Năm 2021, dù Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng đối tượng tội phạm mua bán người vẫn hoạt động mạnh với chiêu thức và thủ đoạn tinh vi. Một số tỉnh, thành có khu vực biên giới giáp Trung Quốc liên tiếp triệt phá, xử lý các vụ án liên quan đến hành vi mua bán người.

{keywords}
Một tội phạm mua bán người bị bộ đội biên phòng bắt giữ. 

Điển hình ngày 14/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Mộc Châu (Sơn La) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Thị Vận (SN 1985) trú tại thôn Trung Lạc, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) về tội mua bán người theo quy định tại Khoản 2, Điều 150, Bộ luật Hình sự.

Trước đó, vào ngày 10/7/2021, Công an xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu nhận được tố giác về tội phạm của chị Lò Thị Xim (SN 1992) trú tại bản Khừa, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu). Khoảng tháng 7/2010, chị Xim có quen biết Bùi Văn Hân (SN 1962) trú tại xóm Nam Thái, xã Nam Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Sau đó, Hân rủ Xim cùng đi làm công việc khác lương cao hơn và chị Xim đồng ý.

Tháng 7/2010, Xim một mình đón xe khách đi đến huyện Cao Phong vào nhà Hân chơi. Sau khi ăn cơm trưa tại nhà Hân xong thì con gái Hân tự giới thiệu tên Hương cùng Xim đón xe khách đi Hà Nội tìm việc làm nhưng Xim bị Hương lừa sang Trung Quốc bán. Tháng 5/2021, Xim bị Công an Trung Quốc bắt, trao trả về Việt Nam và đến cơ quan công an trình báo.

Công an huyện Mộc Châu đã xác lập chuyên án đấu tranh. Quá trình điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Mộc Châu đã xác định Bùi Thị Vận chính là đối tượng của vụ án trên.

Tại Cao Bằng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cao Bằng bắt giữ thành công 2 đối tượng trong đường dây mua bán người xảy ra tại xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm. Hai đối tượng là anh em ruột gồm: Hoàng A Vừ (SN 1988) và Hoàng A Páo (SN 1997) cùng trú tại xóm Lũng Vai, xã Phan Thanh, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng.

Khoảng đầu tháng 2/2021, Hoàng A Vừ có quan hệ tình cảm với nạn nhân T. (SN 1992), trú tại xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng. Ngày 7/3, Vừ hẹn T. đi nhà nghỉ và hứa sẽ cho T. số tiền 3 triệu đồng. Sau khi T. đồng ý, Vừ rủ Páo cùng đưa T. vượt biên sang Trung Quốc.

Tại đây, Vừ đã nhận 7.000 NDT theo thỏa thuận từ một người đàn ông Trung Quốc và ép buộc T. làm vợ của người đó. Tháng 9/2021, T. được lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả về Việt Nam, cô đã làm đơn tố cáo anh em Vừ lên cơ quan chức năng.

Tại tỉnh Lào Cai, ngày 22/8, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai đã đề nghị truy tố 3 đối tượng về hành vi mua bán người. Các đối tượng gồm Thào Lử (SN 2000) trú tại thôn Na Lốc 1, Lý Lùng (SN 1997) trú tại thôn Na Lốc 2, xã Bản Lầu và Thào Tếnh (SN 1997) trú tại thôn Páo Máo Phìn, xã Tả Thàng, huyện Mường Khương, Lào Cai. 

Hai nạn nhân của nhóm tội phạm này là Hảng Thị D và Lồ Thị N. Sau 6 năm lưu lạc, ngày 15/3, nạn nhân trở về được đưa đi cách ly phòng dịch. Đến ngày 5/4, hai nạn nhân đã làm đơn tố cáo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Mường Khương.

Công an huyện Mường Khương phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai đã vào cuộc điều tra. Căn cứ vào lời khai của người bị hại, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai và Công an huyện Mường Khương đã làm rõ hành vi phạm tội của 3 đối tượng: Thào Tếnh, Thào Lử và Lý Lùng.

Qua mạng xã hội, khoảng tháng 7/2015, Hảng Thị D và Lồ Thị N quen biết với Thào Lử. Thông qua Lử, cả hai biết Thào Tếnh. 

Thào Tếnh được một đối tượng người nước ngoài đặt vấn đề tìm phụ nữ Việt Nam đưa sang Trung Quốc bán với tiền công là 10.000 NDT/người. Tếnh và đối tượng người Trung Quốc đã cho nhau số điện thoại để liên lạc.

Tếnh rủ Lử và Lý Lùng tham gia vào đường dây. Tếnh nảy ý định lừa bán D và N sang Trung Quốc, chúng giả vờ lừa hai cô gái đi chơi. Khi đến khu vực cột mốc 108 thuộc thôn Na Lốc 3, xã Bản Lầu, hai nạn nhân bị khống chế, tống lên một chiếc ôtô rồi đi sâu vào nội địa Trung Quốc. Lử nhận được 4.000 NDT; Tếnh được 4.300 NDT, còn Lùng được 3.500 NDT.

Tại một sự kiện về phòng, chống mua bán người do Bộ Công an và Hội Liên hiệp Phu nữ Việt Nam tổ chức đã chỉ ra nguyên nhân gia tăng tội phạm buôn người là điều kiện kinh tế ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Trình độ dân trí thấp, sự hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế. Một số phụ nữ có hoàn cảnh éo le bị bọn tội phạm lợi dụng, dụ dỗ, lừa gạt đưa ra nước ngoài bán, ép buộc làm gái mại dâm, làm vợ bất hợp pháp, buộc lao động trong điều kiện tồi tệ hoặc bị sử dụng vào mục đích thương mại vô nhân đạo… 

Cuộc đấu tranh phòng chống mua bán người cần sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành Trung ương, địa phương; cơ chế pháp lý được bổ sung, hoàn thiện và công tác tái hoà nhập cho các nạn nhân được quan tâm thực hiện, hoạt động hợp tác quốc tế chống tội phạm buôn bán người được đẩy mạnh thì nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em chắc chắn bị đẩy lùi.

Đức Yên