Năm 2013 chàng trai Lưu Tuấn Khanh (SN 1989 – Hà Nội) tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế - Kĩ thuật Công nghiệp và ở lại trường làm giảng viên.

Anh vốn có đam mê sáng tạo và sáng chế. Quãng thời gian dạy học, gắn liền với máy móc, Khanh luôn ấp ủ tạo ra được con robot made in Việt Nam, mang đặc trưng riêng và không phải “sao chép” lại mô-típ, đặc điểm của những con robot do nước ngoài chế tạo.

Sau 3 năm ấp ủ, anh quyết định bỏ việc, đầu quân cho công ty chuyên về robot của Nhật. "Tôi quyết định bỏ nghề giảng viên vì thấy bản thân còn trẻ, mới ra trường nên chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức. Bởi vậy, tôi muốn ra ngoài để học hỏi thêm", Lưu Tuấn Khanh chia sẻ.

{keywords}
Lưu Tuấn Khanh giới thiệu robot do công ty anh đang làm chế tạo

Lúc này ý tưởng sáng chế robot bùng nổ. Anh thử nghiệm lắp ráp các mô hình robot cỡ nhỏ, trong đó có cả robot mang hình dáng con người.

Nam thanh niên 8X còn mày mò chế tạo con robot với chất liệu gỗ bọc bên ngoài. Tuy nhiên, chất liệu gỗ khó chạm khắc, khó tạo hình nên nhìn tổng thể không đẹp.

Hiện nay ở Việt Nam, vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường đang gây ra nhiều hệ lụy xấu đến sức khỏe con người.

Một lần ngồi nhìn các phương tiện lưu thông trên đường, Khanh bất chợt nghĩ: “Phế liệu xe máy, ô tô cũ có thể làm robot hay không? Nếu tái chế được số rác thải nhựa, phế liệu cũ chắc chắn sẽ giảm thiểu được một số lượng rác ra môi trường”.

Ý nghĩ viển vông đó tưởng chừng sẽ trôi qua nhưng về nhà, Khanh trằn trọc suốt nhiều đêm và phác thảo những nét đầu tiên về robot tái chế từ phế liệu.

Dự án khởi động từ tháng 11/2018 nhưng phải đến năm 2019, khi tập hợp được đội ngũ từ nhiều lĩnh vực khác nhau, ý tưởng của Khanh mới thành hiện thực. Nhóm lấy tên là Robot Bank.

Robot do nhóm sản xuất nặng 100kg, cao khoảng 3m, sải rộng cánh tay lên tới 2m, có thể xoay chuyển được thân trên và được lập trình để tự giới thiệu bản thân:

“Xin chào các bạn! Tôi là Robot One. Tôi đến từ Việt Nam. Tôi được thiết kế và sáng chế bởi nhóm Robot Bank. Tôi là phiên bản đầu tiên được chế tạo từ các vật liệu tái chế”.

Sản phẩm được Khanh đặt tên là Robot One vì đây là con robot đầu tiên nhóm làm. Ngoại hình của robot khá giống Transformer (robot biến hình) – một nhân vật trong bộ phim khoa học viễn tưởng của Mỹ.

{keywords}

Robot One của nhóm Tuấn Khanh chế tạo

Nhóm đã tham khảo khá nhiều mẫu thiết kế robot từ Nhật Bản. Ý tưởng tạo ra robot có ngoại hình Transformer đến từ việc vật liệu cấu tạo nên Robot One đều được thu thập từ phế liệu xe máy, ôtô, khá giống cách biến hình của các nhân vật này. 

“Tôi thích chơi lắp ghép, vẽ robot từ bé. Sau này được học chuyên ngành về máy móc nên việc vẽ thiết kế robot trở nên dễ dàng”, Khanh chia sẻ.

Vật liệu được sử dụng để chế tạo Robot One lấy từ các bộ phận của xe máy, ôtô như: Yếm, còi, đèn, giảm sóc, bánh xe…

Robot One có một bản vẽ kỹ thuật, nhưng khi lắp ráp thực tế lại gặp nhiều vướng mắc. Bởi các mảnh vật liệu là phế liệu từ xe, không phải mảnh nào cũng có thể vừa vặn với vị trí định ghép nối.

Nhóm chia nhau đi thu mua phế liệu khắp nơi. Bộ phận nào không khớp, mọi người cắt gọt lại. 

Công đoạn lắp ráp cơ học đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ. Sau khi hàn xong khung robot bằng sắt, nhóm đưa từng mảnh vật liệu phù hợp lắp ghép chi tiết.

Các phần mềm lập trình được cài đặt và đưa vào robot, sau đó tích hợp với bộ điều khiển.

{keywords}
Phiên bản robot thứ 2 do nhóm Tuấn Khanh chế tạo được giới thiệu tại hội thảo khoa học

Robot One cử động được các khớp ở phần tay, vai và xoay hông. Tay phải của Robot One có một nòng súng, có thể điều khiển xoay tròn như một robot đại chiến nhưng tính năng này mới chỉ dừng lại ở vai trò tăng tính độc đáo cho mô hình.

Chân robot có hai chiếc bánh xe. Tuy nhiên, Robot One không thể di chuyển. Anh Khanh cho biết, nhóm đang phát triển mẫu robot tiếp theo, kỳ vọng có thể khiến nó đi lại được bằng các bánh xe.

Robot One được điều khiển thông qua tay cầm PS4. Nhóm tự chế tạo một bảng mạch riêng để điều khiển.

“Về bản chất đây chỉ là mô hình robot, có 1 số tính năng đơn giản. Tôi và nhóm đang bàn bạc để có thể nâng cấp và sản xuất được nhiều robot trí tuệ, phục vụ hữu ích cho đời sống con người. Đặc biệt, tìm được nhiều lại vật liệu tái chế và dễ tạo hình hơn”, anh Khanh nói.

Anh Khanh cho biết thêm, nhóm Robot Bank mất 6 tháng để thu thập các bộ phận cần thiết và lắp ráp. Kinh phí sản xuất robot khoảng 200 triệu, là tiền cá nhân của anh và mọi người tự bỏ ra.

“Nhóm Robot Bank ban đầu có 7 thành viên nhưng sau rơi rụng dần còn 4 người. Dự án của chúng tôi hoàn toàn phi lợi nhuận, mục đích đam mê là chính”, Tuấn Khanh chia sẻ.  

Hiện tại, nhóm của anh đã sản xuất được 2 robot và tham gia một số chương trình triển lãm. 

Năm tới, cả nhóm sẽ có nhiều kế hoạch để sản xuất thêm robot với tính năng ưu việt, gần gũi hơn với con người. 

Bản thân Tuấn Khanh đang là nhân viên thiết kế các thiết bị, robot. Kinh nghiệm từ công việc tái chế rác thành robot đã giúp anh hạn chế được nhiều sai sót trong công việc. 

Thời gian rảnh, anh chế tạo một số dụng cụ, đồ đạc bằng các phế liệu xe máy như: robot lễ tân, đèn pin, mỏ hàn... Anh cũng tham gia nhiều hội thảo, truyền cảm hứng và đam mê khoa học đến các em học sinh. 

Quang Sơn