Ðối tượng tiêm phòng

Dùng vaccine chủ yếu là phòng bệnh. Sau khi tiêm một thời gian nhất định động vật mới có miễn dịch. Cần chú ý các trường hợp sau: Thực hiện tiêm phòng hàng năm đối với những vùng có ổ dịch cũ, vùng có nhiều bệnh truyền nhiễm phát sinh theo mùa. Ở nơi bệnh đang phát thì đối với động vật đã mắc bệnh cấm không được tiêm vaccine ngay mà phải dùng kháng huyết thanh hoặc kháng sinh thích hợp điều trị.

Ðối với động vật còn khỏe nhưng dễ bị lây nhiễm (do tiếp xúc với con bệnh) có thể tiêm kháng huyết thanh cùng một lúc với vaccine (nhưng ở vị trí khác nhau trên cơ thể). Ðối với động vật khỏe mạnh hoặc ở động vật khu vực xung quanh ổ dịch thì tiêm ngay vaccine để tạo vành đai miễn dịch. Ðối với động vật khác loài nhưng có cảm thụ với bệnh cũng có thể cần tiêm vaccine phòng bệnh đó.  Ðộng vật được tiêm nói chung phải khỏe mạnh.

{keywords}
Tiêm phòng chống dịch bệnh gia cầm (Ảnh minh họa: Văn Lệ)

 

Không tiêm vaccine cho những con đang nung bệnh, những con quá gầy yếu, quá non, con mẹ mới đẻ, những con mới thiến chưa lành vết thiến, những con có nhiều ký sinh trùng. Cũng không nên tiêm vaccine virus nhược độc cho động vật cái đang có chửa ở thời kỳ thai sớm (1/3 kỳ thai đầu tiên). Phải tiêm phòng liên tục (tiêm nhắc lại) do sau một thời gian kháng thể được tạo ra bởi sự cảm ứng của vaccine thường suy giảm đến mức hết hiệu lực và phải tiêm đạt tỷ lệ cao cho động vật thuộc diện phải tiêm để tạo miễn dịch tập đoàn bền vững. Chỗ tiêm phải sát trùng, dụng cụ tiêm phải tiêu độc. Liều lượng tiêm phải đúng theo sự chỉ dẫn của nơi chế tạo.

Sử dụng vaccine

Khi dùng vaccine cần phải thực hiện theo đúng những nguyên tắc sau: Vaccine phòng bệnh nào thì chỉ phòng được loại bệnh đó, không phòng được bệnh khác. Hiệu lực của vaccine: Tình trạng sức khỏe của vật nuôi, điều kiện ngoại cảnh sẽ ảnh hưởng tới hiệu lực của vaccine. Chỉ sử dụng vaccine khi vật nuôi khỏe mạnh. Thời gian có tác dụng của vaccine: Tùy loại vaccine, thời gian cơ thể sẽ tạo được miễn dịch sau khi dùng vaccine là khác nhau.

Trong thời gian đầu, vật nuôi chưa có miễn dịch đầy đủ nên vẫn có thể mắc bệnh và phát bệnh. Liều sử dụng: Cần sử dụng liều lượng vaccine đúng theo chỉ định của nhà sản xuất. Số lần dùng: Tùy loại vaccine, động vật cảm nhiễm và tình hình dịch tễ mà số lần sử dụng khác nhau, có loại chỉ dùng 1 lần đã đủ miễn dịch cho con vật, một số vaccine cần dùng nhắc lại hai hoặc nhiều lần (theo hướng dẫn sử dụng).  

Kiểm tra lọ vaccine trước khi sử dụng: Thông tin trên nhãn: tên vaccine, số lô, số liều sử dụng, ngày sản xuất, số kiểm nghiệm xuất xưởng, thời hạn sử dụng, quy cách bảo quản. Những hư hỏng trong lọ vaccine: nút chặt hay lỏng, nguyên vẹn hay bị rách, tình trạng lớp sáp phủ bên ngoài, lọ thủy tinh có bị rạn nứt không. Tình trạng vaccine trong lọ: màu sắc, kết cấu, có bị vón không, có vật lạ không, độ đồng nhất (nếu khi lắc lọ vaccine vẫn chia thành 2 lớp là đã bị hư hỏng).

Thao tác khi sử dụng vaccine: Khử trùng các dụng cụ dùng để đựng, pha chế vaccine bằng cách hấp hoặc luộc, sau đó rửa bằng nước sạch (nước sôi để nguội). Không được rửa bằng thuốc sát trùng. Trong lúc tiêm phòng cần tránh ánh nắng mặt trời.  

Những đường cấp vaccine

Tiêm dưới da (SQ): vaccine Newcatle (thế hệ I), vaccine dịch tả vịt, vaccine tụ huyết trùng keo phèn. Tiêm bắp thịt (IM): Thuốc được chích vào trong cơ thường được hấp thu vào trong máu nhanh hơn so với chích dưới da. Ðể tránh trào thuốc ra ngoài từ vị trí chích, nên kéo da qua một bên trước khi đâm kim, sau đó đâm thẳng kim vào và bơm thuốc. Khi rút kim ra thì da sẽ bật trở lại vị trí cũ để bao phủ vết chích trong cơ và giữ toàn bộ thuốc ở trong cơ thể. Vị trí chích trên gia súc thường là bắp thịt ở đùi, trên gia cầm là cơ ức.  Phun sương, nhỏ mắt, nhỏ mũi, nhúng mỏ: vaccine Laxota phòng bệnh Newcatle cho gà.  

Bảo quản vaccine

Vaccine phải được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp: < 00C (đối với vaccine sống), từ 2 - 80C (đối với vaccine chết); nên sử dụng riêng tủ bảo quản vaccine, vệ sinh sát trùng định kỳ tủ nhằm đảm bảo vô trùng. Khi vận chuyển, cần giữ vaccine trong điều kiện râm mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Nếu vận chuyển xa nên có hộp xốp, phích đá để bảo quản, nếu gần thì bảo quản bằng túi nilông tối màu và đá giữ lạnh. Ghi chép việc xuất nhập kho từng loại vaccine, số lượng, thời hạn sử dụng để sử dụng đúng hạn, tránh lãng phí.  

Phản ứng sau khi tiêm vaccine

Sau khi tiêm vaccine, vật nuôi có thể bị phản ứng do: các chất phụ trong vaccine, tiêm vào cơ thể đang nung bệnh hoặc tiêm sâu vào bắp thịt. Phản ứng cục bộ tại chỗ tiêm là sưng, nóng, đau… nhưng sau một thời gian phản ứng này sẽ mất. Khi có phản ứng cục bộ cần xử lý bằng cách chườm nước nóng tại vị trí tiêm.

Trường hợp nơi tiêm bị nhiễm trùng gây apxe mủ thì phải điều trị bằng kháng sinh. Tiêm vaccine còn có thể gây phản ứng dị ứng (phản ứng xảy ra nhanh sau khi tiêm). Vật nuôi thể hiện: sốt, run rẩy, nôn mửa, thở gấp, nổi mẫn trên mặt da (thường gặp ở heo). Nếu phản ứng ở mức độ nhẹ thì sau một thời gian sẽ hết, nếu phản ứng ở mức độ nặng thì vật nuôi có thể bị chết. Ðể tránh phản ứng ở mức độ nặng thì sau khi tiêm cần theo dõi cẩn thận trạng thái sức khỏe của đàn vật nuôi trong vài giờ liền. Khi có hiện tượng dị ứng nên sử dụng các loại thuốc chống Histamin như: Dimadron, Epharin, Phenergan, Adrenalin.  

Minh Thu