Đột phá từ mô hình phát triển khu công nghiệp

Tách ra từ tỉnh Sông Bé vào năm 1997, đến nay Bình Dương đã chuyển dịch kinh tế từ thuần nông sang công nghiệp - dịch vụ, trở thành một trong những địa phương có ngành công nghiệp phát triển mạnh nhất cả nước. Bình Dương đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, có 31 KCN với tổng diện tích 12.721 ha, trong đó có 29 KCN đã đi vào hoạt đông với tổng diện tích 11.021 ha, tỷ lệ lấp kín đạt trên 70%. Hiện các KCN đã thu hút 2.914 dự án, bao gồm 2.262 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 24 tỷ đô la Mỹ và 652 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 72.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều KCN đã trở thành thương hiệu, giúp Bình Dương thu hút được nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Hầu hết các DN lớn đầu tư tại Bình Dương chọn lựa vào các KCN tập trung.

{keywords}
Ảnh minh họa: KCN Việt Nam - Singapore II

Chính sự ra đời của các KCN đã đưa công nghiệp của tỉnh bứt phá, tạo tiền đề cho thương mại - dịch vụ và đô thị phát triển theo. Các KCN của tỉnh với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có vị trí thuận lợi, liền kề các trục giao thông quan trọng kết nối với TP.Hồ Chí Minh và các vùng lân cận, đã thu hút được nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư.

Ông Kim Heun Tae, Tổng Giám đốc Công ty TNHH NTI Vina, KCN Việt Nam - Singapore 2, cho biết hầu hết các KCN ở Bình Dương đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư với quỹ đất “sạch”, hạ tầng đồng bộ, giúp nhà đầu tư triển khai nhanh dự án để nắm bắt cơ hội cạnh tranh và dễ dàng nâng vốn mở rộng sản xuất. Các KCN kết nối ra bên ngoài, kết nối vùng thuận lợi, giúp cho hàng hóa của DN vận chuyển thông suốt, nhanh chóng.

Xác định công nghiệp là trọng tâm, vì thế trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên để chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp. Bình Dương xác định công nghiệp là ngành chủ lực, vì thế tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên công nghiệp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho phù hợp. Kết quả Bình Dương đang là địa phương có công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao hơn bình quân chung. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng trưởng cao hơn kế hoạch, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Trong đó, công nghiệp phát triển đúng định hướng và tiếp tục là ngành chủ lực của nền kinh tế.

Trong thời gian tới, ngành công nghiệp của Bình Dương được nhận định sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, xứng đáng là ngành kinh tế chủ lực, phát triển đúng định hướng. Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp, kế hoạch sản xuất “sạch” hơn trong công nghiệp. Bên cạnh đó, các DN sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng cần sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, nguyên liệu đầu vào, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

Tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp mũi nhọn, chế biến chế tạo, cung cấp nguyên phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm công nghiệp. Bình Dương cũng sẽ xây dựng kế hoạch từng bước chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp phía nam của tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ. Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đúng lộ trình phát triển các KCN đã có chủ trương của Chính phủ.

Hiện các KCN của tỉnh hoạt động hiệu quả với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%. Các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao được quan tâm phát triển. Trình độ công nghệ sản xuất ở các DN ngày càng chuyển biến theo hướng hiện đại. Các DN trong tỉnh đang từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng sản phẩm của toàn cầu và được đối tác nước ngoài đánh giá cao.

Bình Dương đã tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển các khu, cụm công nghiệp nhằm kết nối giao thông liên vùng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN trong và ngoài nước. Nhờ đó, tỉnh đã thu hút được các dự án lớn, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh và quy hoạch phát triển công nghiệp của địa phương, phát triển một số ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, như công nghiệp chế biến, chế tạo... đã đưa công nghiệp của tỉnh bứt phá, tạo tiền đề cho thương mại, dịch vụ và đô thị phát triển theo.

Hướng đến công nghiệp chất lượng cao

Phát triển công nghiệp đã trở thành động lực để Bình Dương duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm luôn trên 9%. Giai đoạn 2015-2020, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh chóng theo hướng công nghiệp - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế; phát triển theo kế hoạch, quy hoạch cụ thể và bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu tăng trưởng. Để công nghiệp phát triển căn cơ theo hướng nhanh và bền vững, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp: Đổi mới thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và phát triển công nghiệp sạch để tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Thực tế, các dự án được cấp mới vào tỉnh thời gian qua hầu hết đều sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, thuộc những ngành nghề, lĩnh vực được tỉnh ưu tiên phát triển. Các DN trên địa bàn tỉnh cũng từng bước chuyển đổi công nghệ, nâng cao công suất, hạ giá thành sản phẩm. Điều này đã giúp cho công nghiệp của tỉnh từng bước đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định, nâng cao khả năng cạnh tranh và đang chuyển dịch về cơ cấu theo đúng định hướng nghị quyết.

Bình Dương đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu về phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Công nghiệp tiếp tục là ngành phát triển chính của tỉnh, trong giai đoạn tới, thu hút đầu tư của tỉnh sẽ có chọn lọc kỹ để có được những dự án công nghệ cao, sử dụng ít lao động, có giá trị gia tăng cao. Hiện các KCN trong tỉnh đang hướng đến thu hút đầu tư theo chiều sâu, phát triển bền vững. Thời gian tới, tỉnh ưu tiên những DN có công nghệ sản xuất hiện đại, giá trị gia tăng cao; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; hạn chế các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.

Bạch Dương