Ngày 20/11, Cổng Công khai Y tế của Bộ Y tế đã chính thức được khai trương. Đây được coi là một bước tiến lớn trong nỗ lực thực hiện công khai, minh bạch các thông tin liên quan tới các dịch vụ Y tế.

Với 5 lĩnh vực được công khai thông tin, Cổng là kênh chính thống của Bộ Y tế để người dân và doanh nghiệp tra cứu dữ liệu về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá khám chữa bệnh, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo…  Qua đây người dân thực hiện quyền được biết và giám sát các dịch vụ mà ngành Y tế cung cấp.

Cùng với sự ra đời của Cổng Công khai, có rất nhiều khía cạnh mà người dân quan tâm, muốn giải đáp: Quá trình xây dựng Cổng ra sao? Phương thức để người dân có thể thực hiện việc phản hồi, đánh giá các dịch vụ, sản phẩm, bệnh viện… và các ý kiến đó sẽ được cơ quan, đơn vị quản lý xử lý thế nào? Làm sao để tận dụng được tối ưu những lợi ích mà Cổng Công khai có thể mang lại?...

Trong buổi giao lưu hôm nay, hai khách mời đến từ hai Cục của Bộ Y tế quản lý hai lĩnh vực có thông tin được công khai trên Cổng sẽ chia sẻ, giải đáp một số vấn đề liên quan. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả Báo VietNamNet: 

- Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế.

- Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.

{keywords}
Từ trái qua phải: Nhà báo Diệu Bình, ông Nguyễn Trọng Khoa, bà Trần Việt Nga

Công khai là rất cần thiết và mang lại lợi ích cho nhiều bên

Nhà báo Diệu Bình: Thưa hai khách mời, Cổng Công khai Y tế được coi là một bước tiến lớn trong nỗ lực công khai, minh bạch các thông tin Y tế. Ông, bà đánh giá ra sao về lợi ích mà điều này đem lại cả đối với người dân cũng như cơ quan, đơn vị quản lý?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Tôi khẳng định công khai, minh bạch là việc làm hết sức cần thiết và mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp cũng như tất cả các cơ sở y tế.

Bởi vì, thông qua đó chúng ta biết được mấy vấn đề. Thứ nhất là các giá dịch vụ y tế mà các cơ sở y tế cung cấp. Thứ hai là những vấn đề liên quan đến chất lượng và sự hài lòng người dân sẽ được công khai trên Cổng. Điều này giúp người dân biết cũng như giám sát tất cả các khía cạnh này.

Bà Trần Việt Nga: Với Cổng Công khai Y tế, đây là lần đầu tiên trong lĩnh vực an toàn thực phẩm chúng tôi công khai toàn bộ các thông tin liên quan đến nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) mà thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế. Chúng tôi đặt ra mục tiêu quan trọng nhất là minh bạch các thông tin để người dân có thể biết được và lựa chọn các TPBVSK theo đúng mục đích sử dụng của mình, phù hợp, có chất lượng tốt nhất.

Nhà báo Diệu Bình: Xin ông bà chia sẻ cụ thể các thông tin nào của lĩnh vực Khám, chữa bệnh và An toàn thực phẩm được đưa lên Cổng. Tiến độ thực hiện đến nay ra sao?

Bà Trần Việt Nga: Với lĩnh vực an toàn thực phẩm, hiện nay trên Cổng Công khai Y tế chúng tôi đã thực hiện công khai toàn bộ các sản phẩm TPBVSK mà được Bộ Y tế xác nhận công bố. Có nghĩa là chỉ những sản phẩm đó được phép lưu hành hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Vì vậy người dân có thể tra cứu tất cả các sản phẩm đã được Bộ Y tế xác nhận, các sản phẩm được phép lưu hành trên thị trường Việt Nam.

Ngoài tên sản phẩm, đơn vị được xác nhận, thì toàn bộ nội dung đã được xác nhận quảng cáo cũng được đưa lên. Người dân khi muốn tìm hiểu về công dụng của một sản phẩm nào đó thì hoàn toàn có thể lên tra cứu, so sánh với các nội dung mà đơn vị sản xuất kinh doanh đó công bố các tác dụng của sản phẩm như thế nào.

Khi chúng tôi xác nhận, chúng tôi cũng công khai toàn bộ các market quảng cáo đó trên Cổng.

Thông tin công khai thứ ba là các cơ sở hoặc các sản phẩm TPBVSK đã vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, bị Cục An toàn thực phẩm xử lý vi phạm hành chính thì chúng tôi cũng công khai toàn bộ các doanh nghiệp, các sản phẩm đó với các hành vi vi phạm được liệt kê cụ thể.

Ví dụ, với TPBVSK, nếu một doanh nghiệp vi phạm về quảng cáo thì chúng tôi đưa thông tin cụ thể lên là sản phẩm A của doanh nghiệp này vi phạm về nội dung quảng cáo hay sản phẩm đó ghi nhãn không đúng so với nội dung đã được công bố với Cục An toàn thực phẩm.

Như vậy, nếu có vi phạm, chúng tôi sẽ ghi rõ sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm, doanh nghiệp vi phạm.

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Trước mắt chúng tôi yêu cầu tất cả các bệnh viện sẽ công khai giá dịch vụ khám chữa bệnh. Trong giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ bao gồm: Giá khám chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế (BHYT) và cho người không có BHYT, đặc biệt là giá dịch vụ theo yêu cầu.

Ngoài ra là những thông tin về chất lượng bệnh viện, kết quả đánh giá chất lượng của bệnh viện tự đánh giá và kết quả của cơ quan quản lý đánh giá. Bên cạnh đó là thông tin liên quan đến tỉ lệ hài lòng của người dân với chất lượng dịch vụ ở cơ sở y tế đó. Đây cũng là thông tin rất tốt cho người dân tham khảo.

Trong lộ trình tiếp theo sẽ có 1.400 bệnh viện thực hiện công khai 3 nội dung này và tiến tới chúng tôi sẽ tiếp tục công khai các thông tin của cơ sở khám chữa bệnh bao gồm: số giường bệnh mà bệnh viện đang có, danh mục kỹ thuật, dịch vụ kỹ thuật mà bệnh viện có và nhân lực của cơ sở y tế (những thầy thuốc có chứng chỉ hành nghề), các thông tin liên quan đến bệnh viện sẽ được công khai niêm yết.

Ngoài 1.400 bệnh viện, chúng tôi cũng yêu cầu các cơ sở y tế có chức năng khám chữa bệnh như phòng khám đa khoa, chuyên khoa của nhà nước và tư nhân, các trạm y tế cũng sẽ công khai các dịch vụ, giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân biết, giám sát.

{keywords}
Ông Nguyễn Trọng Khoa và bà Trần Việt Nga khẳng định, việc công khai y tế cần có lộ trình

Nhà báo Diệu Bình: Xin được hỏi ông Khoa, Cổng có công khai các nhà cung cấp thuốc cho các bệnh viện không và qua đây người dân có giám sát được việc các bác sĩ chọn nhà cung cấp thuốc khi kê đơn không?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Vấn đề về thuốc đã có cổng công khai về thuốc riêng. Hiện nay có hơn 46 nghìn loại thuốc được công bố trên cổng thông tin về thuốc. Về nguyên tắc, bác sĩ tại các bệnh viện khi kê đơn sẽ kê tên gốc của thuốc và trong trường hợp bệnh viện có nhà cung cấp nào thì thuốc đó sẽ được cung cấp theo đơn của bác sĩ và không liên quan đến nhà thuốc.

Bác sĩ cũng không có tác động gì về vấn đề kê đơn ở đây. Bởi vì, khi đã kê đơn thuốc tên gốc thì bệnh viện có thuốc gì sẽ phục vụ thuốc đó chứ không liên quan đến chỉ định định của bác sĩ.

Nhà báo Diệu Bình: Có thể nói, để xây dựng một Cổng Công khai như vậy đòi hỏi quá trình xử lý khối dữ liệu đồ sộ. Đơn vị các ông, bà tham gia thế nào trong quá trình dữ liệu hóa này? Các đơn vị thực hiện có gặp phải khó khăn, trở ngại nào không, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19?

Bà Trần Việt Nga: Để xây dựng được Cổng Công khai y tế, chúng tôi phải xử lý một khối lượng dữ liệu hết sức đồ sộ. Đây là sự nỗ lực và quyết tâm rất cao của tập thể lãnh đạo Bộ Y tế cũng như các vụ, cục có liên quan đến các lĩnh vực phải công khai.

Lĩnh vực an toàn thực phẩm của chúng tôi hiện có gần 30 nghìn TPBVSK công khai trên Cổng Công khai Y tế. Ở đây, khi công khai, chúng tôi công khai minh bạch toàn bộ chứ không chỉ có tên sản phẩm. Do đó tất cả các dữ liệu đi kèm theo đối với một sản phẩm là vô cùng lớn và để làm được việc này đòi hỏi quá trình dài.

Chúng tôi phải có cơ sở dữ liệu chuẩn bị trong một thời gian khá dài. Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, chúng tôi phải xây dựng các phần mềm dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Toàn bộ thông tin doanh nghiệp đăng ký với cơ quan Nhà nước sẽ được thực hiện trên môi trường mạng. Tất cả những dữ liệu đó được chuyển lên Cổng Công khai.

Do đó trên Cổng Công khai Y tế sẽ không phải con số offline, cũng không phải con số theo định kỳ mà sẽ là những con số thực tại thời điểm đó. Ví dụ, ngay lúc này nếu Cục An toàn thực phẩm duyệt một số sản phẩm, chúng ta sẽ thấy các con số thay đổi theo thời gian thực tế.

Việc kết nối dữ liệu, đồng bộ tất cả các chỉ tiêu kỹ thuật trong hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 của cơ quan quản lý Cục An toàn thực phẩm với Cổng Công khai là khối lượng công việc hết sức khổng lồ và phải đảm bảo làm sao số liệu truyền tải sang hoàn toàn chính xác.

Đây là công việc về mặt kỹ thuật cũng như chuyên môn. Thời gian qua, đội ngũ chúng tôi và nhà cung cấp dịch vụ là Viettel đã làm việc ngày đêm để có thể hoàn thành những việc cơ bản nhất theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ với việc công khai các dịch vụ y tế này.

Khó khăn trở ngại cũng nhiều, anh em phải cố gắng để vượt qua. Ví dụ, khi bắt tay làm, máy móc cũng trục trặc cho nên nhiều trường hợp kết nối nhưng không thành công hoặc là sai các thông số kỹ thuật. Khi chúng tôi kiểm tra lại các sản phẩm, chúng không đúng như đầu vào. Cho nên, việc đồng bộ hết sức quan trọng, phải thường xuyên giám sát và làm cho Cổng hoạt động liên tục và chính xác.

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Đúng như chị Việt Nga vừa nói, đây là khối lượng công việc hết sức khổng lồ. Hơn 1.400 bệnh viện, lượng thông tin đưa vào cổng rất lớn.

Tuy nhiên, điểm thuận lợi là chúng tôi đã có cơ sở dữ liệu vận hành nhiều năm nay về báo cáo, thống kê, kiểm tra và đánh giá chất lượng qua sự hài lòng của bệnh nhân. Vì vậy chúng tôi làm thêm một bước là đưa thêm các dữ liệu về vấn đề giá dịch vụ, đồng thời đưa vào sự kết nối Cổng Công khai Y tế.

Đây là công việc lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của Bộ Y tế và các đơn vị cung cấp thông tin, đồng thời các bệnh viện cũng phải phối hợp mới có thể thực hiện được.

Sắp tới, trên 35 nghìn phòng khám và hơn 11 nghìn trạm y tế xã sẽ tham gia công khai trên Cổng. Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện khai báo vào Cổng. Trước mắt là kiểm kê, kiểm soát lại toàn bộ các cơ sở khám chữa bệnh, sau đó sẽ thực hiện bước tiếp theo là công khai giá dịch vụ y tế.

{keywords}
 

Nhà báo Diệu Bình: Các bệnh viện, doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị quản lý ra sao trong quá trình xây dựng Cổng? Họ có hưởng ứng không hay tham gia một cách đối phó? Họ có phản hồi cho cơ quan, đơn vị quản lý về những thuận lợi, khó khăn của mình không? 

Bà Trần Việt Nga: Về lĩnh vực An toàn thực phẩm, hiện nay những thông tin như tôi vừa trao đổi chúng tôi hoàn toàn dựa trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đã triển khai. Doanh nghiệp đăng ký thông tin trên đó là việc họ phải thực hiện với cơ quan Nhà nước nếu muốn công bố sản phẩm. Chúng tôi truyền tải toàn bộ lên Cổng Công khai.

Tuy nhiên, còn một yêu cầu nữa trong lĩnh vực an toàn thực phẩm mà Bộ trưởng rất quyết liệt, yêu cầu cục trong kế hoạch. Ngay khi nhận được chỉ đạo của Bộ trưởng, chúng tôi đã có công văn gửi cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) trên thị trường Việt Nam, khuyến khích họ công khai giá bán lẻ TPBVSK trên cổng thông tin này.

Sau khi chúng tôi có sự động viên và khuyến khích như vậy, có một số doanh nghiệp hưởng ứng rất nhiệt tình nhưng cũng có một số còn đang nghe ngóng.

Lộ trình của chúng tôi là công khai giá trong thời gian sớm nhất. Đến thời điểm này, theo thống kê của chúng tôi, đã có gần 500 sản phẩm TPBVSK được doanh nghiệp tự nguyện công khai với cơ quan quản lý nhà nước.

Đây là tín hiệu rất tốt, có thể thấy sự tích cực của doanh nghiệp trong việc minh bạch các thông tin. Việc công khai giá rất có lợi cho doanh nghiệp, họ có thể khẳng định được uy tín của mình và không để cho các cá nhân tổ chức khác lợi dụng việc bán hàng qua các hình thức không chính thống, nâng giá sảm phẩm lên hoặc để sản phẩm của mình mang tiếng xấu về chất lượng cũng như giá cả.

Nhìn chung, các doanh nghiệp có ý thức tuân thủ pháp luật và nhận thức được lợi ích của việc công khai, minh bạch giá cho người tiêu dùng đều có phản hồi tốt. Trong thời gian này họ đang liên tục cập nhật cho chúng tôi thông tin về giá của các sản phẩm TPBVSK.

Trong thời gian sớm nhất chúng tôi cũng sẽ công khai thông tin này trên Cổng Công khai Y tế.

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Vấn đề công khai giá dịch vụ là tiêu chí chúng tôi đã thực hiện nhiều năm nay. Tất cả các bệnh viện phải thực hiện công khai giá dịch vụ bằng các hình thức khác nhau.

Trong đó có những bảng giá dịch vụ tại các bệnh viện, các sổ công khai giá hoặc dựa trên các trang web của bệnh viện. Điều này không có gì cản trở hay khó khăn, và các cơ sở y tế, bệnh viện đều ủng hộ.

Ngoài ra, việc công khai không chỉ có lợi cho bệnh nhân, giúp họ biết giá dịch vụ, mà chính các bệnh viện cũng có sự tham khảo về giá dịch vụ, đặc biệt tham khảo về các năng lực chuyên môn, các dịch vụ chuyên môn mà bệnh viện đang triển khai.

Từ đó công tác tham vấn về chuyên môn, công tác chuyển tuyến người bệnh cũng thuận lợi. Ví dụ tôi muốn chuyển bệnh nhân này đến bệnh viện khác, có thể xem xem bệnh viện đó có thực hiện được kỹ thuật như vậy hay không, các kênh thông tin thế nào để có thể chuyển người bệnh đúng nơi mà không cần chuyển nhiều lần...

Cổng Công khai này sẽ giúp chúng ta thực hiện thêm những chức năng khác nữa chứ không phải chỉ minh bạch về giá dịch vụ.

Chúng tôi nghĩ các doanh nghiệp, cơ sở y tế cũng không có gì vướng mắc vì đây là những công việc đã được thực hiện trước đây. Hiện nay chúng ta thực hiện thêm một bước khác là công khai trên một cổng duy nhất. Như vậy nó sẽ có sự kết nối rất tốt cho các cơ sở y tế.

{keywords}
 

Lộ trình công khai, minh bạch sẽ tiếp tục mở rộng

Nhà báo Diệu Bình: Việc xác minh tính chính xác của các dữ liệu được công khai dựa trên cơ sở, quy trình nào và khâu giám sát được thực hiện ra sao, thưa ông, bà?

Bà Trần Việt Nga: Đây là vấn đề rất lớn và quan trọng đối với bất kỳ hệ thống công nghệ thông tin nào. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo các cục sát sao cũng như quan tâm đến vấn đề về an ninh mạng, việc xác thực các thông tin dữ liệu đầu vào.

Với Cục An toàn thực phẩm, doanh nghiệp trước khi kê khai thông tin phải đăng ký một tài khoản và tài khoản đó được cấp cho doanh nghiệp dựa trên mã số thuế. Như vậy để tránh được việc 2 - 3 doanh nghiệp cùng sử dụng một tài khoản, dẫn đến các thông tin kê khai không chính xác.

Thứ hai, với các doanh nghiệp có tài khoản, họ phải chịu trách nhiệm toàn bộ về các thông tin kê khai trên tài khoản đó. Với việc kê khai chính xác đó, cơ quan quản lý sẽ xử lý các thông tin chúng tôi nhận được và không ai có quyền điều chỉnh các thông tin trên hệ thống của mình.

Tất cả các thông tin được chúng tôi cấp hồ sơ công bố cho sản phẩm sẽ được trực tiếp truyền tải sang Cổng Công khai Y tế. Trong các bước đó cũng không ai có quyền can thiệp vào quá trình kết nối hay chỉnh sửa các thông tin dữ liệu.

Bên cạnh đó, vấn đề an ninh mạng như bảo mật các thông tin là vấn đề chúng tôi luôn luôn đặt ra đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ.

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Tương tự như Cục An toàn thực phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh bên Cục quản lý khám chữa bệnh được cấp tài khoản và chỉ đơn vị này mới đăng thông tin vào được và chịu trách nhiệm hoàn toàn thông tin họ cung cấp cho Bộ Y tế trên Cổng Công khai. Như vậy sẽ đảm bảo giá công khai hoàn toàn chính xác, theo đúng giá hiện tại của các cơ sở khám chữa bệnh.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa hai vị, công khai là cần thiết nhưng phải chi tiết, làm sao để giữa một “rừng thông tin”, người dân không bị “lạc” trong đó cũng như dễ dàng sử dụng các dữ liệu được cung cấp để so sánh và đưa ra lựa chọn?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Chúng tôi cho rằng, tìm kiếm thông tin dựa trên một cổng duy nhất là một thuận lợi lớn. Dựa trên cổng này, lĩnh vực nào chúng ta sẽ tìm kiếm theo lĩnh vực đó.

Ví dụ, tìm kiếm giá thuốc, chúng ta vào nhánh thông tin về thuốc. Tìm kiếm giá dịch vụ khám chữa bệnh thì vào nhánh thông tin về cơ sở y tế, tìm tên cơ sở y tế và tại đây, muốn tìm dịch vụ nào thì chọn dịch vụ đó để tra cứu. Điều này hoàn toàn không có gì khó khăn.

Bà Trần Việt Nga: Câu hỏi này chính là câu trả lời tại sao Bộ Y tế lại triển khai Cổng Công khai Y tế, đó là để người dân có một địa chỉ duy nhất để tìm kiếm các thông tin họ thấy cần thiết.

Để đạt được mục đích đó, trong tất cả các lĩnh vực như: an toàn thực phẩm, quản lý khám chữa bệnh, trang thiết bị, thuốc… chúng tôi phải lựa chọn ra những thông tin nào người dân cần nhất.

Với lĩnh vực an toàn thực phẩm, người dân cần biết là mình muốn lựa chọn mua một thực phẩm, sản phẩm BVSK A thì nó đã được lưu thông trên thị trường chưa? Cổng công khai y tế sẽ là giải đáp cho người dân. Ngoài ra là thông tin những sản phẩm đã lưu thông có công dụng gì, phù hợp với mình không?….

Người dân có thể tra cứu được nhãn sản phẩm ghi những gì? Nội dung quảng cáo đã được cơ quan Y tế xác nhận thế nào, có tác dụng gì, giúp hỗ trợ chức năng gì cho cơ thể... thì có thể đối chiếu và xác minh thực tế sản phẩm được quảng cáo đúng hay không?

Tôi cho rằng những thông tin hiện nay về lĩnh vực TPBVSK mà người dân cần nhất là sản phẩm nào được lưu thông, có công dụng gì, có phù hợp với mình hay không, giá cả thế nào, rồi sản phẩm nào đã có vi phạm, bị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Đó là những thông tin mà qua khảo sát chúng tôi thấy người dân rất cần và chúng tôi đã tiến hành công khai những thông tin đó trên Cổng.

Nhà báo Diệu Bình: Khi người dân có những phản hồi, đánh giá, báo cáo sai phạm về lĩnh vực Khám chữa bệnh và An toàn thực phẩm mà cụ thể ở đây là TPBVSK, họ có thể thực hiện trên Cổng thế nào? Các phản hồi này có được công khai không và sẽ được các đơn vị quản lý xử lý ra sao? 

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Về vấn đề phản hồi thông tin liên quan đến khám chữa bệnh thì không phải bây giờ chúng tôi mới làm. Chúng tôi đã triển khai đường dây nóng theo số điện thoại 19009095, người dân có thể phản ánh tất cả những vấn đề chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cũng như giá cả, vấn đề thu có đúng hay không...

Đã có kênh riêng để chúng tôi thu thập thông tin và xử lý với 3 cấp độ, cấp độ tại cơ sở y tế, cấp độ của địa phương và cấp độ Bộ Y tế. Bản thân tôi là người trực tiếp cầm số điện thoại đường dây nóng của Cục Quản lý khám chữa bệnh nhận phản ánh liên quan đến chất lượng dịch vụ cũng như giá cả khám chữa bệnh.

Ngoài ra, trong trang thông tin công khai này sẽ có kênh tiếp nhận phản hồi của người dân, từ đó chúng tôi có thông tin và cơ sở xử lý sai phạm.

Bà Trần Việt Nga: Trên Cổng Công khai Y tế chúng tôi đã công khai đường dây nóng 19009095 để cho người dân có thể phản ánh. Ngoài ra, ngay trên trang chủ của Cổng đã có 1 mục là mục phản ánh kiến nghị, trong đó có các thông tin mà người dân kê khai, muốn phản ánh và cho phép gửi hình ảnh sản phẩm mà họ nghi ngờ là có vi phạm, gửi lên để giúp các cơ quan quản lý thuận lợi trong việc kiểm tra sản phẩm đó có đúng hay không.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các vụ, cục phải thành lập tổ công tác thường trực, bất kể khi nào nhận được các phản ánh qua Cổng Công khai hay qua đường dây nóng thì các vụ, cục thuộc lĩnh vực nào phải có trách nhiệm xử lý ngay các thông tin phản ánh thuộc lĩnh vực đó.

Bộ trưởng cũng quán triệt rất rõ, Cổng Công khai một mặt là phục vụ người dân nhưng một mặt người dân chính là người giám sát giúp cho cơ quan quản lý phát hiện ra những vi phạm để có cách xử lý kịp thời.

Nhà báo Diệu Bình: Dự kiến lộ trình công khai sẽ được tiếp tục mở rộng, hoàn thiện ra sao trong thời gian tới đối với lĩnh vực Khám chữa bệnh và An toàn thực phẩm, thưa hai vị khách mời?

Bà Trần Việt Nga: Với lĩnh vực An toàn thực phẩm, như tôi đã đề cập, Bộ trưởng đã chỉ đạo tiếp tục phải công khai giá TPBVSK trên Cổng công khai.

Trong giai đoạn đầu chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp làm các việc đó, chúng tôi sẽ cập nhật thường xuyên giá TPBVSK trên Cổng công khai Y tế.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo chúng tôi làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ, yêu cầu họ trong quá trình kê khai online, khi đăng ký thông tin doanh nghiệp của mình và các sản phẩm thì kê khai luôn giá của các sản phẩm đó.

Với việc kê khai online như vậy, giá bán lẻ các sản phẩm TPBVSK sẽ được tự động cập nhật lên Cổng Công khai. Khi nào giá thay đổi, doanh nghiệp cũng tự động cập nhật lại cho phù hợp với thực tế. Đây là những điểm chúng tôi sẽ thực hiện trong thời gian gần nhất.

Cổng Công khai Y tế hiện nay đang thực hiện đối với những dịch vụ Bộ Y tế thực hiện triển khai. Tuy nhiên, lĩnh vực An toàn thực phẩm được quản lý bởi 3 bộ, ngành, đó là Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công Thương.

Bên cạnh các sản phẩm TPBVSK, chúng tôi cùng Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm triển khai xây dựng một hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm Quốc gia.

Hệ thống này khi được hoàn thiện thì tất cả các thông tin của các bộ, ban, ngành sẽ được kết nối với nhau. Với kết nối đó, chúng tôi sẽ công khai tiếp lên cổng của ngành Y tế. Bộ Y tế là đơn vị chủ trì, thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Chúng tôi cũng kết nối với địa phương để họ thông tin tới cấp xã tất cả các vấn đề về an toàn thực phẩm, không chỉ riêng về giá cả mà còn về các sản phẩm được công bố, kể cả các đợt thanh tra, kiểm tra số liệu về ngộ độc thực phẩm... sẽ công khai trên hệ thống Cổng Công khai Y tế.

{keywords}
 

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Lộ trình đối với Cục Quản lý khám, chữa bệnh công khai dịch vụ, giá dịch vụ khám chữa bệnh. Trước mắt, chúng tôi thực hiện công khai đối với tất cả các bệnh viện trên toàn quốc với 3 thông tin chính là các loại hình giá dịch vụ.

Hiện nay với giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT đã có quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT. Đối với người dân không có BHYT thì do Bộ Y tế quy định. Những đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh theo yêu cầu thì cũng được công khai. Đây là 3 loại hình giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ được chính thức công khai trên Cổng Công khai Y tế.

Một thông tin mà người dân quan tâm là mức chất lượng của các cơ sở khám chữa bệnh mà chúng tôi đánh giá hàng năm, do bệnh viện tự đánh giá và do cơ quan quản lý đánh giá sẽ được công khai trên Cổng.

Ngoài ra, tỉ lệ người dân hài lòng với chất lượng dịch vụ cũng được công khai. Tỉ lệ này do cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khảo sát với người bệnh đến khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú và định kỳ, cứ 3 tháng sẽ có 1 đợt khảo sát như vậy.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất kiến nghị triển khai khảo sát độc lập về tỉ lệ hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ. Từ đó người dân cũng nắm được cơ sở nào đang được người dân hài lòng nhất.

Bên cạnh năng lực chuyên môn, kỹ thuật và cơ sở vật chất, sự hài lòng của người bệnh cũng là chỉ số rất tốt để người dân tham khảo.

Ngoài 1.400 bệnh viện, với các cơ sở khám chữa bệnh khác, các phòng khám, trạm y tế cần phải có một quá trình tiếp theo.

Trước mắt, chúng tôi yêu cầu các cơ sở này khai báo các thông tin cơ bản nhất về cơ sở y tế để làm nền tảng dữ liệu, từ đó sẽ cấp các tài khoản để tiếp tục công khai các giá dịch vụ của các cơ sở này trên Cổng Công khai.

Nhìn chung, phải có thời gian, lộ trình và không thể nào ngay lập tức làm xong. Tuy nhiên, đây là việc quyết tâm chúng ta sẽ làm.

Nhà báo Diệu Bình: Xin hai khách mời chia sẻ thêm về một số bước tiến về công khai, minh bạch thông tin Y tế thời gian qua trong lĩnh vực Khám chữa bệnh và An toàn thực phẩm, cụ thể ở đây là quản lý TPCN?

Một cổng thống nhất, chứa đựng tất cả các thông tin

Bà Trần Việt Nga: Trong vấn đề công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến lĩnh vực quản lý về TPCN của Bộ Y tế, chúng tôi đã có bước tiến rất đáng kể trong những năm vừa qua.

Cách đây 7 năm chúng tôi đã đi những bước đầu tiên trong vấn đề công khai minh bạch, thể hiện bằng việc thực hiện đăng ký sản phẩm trên môi trường mạng.

Với môi trường mạng, doanh nghiệp có thể nhìn thấy rõ từng bước trong quá trình chúng tôi phê duyệt hồ sơ, khâu nào chậm và chậm vì lý do gì họ đều biết. Việc này rất có lợi cho doanh nghiệp, để họ có thể nắm vững được tiến độ để xử lý hồ sơ và có những kiến nghị phản ánh kịp thời.

Còn đối với cơ quan quản lý, lãnh đạo thì có thể giám sát được toàn bộ nhân viên làm việc ở từng công đoạn của quá trình xử lý hồ sơ.

Giai đoạn đầu là như vậy và vấn đề về đăng ký sản phẩm, về quảng cáo được thực hiện trên môi trường mạng và nó được thực hiện rời rạc ở hai hệ thống khác nhau. Dần dần sau đó, chúng tôi nhập 2 hệ thống đó trên một cổng dịch vụ công của Cục An toàn thực phẩm.

Sau đó tiến tới là kết nối các dịch vụ công của Cục An toàn thực phẩm sang Cổng của Bộ Y tế. Và không chỉ lĩnh vực an toàn thực phẩm mà còn là tất cả các lĩnh vực khác trong ngành Y tế đều kết nối vào đây. Từ đó người dân chỉ cần vào cổng dịch vụ công của Bộ Y tế là có thể thực hiện được tất cả các dịch vụ công thuộc các lĩnh vực khác nhau của Bộ Y tế.

Cũng trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã kết nối 100 dịch vụ công trong đó có dịch vụ công của lĩnh vực An toàn thực phẩm lên cổng dịch vụ công Quốc gia. Đây là quá trình minh bạch theo đúng hướng chỉ đạo của Chính phủ và cũng là quyết tâm cao của Bộ Y tế.

Ngoài ra, trong lĩnh vực An toàn thực phẩm, chúng tôi còn quản lý về mảng TPCN nhập khẩu nên đã kết nối với hải quan một cửa. Đó là hệ thống cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể kê khai các thông tin liên quan đến xuất nhập khẩu khi làm các thủ tục hải quan và các thông tin đó sẽ chuyển đến các cơ quan chuyên ngành được thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành. Tất cả các kết quả cũng được trả trên cổng Quốc gia.

Có thể nói, với lĩnh vực An toàn thực phẩm, việc quản lý sản phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu đều được kết nối với cổng Quốc gia và được công khai, minh bạch toàn bộ.

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Trong thời gian vừa qua, lĩnh vực khám chữa bệnh đã có những đổi mới khá toàn diện về chất lượng dịch vụ, bao gồm cả về nâng cao năng lực chuyên môn và cả chất lượng dịch vụ đối với người dân trong quá trình khám chữa bệnh.

Bộ Y tế cũng đã triển khai hệ thống đường dây nóng và triển khai đánh giá mức chất lượng bệnh viện cũng như là đo lường tỉ lệ sự hài lòng của người dân. Theo con số khảo sát sự hài lòng của người bệnh trong ngành Y tế mà cơ quan độc lập đánh giá năm 2018, tỉ lệ đạt trên 80%.

Với hệ thống của các bệnh viện, chúng tôi cũng đã yêu cầu triển khai đánh giá sự hài lòng của người dân, chúng tôi thu được trên hệ thống này cho đến nay là trên 5 triệu phiếu khảo sát. Đây là con số có lẽ hiếm ngành nào có thể làm được.

Qua khảo sát này, các cơ sở khám chữa bệnh sẽ tiếp nhận, lắng nghe được những ý kiến phản hồi của người dân về những vấn đề họ chưa hài lòng. Như vậy chúng tôi sẽ có những giải pháp cải tiến, nâng cao chất lượng, để người dân đến cơ sở khám chữa bệnh sẽ hài lòng hơn.

Đây cũng là chỉ số quan trọng đánh giá đối với ngành Y tế. Dịch vụ công cũng là bước để chúng tôi có những đánh giá độc lập, để làm sao hàng năm có tỷ lệ theo dõi người dân hài lòng như thế nào với dịch vụ khám chữa bệnh của các cơ sở trên toàn quốc.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Khoa, hiện nay chúng ta xây dựng giá dịch vụ y tế dựa trên cơ sở nào?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Hiện nay giá dịch vụ Y tế được xây dựng dựa trên Luật về giá, bao gồm những chi phí trực tiếp phục vụ cho dịch vụ đó: Chi phí về nhân lực, khấu hao, thiết bị, về cơ sở hạ tầng, về đào tạo, về quản lý. Đây là những chi phí cần thiết để cấu thành giá dịch vụ.

Tuy nhiên, theo lộ trình, chúng ta mới chỉ thực hiện được một số cấu phần để tính vào giá, phần còn lại vẫn do nhà nước chi, chưa đưa được vào phần giá. Ví dụ, vấn đề về khấu hao thiết bị, vấn đề chi phí quản lý.

{keywords}
 

Nhà báo Diệu Bình: Thưa bà Nga, xin bà chia sẻ những vấn đề được coi là “nóng” nhất trong quản lý TPCN hiện nay?

Bà Trần Việt Nga: Theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng cũng như phản ánh của báo đài, chúng ta có thể thấy hiện tượng các quảng cáo thổi phồng công dụng của TPBVSK hay TPCN là một vấn đề rất "nóng".

Rất nhiều quảng cáo TPCN trên tivi, trên các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt là trên các trang mạng xã hội có nhiều thông tin không được xác thực.

Các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, nơi quản lý các vấn đề liên quan đến các website và các cơ quan phát thanh truyền hình đã phối hợp với chúng tôi rất tích cực và có những biện pháp xử lý nghiêm những vi phạm đó. Đặc biệt với các trang mạng xã hội, chúng tôi đã làm việc trực tiếp với các trang mạng xã hội như Facebook Việt Nam để đề nghị, yêu cầu họ có những biện pháp ngăn chặn quảng cáo không đúng với bản chất sản phẩm.

Qua quá trình quản lý, chúng tôi thấy rằng, hiện nay trong câu chuyện quảng cáo sai sự thật, vấn đề quảng cáo xuyên biên giới là vô cùng nhức nhối. Về vấn đề này chúng tôi đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông nhiều lần để tìm ra giải pháp phù hợp và phải bắt kịp với xu thế sử dụng công nghệ hiện nay, nhằm ngăn chặn được quảng cáo không đúng với thực tế sản phẩm.

Công khai các nội dung đã được xác nhận quảng cáo trên Cổng Công khai cũng là một trong những biện pháp để ngăn chặn quảng cáo sai nội dung đã công bố với cơ quan nhà nước. Nếu người tiêu dùng tìm hiểu thông tin trên Cổng để biết được sản phẩm họ cần có những công dụng nào, họ sẽ không tin vào những quảng cáo bừa bãi trên các trang mạng xã hội.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa bà Nga, khi lựa chọn TPCN, người tiêu dùng thường có tâm lý “đắt xắt ra miếng”, càng đắt công dụng càng cao. Quan niệm này có đúng không hay vô tình tạo kẽ hở để các doanh nghiệp thổi phồng công dụng, “thổi giá”. Lời khuyên của đơn vị quản lý trong trường hợp này là gì?

Bà Trần Việt Nga: Như tôi vừa trao đổi, quảng cáo và giới thiệu sản phẩm quá mức, thổi phồng công dụng đánh vào tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ phải chi một khoản tiền rất lớn từ thu nhập của mình để mua sản phẩm không có chất lượng hay công dụng như người bán hàng đang quảng cáo.

Chúng tôi đã có nhiều cảnh báo, khuyến cáo đối với người tiêu dùng về hiện tượng này. Hi vọng qua Cổng Công khai Y tế, tìm hiểu những nội dung chúng tôi đã xác nhận với các doanh nghiệp về nội dung quảng cáo, người tiêu dùng sẽ biết được những chức năng thực tế của sản phẩm.

Bên cạnh đó như tôi đã nói, lộ trình tiếp theo là sẽ công khai giá của các sản phẩm TPBVSK. Qua đó, người dân có thể đối chiếu, để biết được sản phẩm này nhà sản xuất hoặc nhà kinh doanh bán bao nhiêu. Nếu các kênh truyền thông bán hàng thổi phồng giá lên, người tiêu dùng hoàn toàn có thể biết mà tránh được việc bị lừa gạt về công dụng của sản phẩm như hiện nay.

Nhà báo Diệu Bình: Việc công khai, minh bạch thông tin chi phí Khám chữa bệnh có thể giúp hạn chế tình trạng trục lợi BHYT như đã được cảnh báo trong những năm qua thế nào, thưa ông Khoa?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Vấn đề công khai giá và trục lợi BHYT là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.

Tuy nhiên việc Bộ Y tế công khai các giá dịch vụ sẽ giúp người dân biết được mình trả tiền cho dịch vụ đó như thế nào, với giá bao nhiêu để giám sát quá trình các bệnh viện thực hiện các dịch vụ.

Qua việc công khai như vậy, người dân cũng biết được khoản nào bệnh nhân đồng chi trả là bao nhiêu, dựa trên giá khám chữa bệnh đã quy định. Ngoài những chi phí Bảo hiểm chi trả thì những khoản nào không chi trả để người dân biết khoản đấy là mình tự chi trả. Điều này rất tốt để người dân giám sát quá trình khám chữa bệnh.

Không chỉ dựa trên cổng thông tin này, hiện nay theo quy định của Bộ Y tế thì các bệnh viện cũng vẫn phải cung cấp cho bệnh nhân bản kê chi tiết về các dịch vụ phải trả tiền bao nhiêu, dịch vụ nào là do Bảo hiểm thanh toán, dịch vụ nào là bệnh nhân tự chi trả và phải có chữ ký của bệnh nhân.

Điều này hoàn toàn công khai minh bạch, sẽ giúp kiểm soát được việc thu tiền tại các bệnh viện như thế nào, thu đúng hay không.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa bà Nga, từng có ý kiến cho rằng thuốc còn có quản lý giá, nhưng TPCN hiện nay được ví giống như mỹ phẩm, bày bán khắp nơi. Bà nhìn nhận ra sao về ý kiến này? Những khó khăn mà đơn vị quản lý gặp phải trong quản lý giá TPCN là gì và đến nay được xử lý ra sao? 

Bà Trần Việt Nga: Trước tiên tôi xin khẳng định những ý kiến cho rằng TPCN không được quản lý giá là không chính xác.

Theo quy định của Luật giá và các nghị định hướng dẫn về giá thì có các quy định là các TPCN dành cho trẻ từ 6 tuổi trở xuống đều phải kê khai giá. Nhưng hiện nay theo quy định, cơ quan quản lý giá đối với thực phẩm nói chung và TPCN nói riêng là Bộ Công Thương chứ không phải của Bộ Y tế.

Hiện nay, Bộ Công thương đã có những văn bản cho việc thực hiện quản lý giá. Trách nhiệm của Bộ Y tế là đều đặn hàng tháng cung cấp cho ngành Công Thương danh sách các TPCN dành cho trẻ dưới 6 tuổi đã đăng ký với Cục An toàn thực phẩm. Ngành Công thương dựa trên danh sách đó để quản lý giá các sản phẩm đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước. 

Thứ hai, TPCN là dạng đặc biệt của thực phẩm. Theo thông lệ quốc tế, không chỉ Việt Nam mà tại các nước tiên tiến trên thế giới như các nước châu Âu, Nhật Bản… TPCN cũng được bày bán rộng rãi theo các kênh khác nhau. Ví dụ tại các hiệu thuốc, siêu thị, cửa hàng…., nhiều TPCN còn được bán đa cấp. 

Tuy nhiên, làm thế nào để quản lý được việc các doanh nghiệp bán giá này nhưng đơn vị trung gian có thể thổi phồng giá? Thời gian vừa qua có rất nhiều hiện tượng như vậy hoặc có những kênh bán hàng trực tiếp mà hiện nay người ta đánh vào các khu vực vùng sâu, vùng xa như là thông qua gọi điện thoại, tư vấn tại gia đình hay tổ chức các cuộc nói chuyện, khuyến mại hàng tiêu dùng hoặc các tour du lịch…

Để tránh được điều đó, không có gì khác ngoài việc minh bạch và công khai giá của sản phẩm. Đây là vấn đề chúng tôi rất kỳ vọng trong thời gian tới. Khi chúng tôi khuyến khích được các doanh nghiệp công khai cả giá TPBVSK trên Cổng Công khai Y tế, người dân càng có nhiều thông tin để có thể tránh được việc các doanh nghiệp thổi phồng giá.

{keywords}
 

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Khoa, việc công khai này có gì khác so với các phương án đã thực hiện từ trước đến nay?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Với Cổng công khai Y tế, chúng tôi khẳng định đây là bước tiến mới trong quá trình công khai, minh bạch lĩnh vực khám chữa bệnh.

Đó là chúng ta có một cổng thống nhất, chứa đựng tất cả các thông tin, biết được cơ sở đó khám chữa bệnh như thế nào. Không chỉ công khai về giá, chất lượng, mức độ hài lòng người dân mà cả năng lực chuyên môn của các cơ sở y tế, nơi đó có bao nhiêu giường bệnh, có thể điều trị được những bệnh gì, những kỹ thuật gì?...

Đây là bước tiến giúp người dân biết được năng lực của cơ sở khám chữa bệnh. Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta tăng thêm sự lựa chọn cho người dân và tránh được tình trạng một số cơ sở không rõ ràng trong việc công khai giá, đến khi thực hiện xong dịch vụ lại thu giá cao hơn. 

Nhà báo Diệu Bình: Thưa bà Nga, được biết Cục An toàn thực phẩm là đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về ATTP từ năm 2014 đến nay đã triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến. Bà đánh giá ra sao về vai trò của chuyển đổi số với tiến trình minh bạch, công khai thông tin Y tế?

Bà Trần Việt Nga: Theo tôi, chuyển đổi số là vấn đề tất yếu trong thời đại này. Để đạt được chuyển đổi số là cả một chặng đường dài, cần có sự đầu tư rất bài bản.

Việc Cục An toàn thực phẩm là đơn vị tiên phong của Bộ Y tế thực hiện thành công dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là một trong những bước đầu tiên về thực hiện quá trình chuyển đổi số của lĩnh vực An toàn thực phẩm nói riêng và ngành Y tế nói chung.

Bên cạnh việc số hóa toàn bộ các thông tin các doanh nghiệp đăng ký, các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục có những lộ trình phù hợp để áp dụng công nghệ hiện đại, chẳng hạn như sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo trong các khâu xét duyệt hồ sơ để đảm bảo minh bạch, chính xác.

Như chúng ta đã biết, việc xét duyệt hồ sơ hiện nay hoàn toàn bằng con người nhưng nếu sử dụng trí tuệ nhân tạo thì việc xác định công dụng sản phẩm cũng như các thành phần sản phẩm dễ hơn so với việc làm thủ công.

Cục An toàn thực phẩm đã xây dựng một kế hoạch riêng về chuyển đổi số trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng việc minh bạch thông tin với người dân, minh bạch toàn bộ thông tin cho doanh nghiệp.

Việc này hỗ trợ trở lại cho cơ quan quản lý sử dụng chuyển đổi số để đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp nhất, chính xác nhất trong các vấn đề chúng tôi cần quản lý trong giai đoạn hiện nay.

Thưa quý vị và các bạn, trong giới hạn thời gian buổi giao lưu hôm nay, các khách mời đã chia sẻ và giúp làm sáng rõ rất nhiều thông tin liên quan đến Cổng Công khai Y tế mà người dân đang quan tâm. Buổi giao lưu đến đây là khép lại, xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia cùng Báo VietNamNet. Xin cảm ơn các độc giả đã theo dõi.

Báo VietNamNet (thực hiện)