Lấy ‘thích ứng’ với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển

Nằm ở thượng nguồn sông Cửu Long, nước ngọt quanh năm, đất đai màu mỡ.  Điều kiện tự nhiên thuận lợi giúp An Giang có một nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh với sản lượng lúa và thủy sản nước ngọt nằm trong nhóm các tỉnh cao nhất nước.

Bởi vậy, An Giang được Chính phủ chọn là một trong 4 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và thành phố Cần Thơ). Tuy nhiên đây lại là vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, như: hạn kiệt, mưa trái mùa, diễn biến lũ thất thường, sạt lở....

Theo đánh giá của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho thấy, tác động của biến đổi khí hậu lên vùng ĐBSCL ngày càng rõ nét. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra. Biến đối khí hậu đã tạo ra các tác động kinh tế xã hội sâu rộng, không những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất mà còn nông nghiệp mà còn làm thay đổi các cấu trúc cung cầu hàng hóa và dịch vụ của hầu hết mọi ngóc ngách của nền kinh tế.

Trước những thách thức đó, trong những năm qua, An Giang đã chủ động xây dựng hệ giải pháp nhằm kiến tạo tầm nhìn dài hạn, bền vững, phù hợp để thích ứng với những biến đổi khí hậu. 

Đặc biệt từ khi Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu ra đời, đây không những là chính sách đòn bẩy giúp ĐBSCL nói chung, nhất là tỉnh An Giang vùng đầu nguồn nói riêng để định vị lại sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tổ chức lại sản xuất nông nghiệp một cách hợp lý và bền vững hơn, nghị quyết còn mang tính “đột phá mạnh” về tư duy chiến lược chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo thế liên kết vững chắc giữa các tỉnh trong vùng, Tiểu vùng, chủ động hơn trong việc “sống chung với lũ”, ứng phó tốt hơn với BĐKH. Trong đó, cơ cấu sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL trong thời gian tới theo 3 trọng tâm: Phát triển thủy sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái.

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu… Ngoài ra, để triển khai thực hiện các nhiệm vụ chi tiết cho từng năm và cho giai đoạn 05 năm, UBND tỉnh cũng đã xây dựng ban hành nhiều kế hoạch để làm cơ sở tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, các chương trình, dự án đầu tư cho lĩnh vực biến đổi khí hậu được quan tâm triển khai thực hiện.

{keywords}
 An Giang đang hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

Chủ động ứng phó bằng nhiều giải pháp

Để ứng phó với tình trạng hạn, xâm nhập mặn, An Giang đã tranh thủ thực hiện các dự án đầu tư hệ thống thủy lợi vùng cao, xây dựng mô hình hồ chứa nước vùng khô hạn cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân vùng núi thuộc huyện Tri Tôn; Dự án Quản lý nước thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh An Giang; Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng tại ĐBSCL; dự án Chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở, bảo vệ đô thị thành phố Long Xuyên thích ứng biến đổi khí hậu,...

Để từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh An Giang đã chủ động rà soát, xây dựng các đề án, dự án trên địa bàn tỉnh như: Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên; Đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL; Kè chống sạt lở sông Hậu đoạn qua xã Châu Phong, TX Tân Châu; Dự án đầu tư xây dựng cụm tuyến dân cư di dời khẩn cấp các hộ dân vùng sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

Lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, An Giang đã và đang tổ chức triển khai xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản từ nguồn chương trình mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới. Hiệu quả đạt được từ các mô hình trên là cơ sở để tìm kiếm những mô hình, giải pháp và công nghệ phù hợp đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Hiện An Giang đang chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích màu, cây ăn trái nhằm nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích; đồng thời, tăng vụ đối với một số loại cây màu đang có thị trường và giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, vận động các hộ nuôi cá thể thành lập hợp tác xã hoặc chi hội thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, ổn định đầu ra nguyên liệu, sản xuất theo kế hoạch xuất khẩu của doanh nghiệp. Ðối với các hộ nuôi cá thể quy mô nhỏ không đủ điều kiện nuôi cá tra xuất khẩu, khuyến khích chuyển sang sản xuất ương giống, tham gia các chi hội ương giống của hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản, từ đó sẽ gắn sản xuất và tiêu thụ theo đề án liên kết sản xuất.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, thực hiện dự án nâng cao chất lượng giống vật nuôi (heo hướng nạc, bò lai Sind), mô hình chăn nuôi heo an toàn sinh học, mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, ứng dụng gieo tinh nhân tạo cho bò để cải tạo giống bò thịt của tỉnh và kế hoạch ứng dụng giải pháp phù hợp trong chế biến phụ, phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò.

Với lĩnh vực lâm nghiệp, An Giang thực hiện mô hình thích ứng dựa vào hệ sinh thái, thực hiện mô hình chia sẻ lợi ích từ rừng với cộng đồng sống vùng đệm của Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, mô hình đồng quản lý rừng nhằm chia sẻ lợi ích từ rừng cho cộng đồng vùng đồi núi, Mô hình trồng xen dưới tán rừng, Mô hình du lịch sinh thái, mô hình thành lập tổ hợp tác bảo vệ và phát triển rừng nhằm chống chặt phá rừng gây suy thoái rừng.

Ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu thì các họat động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong việc giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được An Giang triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả như sau: Đã đưa vào áp dụng các mô hình sản xuất sạch hơn theo cơ chế phát triển sạch (CDM); Áp dụng các chương trình sản xuất sạch trong nông nghiệp như 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm,… Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ  phục vụ cho công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường.

{keywords}
Cá tra vẫn là sản phẩm chủ lực của An Giang. Ảnh: C.M

Trong 5 năm (2006 – 2010), tỉnh đã hỗ trợ 19 mô hình, dự án về quản lý, xử lý chất thải, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, áp dụng các mô hình sản xuất sạch, ứng dụng chuyển giao các công nghệ tiên tiến; triển khai thử nghiệm 02 kiểu lò nung gạch có khả năng đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất gạch ngói và triển khai đề án 100 lò nung, nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất gạch ngói trên địa bàn tỉnh từng bước thay thế cho các lò thủ công đang gây ô nhiễm môi trường, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình khí sinh học trên 600 công trình cho ngành chăn nuôi, . . .

Đặc biệt, công tác hợp tác quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Kết quả đến nay đã hợp tác, thực hiện một số chương trình, dự án sau: Kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao được Chính phủ Úc tài trợ thực hiện, góp phần kiểm soát lũ triệt để, bảo vệ vững chắc diện tích nông nghiệp trong vùng dự án. Dự án quản lý nước thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh do AusAID tài trợ, với mục tiêu tăng cường quản lý tài nguyên nước tổng hợp ở vùng đất nông nghiệp và các khu đất ngập nước rừng tràm tỉnh nhằm nâng cao khả năng chống chịu của các hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần vào việc giảm nghèo...

Đáng giá về công tác này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Hồ Việt Hiệp cho biết: Thời gian qua, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm sâu sát từ cấp ủy Đảng đến chính quyền địa phương, các chủ trương, chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu đều được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Trong đó, công tác xây dựng các kế hoạch, đánh giá tác động của BĐKH đối với tỉnh nhằm xây dựng giải pháp thích ứng, ứng phó được thực hiện tương đối đầy đủ, kịp thời; công tác tuyên truyền các tác động của biến đổi khí hậu và các cơ chế chính sách liên quan bước đầu đã triển khai thực hiện và mang lại một số kết quả nhất định về nâng cao nhận thức cho các ngành, các cấp; đã thành lập được Ban Chỉ đạo và bộ phận giúp việc nhằm tham mưu kịp thời các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại, An Giang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Quốc hội Ban hành Luật về Biến đổi khí hậu để làm cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác ứng phó với BĐKH trên địa bàn cả nước. Giao cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu việc bổ sung biên chế cán bộ thực hiện công tác quản lý Nhà nước về BĐKH trên cả nước và các tỉnh để đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cho công tác này.

Thiện Chí