Theo số liệu từ Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, từ đầu tháng 7 tới nay, giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh bắt đầu có biến động, chủ yếu là tôm thẻ. Cụ thể, giá tôm thẻ đang giảm khoảng 5.000-10.000 đồng/kg tuỳ kích cỡ. Như tôm thẻ size 20 con/kg giá giảm từ 217.000 đồng/kg xuống còn 208.000 đồng/kg. Trong khi giá tôm sú tăng 5.000 đồng/kg ở hầu hết các kích cỡ, dao động từ 155.000-220.000 đồng/kg.

Tại cuộc họp tìm giải pháp bình ổn giá tôm nguyên liệu, tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất thuỷ sản vào chiều 13/7, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Châu Công Bằng cho biết, thì tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa tác động nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Bởi hiện tại, các yếu tố thị trường đầu ra đang tăng trưởng trở lại.

Song, nguyên nhân khiến giá tôm biến động, đặc biệt giá tôm thẻ giảm mạnh là do tâm lý hoang mang của người nuôi tôm. Họ lo sợ dịch bệnh ảnh hưởng tới sản xuất nên tăng cường thu hoạch, khiến nguồn cung vượt quá cầu tại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, ông Bằng cho hay.

{keywords}
Để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, doanh nghiệp sản xuất thuỷ sản Cà Mau cần nhanh chóng xây dựng phương án “3 tại chỗ” càng sớm càng tốt trên cơ sở phối hợp hướng dẫn của Sở Công Thương, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan 

Ông Bằng cũng cho biết, khi TP HCM thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển hàng hoá. Bởi những tháng qua, để xuất hàng thì các doanh nghiệp thuỷ sản tại Cà Mau chỉ cần 1 ngày để vận chuyển đến TP HCM, nhưng hiện tại thì đang gặp nhiều ách tắc và phải cần đến 2-3 ngày.

Hoạt động xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là xuất khẩu tôm là một trong những mũi nhọn kinh tế đặc biệt quan trọng của tỉnh Cà Mau. Hàng năm ngành này đều đem về cho địa phương khoảng 1 tỷ USD. Do đó, để thực hiện được "mục tiêu kép" trong hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản, tránh nguy cơ bị "đứt gãy" chuỗi sản xuất, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã đề ra phương châm "3 tại chỗ" gồm: Sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ.  

Theo ông Sử, trước mắt, các công ty, doanh nghiệp cần rà soát kỹ điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất tại các khu tập thể, nhà trọ, nhà ở cho công nhân theo hướng dẫn của ngành y tế. Phía các công ty, doanh nghiệp cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch, xây dựng phương án “3 tại chỗ” càng sớm càng tốt trên cơ sở phối hợp hướng dẫn của Sở Công Thương, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan.

Công ty Cổ phần thủy sản Cà Mau (Searimexco) - đơn vị thực hiện thí điểm khẩn trương hoàn thiện phương án, để các ngành chức năng đóng góp ý kiến hoàn chỉnh, đưa vào vận hành thực tế để đánh giá hiệu quả và tính khả thi. Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản CASEP Cà Mau phối hợp với các bên liên quan hỗ trợ các nhà máy, xí nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để công nhân an tâm làm việc, không quá hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước dịch bệnh Covid-19.

Liên quan đến giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, ông Lê Văn Sử đề nghị Sở Công thương tỉnh phối hợp với Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản CASEP Cà Mau, Sở NN-PTNT tỉnh tiếp tục rà soát, tìm hiểu kỹ giá thu mua bình quân của công ty, doanh nghiệp tại nhà máy, với giá thu mua đại lý tại đầm nuôi. So sánh đối chiếu, xem xét có hay không dấu hiệu lợi dụng tình hình thời điểm khó khăn để ép giá, trục lợi từ khâu trung gian để kịp thời báo cáo tham mưu đề xuất chấn chỉnh (nếu có). 

Đồng thời, ông Lê Văn Sử cũng yêu cầu các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhằm trấn an tâm lý lao động trong chính doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần khuyến cáo khuyến cáo người nuôi tôm cần bình tĩnh, chỉ nên thu hoạch khi tôm đã đến lứa, tránh tình trạng ồ ạt thu hoạch đồng loạt sẽ gây tác động xấu đến thị trường.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Bài và ảnh: Thu Thủy