Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và phát triển bền vững

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đầu tư trên qui mô lớn, sản xuất nông nghiệp tập trung.

Theo đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương giai đoạn từ nay đến năm 2020, nông nghiệp trên địa bàn phía Nam của tỉnh Bình Dương sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn và khai thác tốt các nguồn lực sẵn có ở đô thị.

Bình Dương: Nông nghiệp công nghệ cao hướng phát triển bền vững
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Theo đó, giai đoạn 2017-2020, tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển các vùng chuyên canh cây cao su, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị ở các huyện phía Bắc; đẩy mạnh ứng dụng các giống năng suất và chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh cho các đối tượng cây trồng chủ lực như: Cao su, hồ tiêu, cam, quýt, bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, măng cụt, rau, hoa,...

Đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị của tỉnh đạt trên 150ha (tăng 15% so với năm 2016); tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt 5.345,3ha (tăng gấp 03 lần so với năm 2016) với các loại cây trồng có giá trị như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh,…

Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các loại cây trồng có giá trị như dưa lưới, cây có múi, chuối được các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư thâm canh, thiết kế hệ thống tưới phun tự động, nhỏ giọt, trồng cây theo phương pháp thủy canh, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao nhất.​

Tính tới nay, toàn tỉnh có 75 cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích khoảng 469ha. Qua đó, giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp đạt trên 95 triệu đồng/ha/năm; một số mô hình trồng bưởi ứng dụng công nghệ cao có thu nhập bình quân trên 01 tỷ đồng/ha/

Bên cạnh hiện đại hóa quy trình trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng có bước chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao sản xuất ổn định với 142 trang trại đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn gần 8,3 triệu con; chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 154 trang trại với tổng đàn 517 ngàn con; chăn nuôi vịt thịt có 15 trại với số lượng 205 ngàn con; chăn nuôi bò sữa có 02 trang trại với quy mô đang nuôi 819 con. Nhiều công ty, trang trại và hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn châu Âu vào sản xuất chăn nuôi như: Máng ăn, máng uống tự động, công nghệ sau thu hoạch, con giống năng suất cao, hệ thống chuồng lồng, chuồng sàn, hệ thống làm mát và sưởi ấm,… đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Với mục tiêu phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu, từ năm 2008 UBND Bình Dương đã kêu gọi doanh nghiệp thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm hạt nhân để phát triển ra các vùng lân cận.

Bình Dương: Nông nghiệp công nghệ cao hướng phát triển bền vững
Nông nghiệp công nghệ cao hướng phát triển bền vững

Đến nay, Bình Dương đã có 04 Khu nông nghiệp công nghệ cao gồm: Khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên); Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo); Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên) và Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo).

Trong đó, nổi bật là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (Unifarm) do Công ty cổ phần đầu tư U&I làm chủ đầu tư với tổng diện tích thực hiện dự án là 411,75ha.

Sau thời gian chọn lọc thử nghiệm, Unifarm đã đưa vào sản xuất các loại cây trồng có lợi thế so sánh, hiệu quả kinh tế cao như chuối, dưa lưới, cây có múi, nhãn với mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Hiện sản phẩm của Unifarm đã có mặt hầu hết các siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc.

Đối với sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ, điển hình có Công ty Cổ phần Vinamit đầu tư phát triển 150 ha nông sản các loại như mít, chuối, rau các loại,... được cấp chứng chỉ Canh tác hữu cơ, chế biến hữu cơ và nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) và Organic EU (Cộng đồng liên minh các nước châu Âu).

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 03 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn, cụ thể: Khu chăn nuôi gia cầm công nghệ cao tại xã Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên do Công ty TNHH Ba Huân đầu tư (diện tích 17,6ha) với số lượng tổng đàn gà hậu bị và gà đẻ thương phẩm 01 triệu con/20 trại, năng suất bình quân 500 ngàn quả/ngày. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tiến Hùng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên (diện tích 78,5 ha) với tổng đàn 300 ngàn con gà đẻ và 95 ngàn con gà hậu bị; số lượng trứng sản xuất bình quân 80 triệu quả/năm.

Khu chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao, xã Tân Hiệp và Phước Sang, huyện Phú Giáo do Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Bình Dương làm chủ đầu tư với tổng diện tích được giao là 471,81ha; tổng đàn bò sữa của Công ty trên 850 con; năng suất sữa trung bình đạt 17,7 kg/con/ngày, tổng sản lượng sữa bình quân khai thác khoảng 199.771 kg/tháng. Mô hình chuồng trại được thiết kế theo công nghệ cao, tự động hóa hoàn toàn các công đoạn như thu hoạch, chế biến thức ăn; thu gom và xử lý chất thải, vắt sữa,…

Song hành với những lợi ích thiết thực mang lại cuộc sống ổn định, tăng thu nhập cho người dân, hạn chế sự phụ thuộc vào con giống, thời tiết, dịch bệnh, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem đến hiệu quả kinh tế rõ nét, tạo ra nguồn sản phẩm ổn định và vượt trội về số lượng lẫn chất lượng.

Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic, sản xuất VietGAP, GlobalGAP, đang và sẽ là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp của người dân; thay đổi diện mạo mới cho ngành Nông nghiệp tỉnh nhà và nâng tầm phát triển ngành Nông nghiệp Việt Nam như nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: "Ngành Nông nghiệp Việt Nam phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất; riêng lĩnh vực chế biến nông sản, phải vào top 10 của thế giới".

Thúy Tình