Nhiều giải pháp đưa hàng hoá thông suốt

Trong ngày đầu tiên thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện có QR Code còn thời hạn, lưu thông trên nhiều tuyến đường và tại các chốt kiểm soát đã thông thoáng hơn. 

Tại tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, sau khi cán bộ Tổ công tác quẹt mã xác nhận, phương tiện có Giấy chứng nhận QR Code do ngành GTVT cấp nhanh chóng vào luồng xanh qua chốt kiểm dịch trên tuyến để vào Hà Nội.

Ông Hoàng Xuân Dư, Đội trưởng Đội TTGT Đường bộ (Sở GTVT Hà Nội), cho biết, trước đây, lái xe chở hàng qua chốt, dù có Giấy nhận diện QR Code nhưng tổ công tác vẫn phải kiểm tra giấy xét nghiệm. Nay chỉ cần quét mã QR còn thời hạn là xe được qua, nếu giấy xét nghiệm âm tính của tài xế quá hạn, ngành chức năng sẽ tạo điều kiện cho cho xe về nơi bốc xếp hàng hoá, lái xe trả hàng sẽ tổ chức hậu kiểm, kiểm tra và xét nghiệm Covid-19 cũng như khai báo y tế sau.

Còn theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, xe được cấp mã QR code khi qua chốt vào luồng xanh sẽ nhanh hơn do lực lượng không phải kiểm tra, còn nếu xe không có mã QR code thì phải kiểm tra giấy tờ, giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 và chở hàng hoá thiết yếu…

{keywords}
Cấp thẻ nhận diện "luồng xanh" cho xe đi qua 22 chốt chắn

Từ 30/7, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện có QR Code còn thời hạn do ngành giao thông vận tải cấp vận chuyển hàng hoá phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.

Trường hợp phương tiện không có giấy nhận diện có QR Code, hoặc có nhưng hết thời hạn, thì thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với Covid-19 đối với người trên phương tiện.

Việc kiểm tra đối với phương tiện vận chuyển hàng hoá khi ra-vào các địa điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận hàng hoá (cảng, bến, nhà ga, kho, bãi, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất...) đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch, không gây ùn tắc giao thông.

Phó Thủ tướng yêu cầu người trên phương tiện chở hàng hoá lưu thông phải thực hiện nghiêm quy định 5K và có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.

Tại các vùng có dịch, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động có giải pháp phân luồng, tổ chức giao thông phù hợp hạn chế thấp nhất phương tiện vào trung tâm đô thị để phòng, chống dịch bệnh nhưng phải bảo đảm hoạt động vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hoá thông suốt qua địa bàn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung trên từ 0h ngày 30/7/2021; chủ động xử lý những vấn đề phát sinh, nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Không để đứt gãy

Theo Bộ Giao thông vận tải, cơ quan chức năng đã có hơn 80.000 phương tiện trên cả nước được cấp mã QR code đi vào luồng xanh. Tuy nhiên các xe chưa có mã QR code vẫn có thể đi vào luồng xanh nếu đảm bảo các điều kiện khai báo y tế, giấy xét nghiệm âm tính và chở hàng hoá thiết yếu.

Để đảm bảo thời gian giải quyết nhanh chóng và tạo thuận lợi cho đơn vị vận tải, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản gửi 11 Sở GTVT khu vực phía Bắc để điều chuyển một số lượng xe nhất định hiện đã được gửi đến Sở GTVT Hà Nội tiếp nhận, giải quyết kịp thời, nhanh chóng cho đơn vị vận tải.

Bộ GTVT cho biết thêm, hiện vẫn còn có nhiều phản ánh từ phía doanh nghiệp vận tải, chủ hàng về những vướng mắc khi đăng ký vận chuyển những hàng hóa chưa có trong danh mục hướng dẫn của Bộ Công Thương và của một số địa phương.

Ví dụ như thức ăn gia súc, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất phát triển kinh tế… Điều đó gây lúng túng cho các sở GTVT khi xem xét cấp giấy chứng nhận lưu thông hàng hóa (QR code) cho các doanh nghiệp, người dân. 

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT có hướng dẫn để tháo gỡ, đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ đặc thù về các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế, nhu cầu của địa phương để khẩn trương cập nhật bổ sung các loại hàng hóa được phép lưu thông.

Mới đây, Bộ NN-PTNT đã có văn bản nói rõ, nhiều tỉnh thành đã ban hành danh mục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhưng còn thiếu một số hàng hóa, vật tư phục vụ cho sản xuất.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài và ảnh: Thu Thủy