{keywords}
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cảnh báo, chuẩn bị Đại hội các cấp đến nơi rồi, phải hết sức cảnh giác với tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu”… và kiên quyết không dùng những người “chạy” như thế.


“Choáng” với 11 loại “chạy”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cảnh báo, chuẩn bị Đại hội các cấp đến nơi rồi, phải hết sức cảnh giác với tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu”… và kiên quyết không dùng những người “chạy” như thế.

Lời cảnh báo trên được đưa ra khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước chủ trì phiên họp của Bộ Chính trị cho ý kiến về báo cáo kết quả 5 đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị đối với 15 cấp ủy và tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Vấn nạn “chạy chức, chạy quyền” chưa bao giờ hết tính thời sự. Một bộ phận cán bộ, đảng viên đâu chỉ “chạy chức, chạy quyền”, mà còn “tăng tốc” với nhiều loại “chạy” nữa.

Trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, ban hành tháng 10-2016, Đảng đã chỉ ra 9 loại chạy là: “Chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu”, “Chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội”,

Đến Quy định 08-QĐi/TW của Đảng tháng 10-2018, Đảng bổ sung thêm 2 loại “chạy” nữa là “chạy phiếu bầu”, “chạy phiếu tín nhiệm”.

Như vậy, trong ba năm trở lại đây, Trung ương đã chỉ ra 11 loại “chạy”.

Sự phát triển của những loại “chạy” này, như Trung ương chỉ ra, là đáng buồn, đáng suy ngẫm. Những “con sâu” – nếu không bị phát hiện - có cơ hội làm mọt ruỗng  bộ máy. “Chạy phiếu tín nhiệm, chạy phiếu bầu”, dù đã được nêu tên, đã diễn ra vô cùng tinh vi, không dễ phát hiện.

Biểu hiện mới của “chạy phiếu tín nhiệm, chạy phiếu bầu”

Có những cán bộ muốn quy hoạch vào một chức danh quan trọng nào đó, họ không những phải khéo léo đi cửa sau đối với các “ông thường vụ”, “ông cấp ủy” mà còn phải “đón đầu” các đối tượng dù không nằm trong thường vụ, cấp ủy nhưng vẫn được quyền lấy phiếu tín nhiệm cho chức danh sắp được nằm trong quy hoạch.

Những người “chạy phiếu tín nhiệm” này có đặc điểm chung là vào thời điểm nhạy cảm họ khôn khéo thực hiện phương châm dĩ hòa vi quý, gió chiều nào theo chiều ấy để cố gắng không mất lòng ai, cố gắng tạo ra một hình ảnh cá nhân thân thiện, một thái độ khiêm nhường đối với mọi người trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

Thế nên, ở nhiều cơ quan hiện nay xuất hiện câu ca dao đời mới rằng: Đi nhẹ, nói khẽ, hay cười/“Chiều” trên “chuộng” dưới là người phiếu cao.

Khi đã “chạy” được phiếu tín nhiệm rồi, thì người ta tiếp tục lao vào cuộc đua “chạy phiếu bầu” một cách bài bản.

Trước đại hội diễn ra vài ba tháng, ai đó muốn được nhiều người biết đến, để ý, thì họ không chỉ khôn ngoan “giữ mình” bằng cách sống vui vẻ, hòa đồng, luôn “kính trên nhường dưới” đúng lúc, đúng chỗ, mà còn biết đánh bóng tên tuổi bản thân bằng cách tăng lên tần suất những bài báo, phóng sự ca ngợi cơ quan, lĩnh vực mình phụ trách.

Cái sự “chạy phiếu bầu” tăng tốc dồn dập nhất là gần đến ngày đại hội. Chỗ quen biết, thân tình thì nhã ý nhắn tin “ủng hộ tôi nhé”. Chỗ chưa thân quen lắm thì dành thời gian gặp gỡ, hỏi han, mời nhau ra quán xá, nhà hàng gọi là “lâu ngày giao lưu, hội ngộ”, rồi chén anh, chén chú, vui ngất trời, thậm chí sau cuộc nhậu lại có cả quà cáp, phong bao.

Thế là cả người mời và người được mời đều lợi cả đôi đường. Người mời - tức người muốn “chạy phiếu bầu” thì được tiếng là chân tình, hào hiệp, biết quan tâm đến mọi người; còn người được mời đang bị “lấy lòng, mua chuộc” một cách vô cùng tinh vi nhưng vẫn chẳng thấy do dự, ngại ngần gì vì chí ít họ cũng được hưởng cả lợi ích vật chất và tinh thần.

Cái sự “chạy phiếu tín nhiệm, chạy phiếu bầu” có gì giống và khác nhau với cái sự “chạy chức, chạy quyền” không?

Giống nhau ở chỗ đều là động cơ vụ lợi, đều có mục đích là giành giật, chiếm đoạt, sở hữu quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước.

Nhưng cũng có điểm khác  ở chỗ: Đối tượng “chạy phiếu tín nhiệm”, “chạy phiếu bầu” phải “chạy vạy, cậy nhờ, lôi kéo” nhiều thành phần hơn; hình thức chạy phải tinh vi hơn; cách thức chạy phải uyển chuyển, kín đáo hơn; thời gian chạy phải dài hơi, vòng vo hơn; nguồn đầu tư cho việc chạy cũng phải phân bổ hợp lý hơn cho từng đối tượng.

Ví như trước đây công tác cán bộ chủ yếu do mấy “ông, bà thường vụ” và cá nhân người đứng đầu quyết định, thì những kẻ chạy chủ yếu tập trung nguồn lực “chạy” cho mấy người có quyền sinh, quyền sát này.

Song, đến nay vấn đề nhân sự đòi hỏi phải mở rộng dân chủ hơn, thông qua nhiều quy trình bài bản hơn, thì những người “chạy phiếu tín nhiệm, chạy phiếu bầu” đương nhiên phải trải qua “quá trình chạy” theo hình tháp nhọn, tức là “chạy” từ thấp đến cao, “chạy” từ những ông cán bộ cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, “chạy” các đại biểu dự đại hội đảng, rồi sau đó tiếp tục “chạy” đến các ông, bà “có chân” trong cấp ủy và cuối cùng là “chạy” mấy “ông, bà thường vụ” và người đứng đầu.

Tuy là số ít, nhưng lại là người gần như có vai trò quyết định tối cao nên khi đã “vào” được “cửa sau” nhà mấy “ông, bà thường vụ” thì tương lai, triển vọng của người “chạy phiếu tín nhiệm”, “chạy phiếu bầu” càng thêm sáng sủa. Và khi “chạy” được đủ số phiếu tín nhiệm, số phiếu bầu, thì thời cơ vận hội thay đời, đổi danh của kẻ “chạy” chắc chắn nằm trong tay rồi!

Cái sự “chạy phiếu tín nhiệm”, “chạy phiếu bầu” đang bắt đầu vào mùa, đang bắt đầu tinh vi ở nhiều nơi. Nếu không cảnh giác và có biện phạm mạnh ngăn chặn e lâu ngày có thể tích tụ thành “cơn giông mạnh, cơn gió độc” cuốn phăng niềm tin của nhân dân đang được nhen nhóm.

Thiện Văn