Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2021, có 8.000 người lao động xin nhận trợ cấp thất nghiệp. Để giải quyết nhanh các yêu cầu hỗ trợ của người lao động, Trung tâm đã cải tiến quy trình làm hồ sơ, thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao tính chính xác, kịp thời trong giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm phương châm 3 đúng: Đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn. 

Dù vậy, công tác hỗ trợ giới thiệu việc làm gặp khá nhiều khó khăn. Tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 645.000 người trong độ tuổi lao động. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm đang có xu hướng gia tăng.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh nhận định thị trường lao động của tỉnh hiện chỉ đáp ứng được một phần nhỏ vì các Khu công nghiệp đa phần yêu cầu lao động có tay nghề cao, trong khi hiện nay lao động thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông.

{keywords}
Công nhân mất việc do dịch Covid-19 được Quảng Ninh hỗ trợ

Để giải quyết khó khăn trước mắt, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã duy trì hoạt động của 4 sàn giao dịch việc làm tại thành phố Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí, với tần suất 6 phiên/tháng. Ngoài ra, kết nối online với các tỉnh khu vực phía Bắc đã thu hút 200 doanh nghiệp tham gia. Tại điểm kết nối Quảng Ninh có 132 lao động tham gia, trúng sơ tuyển 60 lao động.

Trung tâm cũng tổ chức ngày hội việc làm và xuất khẩu lao động đã thu hút được 71 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, có 500 lao động tham gia với 255 lao động trúng sơ tuyển...; Tăng cường hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lao động nông thôn, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa. Với cách làm này, trong năm 2021, đã tạo việc làm cho khoảng 14.000 lao động.

Mai Chi