An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có đường biên giới dài gần 100km, giáp 2 tỉnh Takeo, Kandal (Vương quốc Campuchia), có nhiều di tích lịch sử - văn hóa và vùng Thất Sơn hùng vĩ, huyền bí, với 4 dân tộc (Kinh, Khmer, Chăm, Hoa). An Giang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ nhất khu vực ĐBSCL.

Với địa hình vừa đồng bằng, vừa đồi núi, sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, các di tích lịch sử - văn hóa và vùng Thất Sơn hùng vĩ, huyền bí, có 4 dân tộc (Kinh, Khmer, Chăm, Hoa) cùng sinh sống. Từ đó, tạo ra những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, làm tiền đề phát triển đa dạng các loại hình DL (văn hóa, tâm linh, sinh thái, cộng đồng...)

{keywords}
An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có đường biên giới dài gần 100km, giáp 2 tỉnh Takeo, Kandal (Vương quốc Campuchia), có nhiều di tích lịch sử - văn hóa và vùng Thất Sơn hùng vĩ, huyền bí, với 4 dân tộc (Kinh, Khmer, Chăm, Hoa).

Hiện toàn tỉnh có 15 điểm tham quan, DL. Trong đó, có 2 khu DL (Khu DL núi Cấm, Khu DL quốc gia núi Sam), 2 điểm DL (điểm DL đồi Tức Dụp, điểm DL rừng tràm Trà Sư). Với 97 cơ sở lưu trú DL đạt chuẩn với gần 3.000 phòng, 2 công ty lữ hành nội địa, 11 công ty lữ hành quốc tế, 1 công ty vận chuyển đường bộ và 3 công ty vận chuyển đường thủy. Giai đoạn 2016-2020, An Giang thu hút khoảng 38 triệu lượt khách tham quan, DL. Khách quốc tế ước đạt 405.000 lượt, khách lưu trú trên 4,1 triệu lượt, doanh thu xã hội từ hoạt động DL ước đạt 21.200 tỷ đồng.

Bàn về thế mạnh của An Giang, trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang cách nay 2 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: 

“An Giang chính là nét chấm phá trong bức tranh du lịch Mekong, là bảo tàng sinh thái tự nhiên và văn hóa độc đáo của Đồng bằng sông Cửu Long. Sứ mệnh của An Giang là phải mở mang tầm nhìn của du khách về vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam".

Kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú

Huyện Chợ Mới có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch so với các địa phương khác trong vùng ĐBSCL, với khá nhiều di tích lịch sử cấp tỉnh và quốc gia, có quần thể kiến trúc tôn giáo độc đáo cùng với các làng nghề truyền thống mang đậm nét dân tộc. Đặc biệt, DL tại 3 xã cù lao Giêng, với nét độc đáo của văn hóa tín ngưỡng tôn giáo, tập trung nhiều các cơ sở thờ tự, trong đó có nhiều tôn giáo khác nhau nhưng vẫn chung sống hòa hợp trên một cù lao nhỏ giữa bốn bề sông nước.

Mới đây, phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chợ Mới Hà Minh Trang dẫn đầu đoàn công tác huyện khảo sát các điểm phát triển du lịch trên địa bàn.

Theo đó, đoàn đã đi khảo sát thực tế tại khu DL sinh thái cồn Én, ấp Tấn Long (xã Tấn Mỹ), khu DL tại thị trấn Mỹ Luông do Công ty TNHH MTV Dương Khang làm chủ đầu tư. Hiện, khu DL sinh thái cồn Én đang khẩn trương thi công các hạng mục: xây dựng khu nghỉ dưỡng với tiêu chuẩn khách sạn, bãi tắm nhân tạo, khu vui chơi giải trí, đường hoa lan, hệ thống nhà liên hoàn, nhà trên cây, bức tranh đồng quê Việt Nam được làm bằng gỗ dài 24,5m… trên diện tích hơn 5,6ha, tổng số vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021.

{keywords}
Lễ hội đua bò Bảy Núi

Khu DL ở thị trấn Mỹ Luông đang hoàn thiện nhiều hạng mục như: nhà trưng bày xe cổ, đồ cổ, các tượng điêu khắc bằng gỗ, các khu vực dành cho khách tham quan, chụp ảnh, vui chơi, ăn uống... trên diện tích 2ha, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm 2021.

Mục đích của chuyến công du là nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình xây dựng, đồng thời đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào hoạt động.

Trong chiến lược phát triển, Chợ Mới rất tâm huyết đầu tư, coi đó là xương sống để đạt được tăng trưởng.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả trong xây dựng hạ tầng giao thông, đảm bảo kết nối tour, tuyến DL đường thủy lẫn đường bộ. Chợ Mới đã đẩy mạnh mời gọi đầu tư, xúc tiến nhanh các thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp sớm triển khai thực hiện đầu tư các dự án DL trên địa bàn, tạo điểm nhấn thu hút du khách, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ, DL khác.

Hiện nay, huyện đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư 2 khu DL sinh thái tại thị trấn Mỹ Luông và xã Tấn Mỹ để tạo điểm nhấn thu hút du khách, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ, DL khác trong thời gian tới, như: DL sinh thái, DL miệt vườn, ẩm thực, kết hợp xây dựng khu vui chơi giải trí, dịch vụ nghỉ dưỡng ven sông, làng nghề truyền thống...

Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X xác định: “Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”. Ngoài tiềm năng, điều kiện sẵn có, để thực hiện có hiệu quả nghị quyết, thời gian qua, tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường quản lý an ninh trật tự, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ để đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch An Giang theo hướng bền vững.

{keywords}
Núi Cấm

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Để cụ thể hóa nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1954, kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động UBND tỉnh về kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang (giai đoạn 2016-2020), định hướng đến năm 2025. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 1 KDL văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 3 - 4 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô vừa; có các trung tâm mua sắm hiện đại; có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông hiện đại; có mạng wifi được phủ sóng tại các khu, điểm du lịch trung tâm để phục vụ du khách.

Đến 2025, có thêm ít nhất 1 KDL văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn tại các KDL trọng điểm và các thành phố lớn như: Long Xuyên, Châu Đốc.

Tỉnh đã xác định việc xây dựng hạ tầng du lịch phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đảm bảo khai thác lợi thế vùng, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng- an ninh. Chú trọng áp dụng hình thức xã hội hóa đầu tư theo đối tác công - tư (PPP) trong đầu tư hạ tầng du lịch.

Việc thu hút vốn phát triển du lịch theo hướng “du lịch văn hóa tâm linh” kết hợp du lịch sinh thái nông nghiệp để khai thác tối đa các tiềm năng của tỉnh. Trong đó, chú trọng thu hút đầu tư các dự án khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn… để “giữ chân du khách”.

Bình Thủy