Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua thành phố tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 23 và Kế hoạch số 148/KH-UBND của UBND thành phố về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo bà Vân, Trung tâm đã tổ chức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả đối với người lao động thực hiện thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp bằng nhiều hình thức như: Qua bưu điện, fax hoặc thư điện tử, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thống kê của đơn vị từ đầu năm đến nay, đã tiếp nhận hồ sơ người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp với số lượng 10.828 hồ sơ; số lượng người lao động có nhu cầu đăng ký học nghề với số lượng 1.925 người.

Còn từ tháng 9/2021 đến nay, Trung tâm thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động qua hình thức trực tuyến với chất lượng tổ chức tốt hơn. Kết quả, đã tư vấn việc làm cho 10.303 lượt người, số kết quả đạt 307 lượt người.

Bên cạnh thực hiện các thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đúng đối tượng, đảm bảo thời gian, Trung tâm cũng tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động theo hình thức trực tuyến thông qua các phiên việc làm online.

Hai lần tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến

{keywords}
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu chỉ đạo Phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực ĐBSCL – TP.HCM, Bình Dương vào đợt 1/năm 2021

Thời gian qua, Trung tâm dịch vụ việc làm TP Cần Thơ với vai trò là cầu nối giữa người lao động với doanh nghiệp đã chủ động cập nhật biến động về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và địa bàn thành phố, nhằm định hướng, tư vấn việc làm phù hợp với nhu cầu điều kiện của người lao động tìm việc.

Trước tình hình đại dịch diễn biến hết sức phức tạp, Trung tâm đã duy trì hỗ trợ tư vấn và kết nối việc làm cho các ứng viên qua hình thức trực tuyến trên các kênh Zalo, Facebook của Trung tâm, qua email đến người lao động và gián tiếp qua điện thoại.

Đặc biệt, Trung tâm đã hai lần phối hợp tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực ĐBSCL – TP.HCM, Bình Dương - Bà Rịa Vũng Tàu.

Đợt 1 vào ngày 29/10, Trung tâm đã phối hợp tổ chức Phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực ĐBSCL – TP.HCM, Bình Dương. Tại phiên giao dịch việc làm có 201 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp và trực tuyến với 37.441 vị trí việc làm trống. Kết quả, đã có 838 lượt người tham dự, tư vấn 753 lượt người và kết nối việc làm 365 lượt lao động trong khu vực. Riêng tại Trung tâm Cần Thơ đã tư vấn cho 119 lượt người lao động, kết nối việc làm cho 62 lượt lao động có nhu cầu tìm việc.

Đợt 2 vào ngày 26/11, Trung tâm phối hợp tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực ĐBSCL – TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa -Vũng Tàu.

Tại phiên có 248 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp và trực tuyến với 63.548 vị trí việc làm trống. Kết quả, đã có 1.055 lượt người tham dự, tư vấn 997 lượt người và kết nối việc làm 514 lao động trong khu vực. Riêng tại Trung tâm Cần Thơ đã tư vấn cho 41 lượt người lao động, kết nối việc làm cho 18 lượt lao động có nhu cầu tìm việc.

Lãnh đạo trung tâm cho biết, đơn vị cũng gặp không ít khó khăn trong việc hỗ trợ việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid -19. Nguyên nhân là do nhiều lao động vẫn còn tâm lý e dè, sợ dịch bệnh nên chưa muốn đi làm, vì vậy rất khó khăn trong việc kết nối việc làm. Chủ yếu người lao động chờ hưởng xong bảo hiểm thất nghiệp hoặc các chính sách hỗ trợ khác mới tính đến việc đi làm lại.

Dự báo thị trường việc làm Tết

{keywords}
Phiên giao dịch việc làm trực tuyến do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ thực hiện

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ cho biết, theo nhận định chung tình hình cung - cầu việc làm ở Cần Thơ trong giai đoạn sát Tết có những chuyển biến tích cực, song tình trạng mất cân đối giữa cung - cầu lao động còn tiếp tục diễn ra.

Cụ thể, về cầu lao động nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vào cuối năm khá cao so với giai đoạn giữa năm, công việc cũng đa dạng về lĩnh vực, ngành nghề như: Sản xuất may mặc, thực phẩm, chế biến thủy sản, dịch vụ nhà hàng, dịch vụ vận chuyển hàng hóa, lao động giúp việc nhà... mở ra cơ hội cho người lao động quay trở lại làm việc hoặc tìm kiếm cho mình một công việc mới.
Cung lao động cũng mang xu hướng tăng do tác động bởi làn sóng lao động trở về quê những ngày qua nhưng chủ yết tập trung ở lực lượng lao động phổ thông chưa sẵn sàng tìm việc làm ngay, họ muốn tự làm công việc nhỏ lẻ tại địa phương, hoặc đợi sau Tết sẽ tìm việc vì tình hình dịch bệnh chưa thực sự ổn định khiến quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ.

Vẫn theo bà Vân, hiện Trung tâm đang phối hợp cùng các đơn vị tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động sớm tìm được việc làm mới, ổn định cuộc sống. đo đó ở thời điểm cuối năm, lao động có nhiều cơ hội để tìm được việc làm mới thông qua các kênh hỗ trợ tư vấn kết nối việc làm trực tuyến mà Trung tâm đang thực hiện như Zalo/Facebook địa chỉ: Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ, tổng đài điện thoại qua số 0292 3838399.

“Việc triển khai kết nối việc làm trực tuyến giữa doanh nghiệp và người lao động của Trung tâm vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và người lao động, vừa tạo điều thuận lợi trong kết nối ngay ứng viên với nhà tuyển dụng vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19”, bà Vân nói thêm.

Hoài Thanh

Hơn 10.000 lao động Cần Thơ được tư vấn việc làm

Hơn 10.000 lao động Cần Thơ được tư vấn việc làm

Để giúp người lao động và người sử dụng lao động; lao động tự do, người nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, TP Cần Thơ đã và đang khẩn trương thực hiện chi hỗ trợ các đối tượng trên địa bàn.