASEAN về Biến đổi Khí hậu trong Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Môi trường diễn ra vào ngày 29 tháng 10 năm 2009. Biến đổi Khí hậu cũng được các ngành có liên quan như nông nghiệp và lâm nghiệp, năng lượng và giao thông, quản lý thiên tai, Khoa học và công nghệ đặc biệt chú trọng. Công tác phối hợp với các Đối tác Đối thoại và các Tổ chức Quốc tế để giải quyết vấn đề Biến đối Khí hậu đang được triển khai[5].

Về Quản lý Thiên tai và Hỗ trợ nhân đạo ASEAN đóng vai trò lớn trong điều phối công tác cứu trợ thời kỳ hậu Nargis tại Myanmar đến cuối năm 2010. Hiệp định ASEAN về Quản lý Thiên tai và Ứng phó với tình huống khẩn cấp

Về Thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em và người lao động nhập cư đã đạt được một số tiến bộ đáng kể. Ủy ban về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền Phụ nữ và Trẻ em  đã được  thành lập tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 16 vào tháng 4 năm 2010 tại Hà Nội, Việt Nam. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Phúc lợi cho Phụ nữ và Trẻ em ASEAN Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 tại Việt Nam. Tiếp theo việc thông qua các tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về quyền của người lao động di cư tại Philipine năm 2007, ASEAN cũng đã bắt đầu tiến hành soạn thảo các văn kiện về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động nhập cư.

Trong thời gian qua, ASEAN đang tranh thủ mọi nguồn lực, cả trong và ngoài ASEAN, cả chính phủ và phi chính phủ, cả cá nhân và tổ chức trong việc thúc đẩy xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Tuy nhiên, do sự đa dạng và phong phú trong hoạt động của cộng đồng văn hoá xã hội, sự khác biệt về phát triển, điều kiện kinh tế, chính trị xã hội khác nhau mà  nguồn lực để xây dựng Cộng đồng văn hoá xã hội còn hạn chế và đây là một trong những thách thức lớn trong quá trình xây dựng cộng đồng.

Hoàng Hiệp