Tổ phản ứng nhanh

Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, UBND tỉnh Bình Dương đã chính thức thành lập tổ công tác gồm 23 thành viên, trong đó ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Tổ trưởng.

Thành viên của Tổ công tác có trách nhiệm tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo lĩnh vực, địa bàn được phân công. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khẩn trương rà soát, chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc tham mưu Tổ trưởng để có giải pháp chỉ đạo kịp thời.

Đối với những nội dung cần sự phối hợp của các đơn vị, thành viên của Tổ công tác báo cáo các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp về các Tổ phó (Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp, Sở Công Thương đối với các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp) tổng hợp, báo cáo Tổ trưởng có giải pháp chỉ đạo hiệu quả để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.

{keywords}
Bình Dương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp 

Hàng tuần, tổ công tác báo cáo tình hình tiếp nhận, thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nội dung kiến nghị. Tổ phó Thường trực tổng hợp, tham mưu Tổ trưởng có giải pháp chỉ đạo thực hiện.

Từ 19/7, tỉnh Bình Dương thực hiện giãn cách xã hội 14 ngày theo Chỉ thị 16 và các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch sản xuất bảo đảm phòng, chống dịch.

Để cắt đứt nguồn lây trong khu công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương yêu cầu doanh nghiệp phải đánh giá an toàn và thực hiện 2 phương án, gồm: “3 tại chỗ”, ăn, ở, sản xuất tại nhà máy; “1 cung đường, 2 địa điểm”- hai địa điểm là nơi ở (khách sạn, ký túc xá) và nhà máy, công nhân có xe đưa rước.

Nếu doanh nghiệp không thực hiện một trong hai phương án trên thì yêu cầu dừng hoạt động sản xuất kinh doanh kể từ 0h ngày 19/7 (bao gồm cả doanh nghiệp logistis và kinh doanh kho bãi) cho đến khi có thông báo mới.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Các cơ quan ban ngành của tỉnh cũng đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cục Thuế và Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ thông qua việc tổ chức các hội nghị đối thoại, giải đáp các vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết với mục tiêu tạo thuận lợi cho DN, ngành Thuế Bình Dương sẽ tiếp tục tổ chức, triển khai nhiệm vụ được giao trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thu hiệu quả, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố, các hội, hiệp hội DN, doanh nhân xây dựng các chương trình hỗ trợ DN, đặc biệt là đẩy mạnh sử dụng điện tử trong các công tác quản lý để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Cục Thuế tỉnh đang tiếp tục triển khai các ứng dụng trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế với Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Cục Hải quan trong việc giải quyết nghĩa vụ tài chính về đất đai, đăng ký thuế, trao đổi thông tin về DN, thực hiện tra cứu nợ thuế hải quan để giải quyết hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế…

Cục Hải quan tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt giữa nhiệm vụ thu với công tác tạo thuận lợi thương mại, tiếp tục nắm sát tình hoạt động và số thu nộp ngân sách của các DN, hỗ trợ thông quan nhanh hàng hóa, hoàn thuế kịp thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp tái đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Bình Dương có gần 1,3 triệu công nhân đang làm việc tại 29 khu, cụm công nghiệp, với hơn 1.200 doanh nghiệp. Hiện, toàn tỉnh có 95 doanh nghiệp đăng ký sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, với 13.200 công nhân ở lại nhà máy nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa sản xuất”.

Bài và ảnh: Thu Thủy