Các đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương nhận định, trong giai đoạn tới, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi đó nội tại nền kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025 là rất nặng; đặc biệt đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, Bình Dương cần tăng cường chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất kinh doanh; cải thiện môi trường kinh doanh, chú trọng cải cách thủ tục hành chính đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi thu hút và khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh; thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản.

Cụ thể, tỉnh cần tập trung tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt các công trình trọng điểm; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp, phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường và đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Theo ghi nhận thực tế, ngay từ đợt bùng phát dịch Covid-19, Bình Dương đã tập trung phân tích, đánh giá, dự báo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến từng ngành, từng lĩnh vực và từ đó có kịch bản, phương án giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, phục hồi thị trường xuất khẩu, đảm bảo thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, làm tiền đề hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Theo số liệu thống kê, nửa đầu năm, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế đều đạt mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,23% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,73%); Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,23% (cùng kỳ tăng 6,4%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,4% so cùng kỳ; Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 2,48%; kim ngạch xuất khẩu tăng 47,2%, kim ngạch nhập khẩu tăng 43,4%.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 55.138 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Kết quả thu hút vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài đều tăng cao so với cùng kỳ. 

Có được kết quả này là nhờ Bình Dương đã chủ động xây dựng các kịch bản tập trung mọi nguồn lực để ứng phó với dịch bệnh Covid-19; huy động được toàn xã hội cùng tham gia chống dịch.

Việc tổ chức, triển khai lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 được thực hiện cả ngày, đêm cho các đối tượng diễn ra cơ bản an toàn. Cùng với đó là việc triển khai tiêm vắc xin cho các đối tượng theo quy định; thực hiện các ứng dụng công nghệ trên các thiết bị di động giúp người dân tuân thủ việc khai báo y tế, kiểm soát vào, ra bằng mã QR giúp tối đa hiệu quả truy vết, khoanh vùng dịch hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống dịch, khuyến cáo nhân dân không được chủ quan, lơ là nhằm kiểm soát và hạn chế đáng kể mức độ lây nhiễm của dịch bệnh trong cộng đồng. 

Trong bối cảnh, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều phức tạp như hiện nay, Bình Dương sẽ tiếp tục các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, chỉ đạo triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.

Đồng thời sẵn sàng các phương án tái khởi động kinh tế - xã hội sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2021.

Hiện toàn tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin thần tốc, đặt mục tiêu tiêm 100.000 liều/ngày nhằm tăng độ bao phủ miễn dịch cộng đồng, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/07/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh về chế độ hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ người lao động thuê nhà trọ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân,...

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh nhấn mạnh, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 rất quan trọng, tác động lớn đến sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn này, do đó đề nghị các các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình thực tế của địa phương tập trung nghiên cứu, góp ý bổ sung dự thảo Kế hoạch.

Ông Minh cũng lưu ý, việc bố trí vốn cần ưu tiên cho lĩnh vực giao thông, nhất là giao thông kết nối vùng; tạo quỹ đất sạch để chủ động trong công tác đầu tư công. Thực hiện tốt công tác quy hoạch giao thông, đô thị, tạo động lực thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Cửu Long