Theo TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Nguyễn Ái Quốc, trở thành một nước phát triển nhưng vẫn theo định hướng XHCN đã tạo nên khác biệt. Bởi trở thành một nước phát triển không chỉ dựa trên các tiêu chí vật chất, về mặt kinh tế, thu nhập của quốc dân hay bình quân đầu người như thế nào, mà khái niệm phát triển còn gắn với sự bảo vệ môi trường và đặc biệt là phát triển xã hội.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Chúng ta thấy một điểm mới trong dự thảo văn kiện Đại hội 13 là có hẳn Mục 8 về quản lý sự phát triển xã hội - điều mà các văn kiện trước đây chưa có. 

Là vì, chúng ta hướng đến một xã hội phát triển không chỉ giàu có và thịnh vượng về mặt kinh tế, không chỉ bảo vệ được môi trường mà còn là một xã hội cân bằng và hài hòa lợi ích giữa các giai cấp, giữa các tầng lớp, giữa các nhóm xã hội. Một xã hội hài hòa theo hướng đoàn kết, hợp tác, hướng đến sự cân bằng.

"Đấy mới là đáp ứng được tiêu chí về sự phát triển và là một tầm nhìn truyền cảm hứng. Bởi nó thu hút được sự quan tâm, mọi người bàn luận theo hướng tích cực và giúp cho mọi người dân Việt Nam đều hướng đến một mục đích mà sau 25 năm nữa chúng ta có thể phải phấn đấu rất nhiều để đạt được", TS Nguyễn Văng Đáng phân tích.

Trong báo cáo về các văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến việc lấy dân làm gốc, trọng dân, tin dân, để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và đặc biệt là dân thụ hưởng. Được biết đây là lần đầu tiên cụm từ “dân thụ hưởng” được đưa cụ thể vào dự thảo văn kiện. 

"Dân thụ hưởng" mang đến ý nghĩa cụ thể, thiết thực cho mỗi con người

TS Nguyễn Văn Đáng cho biết, đại hội lần này chúng ta thấy có sự bổ sung 2 cụm từ mới là "dân giám sát" và "dân thụ hưởng".

Cụm từ "dân thụ hưởng", thể hiện quan điểm rất thực tiễn của Đảng. Thứ nhất, nhấn mạnh lợi ích thụ hưởng, tức là người dân được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển. Chính vì đáp ứng được lợi ích đa dạng của người dân trong xã hội thì sẽ thỏa mãn được lợi ích ấy, tạo thành động lực cho cho sự phát triển.

Như vậy, dân thụ hưởng không phải chỉ là người dân phải được hưởng cái gì đó, mà chính là hướng đến việc thỏa mãn các lợi ích đa dạng trong xã hội của người dân để biến lợi ích trở thành động lực cho sự phát triển.

Thứ hai, cụm từ "dân thụ hưởng" nhấn mạnh là mọi chủ trương, chính sách phải tạo ra được sự thay đổi trên thực tế cuộc sống, tức là phải thay đổi bằng cách tạo ra sự thay đổi tích cực trong đời sống của người dân, kết quả của người dân được thụ hưởng.

Thứ ba, khi dùng cái khái niệm "dân thụ hưởng", tức là người dân nói chung, mọi giai cấp, mọi tầng lớp chứ không chỉ là những nhóm xã hội hay những tầng lớp có điều kiện thuận lợi.

Bởi vì chúng ta chứng kiến, trong hơn 30 năm đổi mới, rõ ràng có các khu vực thuận lợi phát triển rất nhanh, nhưng cũng còn nhiều khu vực khó khăn. Điều này đặt ra một thách thức cho Đảng, đó là sự phát triển mang tính bao trùm, tức là mọi cá nhân, mọi tầng lớp, mọi giai cấp phải đều có cơ hội bình đẳng về mặt thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

Theo ông Đáng, "đây là điểm mới và rõ ràng nó cũng là sự hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng trong tiến trình phát triển, lãnh đạo đất nước".

Nhìn sâu xa, cụm từ dân thụ hưởng, đấy là góc nhìn lấy người dân làm trung tâm, tức là mọi sự phát triển về mặt kinh tế - xã hội ở đây sẽ phục vụ cho nhu cầu của người dân. Người dân chúng ta làm, giám sát, thực hiện các công việc và sẽ thụ hưởng những lợi ích từ việc phát triển.

Cụm từ này gắn với chính khát vọng chúng đã đề ra, tức là phát triển đất nước phồn vinh để làm sao cho cuộc sống của người dân được hạnh phúc, được ấm no.

Thanh Bình