- Vượt ra ngoài khuôn khổ của ngành thông tin, bài phát biểu đó thể hiện một tầm tư duy và cải cách cho Việt Nam. Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung gửi bài viết riêng cho Tuần Việt Nam.

Tôi vô cùng thích thú và hoàn toàn chia sẻ với bài phát biểu mới đây của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội thảo Smart IoT Vietnam 2018.

Trước hết, cần nhắc lại mấy điểm chính trong bài phát biểu: “Cuộc cách mạng CN 4.0 là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Đầu tiên phải là chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, các công nghệ mới thay đổi ngành, gọi là X-Tech, như Fintech, EduTech, AgriTech, thường là sự sáng tạo mang tính phá huỷ cái cũ. Chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ sẽ về, người sẽ về và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện; và cái nôi Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm có thể xuất khẩu. Nhưng phải là sự chấp nhận sớm, sớm hơn người khác. Đi sau người khác, đi cùng người khác thì sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới, chúng ta có thể mất một số thứ. Nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất, đó là cơ hội của chúng ta”.

Cách tiếp cận chính sách theo kiểu truyền thống thì thường là: quản được thì mở, quản đến đâu thì mở đến đó, không quản được thì đóng. Cách tiếp cận mới mà nhiều nước theo, gọi là cách tiếp cận Sandbox: Cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển, nhưng trong một không gian nhất định, trong một thời gian nhất định, để các vấn đề được bộc lộ một cách rõ ràng, mà thường là không nhiều như lúc đầu các Nhà quản lý dự đoán. Sau đó mới hình thành chính sách, quy định quản lý. Đây là một trong những cách tiếp cận phù hợp với cuộc CMCN 4.0, phù hợp đẻ đón nhận các mô hình kinh doanh mới, để đón nhận các sáng tạo đổi mới, các sáng tạo mang tính phá hủy cái cũ.

Và cuối cùng, khi một cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận”.

{keywords}
Chúng ta cần một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự nếu muốn vượt lên.

Mặc dù bài phát biểu chỉ đề cập về cách mạng 4.0, nhưng thể hiện tầm tư duy mới, theo hướng thị trường, khuyến khích tự do, cởi mở, thúc đẩy tư duy, đề cao sáng tạo mà lâu nay tôi chưa nghe được từ bộ trưởng nào.

Nếu áp dụng tư duy như thế này trong hoạnh định chính sách thì bao nhiêu chuyện gây tranh cãi, gây phiền phức sẽ không còn gặp phải. Ví dụ, chuyện quản lý Grab ra sao, hay doanh nghiệp Việt Nam phải sang Singapore khởi nghiệp sẽ không còn nữa.

Tôi rất chú ý đến cách tiếp cận Sandbox: Cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển, nhưng trong một không gian nhất định, trong một thời gian nhất định. Nếu nhà nước chưa nhận diện được những vấn đề mới mà lại cố áp đặt cách quản lý cũ vào thì sẽ kìm hãm phát triển.

Lâu nay chúng ta vẫn luôn duy trì cách tiếp cận là năng lực quản lý đến đâu thì mở cho thị trường đến đó; hay luôn nhấn mạnh là phải nâng cao hiệu quả quản lý. Cách tiếp cận này phải thay đổi. Làm sao không nghĩ là năng lực quản lý phải theo kịp với tốc độ phát triển; không theo kịp mà vẫn cố gắng quản lý nó là kìm hãm, bóp nghẹt phát triển.

Chúng ta có hàng ngàn quy định để quản lý mà không biết quản cái gì. Bộ Tư pháp vừa báo cáo, chỉ trong năm 2017 tới 5.639 văn bản trái pháp luật, gây tốn kém thời gian, công sức của cơ quan nhà nước và ngân sách, làm ảnh hướng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chuyện này năm nào cũng xảy ra mà không được khắc phục. Vì sao lại có tình trạng đó?

Với những bộ luật sắp ban hành, nếu chúng ta vẫn ban hành cùng với các điều kiện kinh doanh, can thiệp thô bạo vào hoạt động doanh nghiệp, có thêm giấy phép con, cháu ... thì sẽ là tín hiệu đuổi doanh nghiệp đi ra xa khỏi Việt Nam để khởi nghiệp chứ không phải thu hút người tài về.

Hiện nay, Chính phủ đang quyết liệt cắt giảm giấy phép con để cải cách môi trường kinh doanh nhưng các bộ, ngành chưa chuyển động. Hàng ngàn điều kiện kinh doanh được sinh sôi, nảy nở nhưng không biết quản cái gì trong khi chỉ gây khó cho doanh nghiệp. Nếu bỏ được tư duy này, cả nền kinh tế sẽ bừng nở, chưa cần nói đến cách mạng 4.0.

Tôi rất thích nhận xét này: “Khi một cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ”. Đây đúng là cách các quốc gia công nghiệp phát triển vượt bậc trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong khi đó, chúng ta nhiều khi cứ tự ti cho rằng, chúng ta còn bị ràng buộc bởi chiến tranh, bởi đói nghèo, bởi truyền thống lịch sử, văn hóa nên chúng ta không tiến nhanh được. Chúng ta nói như thế là tự trói buộc mình, biện minh cho sự yếu kém của mình.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0) của Việt Nam năm 2018 còn rất thấp và giảm 4 bậc từ 74 xuống vị trí 77, trong đó có tới 7/12 trụ cột giảm điểm.

7 trụ cột của Việt Nam giảm điểm bao gồm Kỹ năng; Thể chế (giảm từ 50,7 xuống 49,5); Cơ sở hạ tầng, Hiệu quả thị trường hàng hoá, Hiệu quả thị trường tài chính; Năng lực Đổi mới sáng tạo và Mức độ năng động trong kinh doanh. Trong số đó, Thể chế là giảm nhiều nhất 50,7 xuống 49,5 điểm. Kết quả này cho thấy các động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tiếp kịp xu thế 4.0 của Việt Nam còn yếu và chưa hiệu quả. Trong đó, thủ tục hành chính vẫn là rào cản nặng nề, văn hoá doanh nhân giảm điểm, mức độ trao đổi và đa dạng hoá còn thấp, mức độ thương mại hoá hạn chế.

So sánh trong ASEAN, Việt Nam đứng sau hầu hết các nước, chỉ trên Lào và Campuchia. Năm 2018, cũng chỉ có Việt Nam, Lào, Campuchia giảm bậc, các nước ASEAN khác đều tăng bậc, trong đó, Philippines tăng 12 bậc.

Như vậy, có thể nói Việt Nam đang tụt lại đằng sau các nước ASEAN về năng lực cạnh tranh 4.0.

Theo tôi, muốn tiến kịp các nước trong khu vực đòi hỏi phải đẩy nhanh quá trình phát triển theo xu thế 4.0; tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi, trong đó có lĩnh vực hành chính công; nâng cao hiệu quả các thị trường; có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy tính sáng tạo, năng động trong kinh doanh thay vì tư duy tạo rào cản để quản lý.

Thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 hay kỷ nguyên kinh tế số ở Việt Nam chỉ là thấy trên giấy tờ, trên hội nghị, hội thảo. Đó là điều tôi muốn cảnh báo, để chúng ta cùng tư duy, cùng suy nghĩ, thúc đẩy cho quá trình cải cách. Chúng ta  có cơ hội bứt phá nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự.

Nguyễn Đình Cung

Chủ tịch WEF: cách mạng 4.0 thay đổi căn bản chúng ta

Chủ tịch WEF: cách mạng 4.0 thay đổi căn bản chúng ta

Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab khẳng định, cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ ảnh hưởng tới cách sống của con người mà còn định nghĩa lại chúng ta là ai.

Khi người ta cố gắn mào cho xe Grab

Khi người ta cố gắn mào cho xe Grab

Các phần mềm ứng dụng gọi xe điện tử sẽ phải đáp ứng tất cả các quy định kinh doanh như một hãng taxi truyền thống.    

Vinasun kiện Grab: Không phải chuyện của con trâu và máy cày

Vinasun kiện Grab: Không phải chuyện của con trâu và máy cày

Một nhà nước kiến tạo thì cần phải kiến tạo cả luật lệ, nếu cần thiết, chứ không thể chỉ bám vào quy định cũ và buộc xã hội phải đi theo tốc độ xây dựng, sửa đổi luật của mình.