Hiện nay, hầu hết các khâu của quy trình sản xuất thông tin thống kê đã ứng dụng công nghệ thông tin nhưng chưa đồng bộ, mỗi khâu của mỗi công việc ứng dụng theo một cách khác nhau.

Hiện chưa có một ứng dụng đồng bộ nào cho toàn bộ quy trình sản xuất. Do vậy, hiện trạng dữ liệu thống kê hiện cũng được quản lý theo nhiều hệ quản trị dữ liệu và phân tán khắp nơi trong ngành Thống kê từ Trung ương đến địa phương (bao gồm cả một số dữ liệu đã tập trung về Trung ương nhưng vẫn chưa thống nhất, thiếu tính liên kết theo không gian và thời gian). Cụ thể:

(i) Khâu xác định nhu cầu thông tin và khâu chuẩn bị thu thập: Chưa có một công cụ hỗ trợ nào, hầu như thực hiện thủ công trên word và excel.

(ii) Khâu chuẩn bị thu thập: Cũng như khâu xác định nhu cầu hiện đang thực hiện thủ công.

{keywords}
Ảnh minh họa

(iii) Khâu thu thập thông tin: Kênh điều tra thống kê đã được ứng dụng CNTT theo kịp xu thế công nghệ trên thế giới và đang từng bước chuyển đổi từ phiếu giấy (phương pháp nhập tin bàn phím và ứng dụng công nghệ quét - scaning) sang phiếu điều tra điện tử. Tuy nhiên, mỗi cuộc điều tra, mỗi kỳ điều tra ứng dụng khác nhau, rất nhỏ lẻ, phân tán, thiếu thống nhất. Kênh báo cáo thống kê và khai thác dữ liệu hành chính mới chỉ bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin hiện đã kết nối sử dụng dữ liệu quản lý thuế và thu nhận báo cáo từ các bộ, ngành thông qua ứng dụng.

(iv) Khâu tổng hợp thông tin: Tổng hợp dữ liệu điều tra đã được thực hiện trực tiếp trên các phần mềm xử lý kết quả cuộc điều tra riêng lẻ. Tuy nhiên, việc sử dụng dữ liệu giữa các cuộc điều tra còn thực hiện thủ công mất nhiều công sức, cụ thể như các phần mềm tổng hợp kết quả trung gian: phần mềm tính giá trị sản xuất, phần mềm tổng hợp dữ liệu thống kê tổng hợp.

(v) Khâu phân tích thống kê: Một số ít chỉ tiêu thống kê được thực hiện phân tích bằng phần mềm SPSS, SATA, còn nhiều chỉ tiêu chưa ứng dụng một phần mềm chuyên nghiệp nào. Một số báo cáo phân tích đã phát hành chủ yếu sử dụng công cụ của bộ phần mềm văn phòng theo ngẫu hứng, chưa có quy chuẩn phân tích thống nhất.

(vi) Khâu phổ biến thông tin thống kê: Thông tin thống kê được phổ biến kịp thời và trực quan trên trang tin điện tử của Tổng cục. Tuy nhiên, nội dung chưa phong phú, công cụ hỗ trợ khai thác thông tin còn yếu, thông tin tĩnh, chưa biểu diễn được thông tin phổ biến ra dưới dạng hình ảnh, thông tin chưa gắn được với bản đồ địa lý.

(vii) Khâu lưu trữ thông tin: Dữ liệu thống kê, nhất là dữ liệu vi mô được lưu trữ rất phân tán, thiếu liên kết giữa số liệu tổng hợp với dữ liệu vi mô, giữa các lĩnh vực, kể cả cùng lĩnh vực nhưng khó liên kết theo thời gian.

Ngoài ra, công việc chỉ đạo điều hành quá trình sản xuất thông tin thống kê đã từng bước được áp dụng ở một số cuộc Tổng điều tra và điều tra thống kê sử dụng phiếu điện tử nhưng vẫn được quản lý trên các ứng dụng riêng rẽ.

Cơ sở dữ liệu thống kê và metadata:

+ Hiện nay đã hình thành CSDL metadata của Ngành để sử dụng chung với một số dữ liệu về các bảng danh mục; ngân hàng câu hỏi điều tra; các bảng mã câu trả lời cho câu hỏi đóng đối với một số lĩnh vực thống kê.

+ Một số cơ sở dữ liệu được quản lý tập trung tại trung tâm máy chủ Tổng cục, còn lại hầu hết dữ liệu đang được quản lý phân tán tại các máy lẻ của các công chức Vụ nghiệp vụ, các phòng nghiệp vụ Cục Thống kê, thậm chí cả ở Chi Cục Thống kê. Ngoài ra, do nghiệp vụ thường xuyên cải tiến nên phần mềm phải sửa chữa, cập nhật nhiều, đặc biệt là dữ liệu rất khó kết nối, xâu chuỗi theo thời gian và giữa các lĩnh vực. Cũng chính vì vậy, CSDL metadata mặc dù đã hình thành nhưng chưa thể đầy đủ, chưa thể hoàn thiện để làm cơ sở thống nhất đồng bộ dữ liệu.

Hoàng Đức, Thành Huế