Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều rủi ro, đứt gãy, việc tiếp tục khơi thông thị trường nội địa gắn với Cuộc vận động là một trong những giải pháp quan trọng bảo đảm ổn định sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hỗ trợ xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP và đưa các sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối trong và ngoài tỉnh nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa An Giang, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

Để cuộc vận động đi vào thực tiễn, UBND tỉnh đã sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu nhằm khơi dậy niềm tự hào hàng Việt và hàng do doanh nghiệp An Giang sản xuất, giúp nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp An Giang, chất lượng, mẫu mã, giá thành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tại An Giang; xây dựng văn hóa tiêu dùng của người An Giang dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí tư lực, tự cường, tự tôn dân tộc. Sử dụng có hiệu quả nguồn lực của các chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng Việt tại An Giang thuôc các thành phần kinh tế; đồng thời, đưa ra những chính sách phù hợp nhằm khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, nhất là chính sách hỗ trợ và khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động, đồng thời phát huy vai trò của nhà nước và các tổ chức có liên quan trong quản lý thị trường nhằm bảo vệ người tiêu dùng, nên sản xuất và phát triển lành mạnh môi trường kinh doanh hàng Việt tại An Giang.

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến giá cả thị trường, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường để hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

Đó là vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh để xảy ra các biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.

Vào đầu tháng 6/2021, tỉnh An Giang cũng đã công bố các điểm bán hàng bình ổn giá. Đây là việc làm nhằm thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chương trình bình ổn thị trường, quản lý an toàn thực phẩm của nhà nước, cho người dân địa phương biết và mua sắm; đồng thời kiểm soát các thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường.

{keywords}
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở An Giang (Ảnh: báo An Giang)

Sở Công Thương An Giang cũng đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường từ nay đến hết năm 2021 với tổng số tiền dự trữ hàng hóa là khoảng 4.000 tỷ đồng để thực hiện công tác bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Toàn tỉnh có 94 điểm bán hàng bình ổn được bố trí rộng khắp cung cấp đủ nguồn hàng thiết yếu đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân như: gạo, đường, muối, nước mắm, mì gói, thịt heo...

Vào tháng 7/2021, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính quyền tỉnh An Giang khẳng định, hàng hóa, kể cả các mặt hàng thiết yếu đảm bảo cung ứng cho người dân.

Sở Công thương kêu gọi người dân cần bình tĩnh, không nên tập trung mua hàng tích trữ gây khan hàng, sốt giá, gây ảnh hưởng việc phòng chống dịch, ảnh hưởng kinh tế chung.

Ngoài ra, Sở Công thương còn có các văn bản đề nghị Sở Y tế, Sở Giao thông - Vận tải hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khi vận chuyển hàng hóa ra vào địa bàn có dịch bệnh Covid-19, để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Để đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng đã triển khai hàng loạt các hoạt động bán hàng trực tuyến, bán hàng mang về nhà; chính sách giao hàng tận nơi và đảm bảo tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Đồng thời đẩy mạnh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm kinh doanh, với nhiều hình thức như: internet banking, E-banking, ATM, thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, Mastercard, Visa card, Momo, QR Code...

Ngày 15/7, An Giang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ở thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc, thị xã Tân Châu và 6 huyện: Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên, An Phú, Phú Tân, Chợ Mới để phòng chống dịch Covid-19.

Sau khi nhận được thông báo này, chiều ngày 14/7, trên địa bàn thành phố Long Xuyên và một số huyện, thị xã, thành phố, người dân đổ xô, vội vã đi mua hàng hóa thực phẩm thiết yếu để dự trữ tại các chợ truyền thống và hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, khiến giá cả ở các chợ truyền thồng tăng cao.

Trước tình hình này, ngày 15/7, Đội Quản lý thị trường số 3, phối hợp với các ngành chức năng đã đi giám sát hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa trên trên địa bàn thành phố Long Xuyên, đồng thời lồng ghép công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về việc không tăng giá bán bất hợp lý đối với nhóm hàng hóa thiết yếu, góp phần bình ổn thị trường.

Sau đó, tình hình thị trường, giá cả đã ổn định trở lại không còn tăng như chiều ngày 14/7. Các hộ kinh doanh cũng cam kết bán hàng đúng giá cho người dân.

Thành Huế