Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một chủ trương lớn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước và của địa phương.

Qua hơn 10 năm tổ chức thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở tỉnh Ninh Thuận đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, kết quả Cuộc vận động chưa thực sự toàn diện; tình trạng hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vẫn còn xảy ra trên địa bàn tỉnh...

{keywords}
Nho Ninh Thuận, một sản phẩm được lòng người tiêu dùng 

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Cuộc vận động này trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các đơn vị, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Cuộc vận động, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam.

2. Các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam phù hợp với quy định và điều kiện thực tế của địa phương.

3. Tiếp tục quán triệt, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và toàn xã hội về Cuộc vận động, nhằm khơi dậy khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam; tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động. 

4. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trước hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát huy, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp.

5. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá Việt và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh có các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích; trọng tâm là thị trường trong tỉnh, đồng thời mở rộng ra thị trường ngoài tỉnh, kể cả nước ngoài. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống; công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hoá Việt; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến thị trường, nguồn gốc, chất lượng, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

6. Tập trung triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; các Đề án giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam của trung ương, của tỉnh.

7. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của tỉnh về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam... Đổi mới, đẩy mạnh việc đánh giá, tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích trong thực hiện Cuộc vận động. Chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn...

8. Tiếp tục củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh và cấp huyện, thành phố; nâng cao trách nhiệm thành viên của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp trong việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động.

9. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa đặc thù có giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); hỗ trợ quảng bá các sản phẩm giá trị của tỉnh; hỗ trợ xây dựng sàn thương mại điện tử đối với các sản phẩm tại địa phương; đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật có liên quan đến Cuộc vận động.

10. Đảng đoàn HĐND tỉnh phối hợp Ban cán sự đảng UBND tỉnh rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan đến việc thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác giám sát, khảo sát việc thi hành chính sách, pháp luật có liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị này.

11. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông định hướng, hướng dẫn các cơ quan báo chí tuyên truyền về Cuộc vận động và chỉ đạo việc tổ chức triển khai tuyên truyền Chỉ thị này đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân; phối hợp với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tỉnh định kỳ tổ chức điều tra dư luận xã hội về việc thực hiện Cuộc vận động.

12. Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh theo dõi, đôn đốc và định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện Chị thị.

Khánh Hòa