Tại Hội nghị trực tuyến giao ban quản lý nhà nước quý III, năm 2020 diễn ra vào ngày 7/9, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết,  Điểm nổi bật trong Quý III/2020 là lĩnh vực Ứng dụng CNTT, an toàn thông tin đã có những chuyển biến rõ nét. 

Theo đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 trên cả nước đạt trên 48,55% ; Tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ cả nước mức độ 3, mức độ 4 đạt 29,81%.

Có 55 tỉnh, 21 Bộ đã kết nối vào nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia, tăng gần gấp đôi so với đầu năm 2020.

{keywords}
Ảnh minh họa

Hiện có khoảng 83,70% các Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh.

Đã có 12/20 Bộ, 39/63 tỉnh thành (đạt tỷ lệ 61,5%) triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp; 39 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có kết nối về Trung tâm giám sát An toàn không gian mạng Quốc gia tại Bộ TT&TT. 

Dù đạt được những kết quả tích cực trên nhưng gian tới, Cục An toàn thông tin vẫn cần tiếp tục đẩy nhanh để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm nay 100% bộ, ngành, địa phương triển khai đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống theo mô hình 4 lớp.

Trước đó, trong các tháng đầu năm 2020, để đẩy nhanh tiến độ, Bộ TT&TT đã đồng hành cùng các doanh nghiệp phát triển nền tảng cung cấp dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

Hà Nội trong “top 10” địa phương dẫn đầu về ứng dụng công nghệ thông tin

Trước đó Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng công bố báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2019.

Theo đó, năm 2019, ở nhóm 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong 3 năm Cục Tin học hóa thực hiện báo cáo này, vị trí số 1 liên tục được “hoán đổi” giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. 

Năm 2019, với việc đạt tổng điểm 0,9039 điểm, Thừa Thiên Huế dẫn đầu cả nước, tiếp theo đó là Quảng Ninh, Bình Dương, TP.HCM, Khánh Hòa, An Giang, Thanh Hóa, Lâm Đồng và Hà Nội.

Lần lượt tăng 6 và 2 bậc so với xếp hạng năm 2018, An Giang và Hà Nội cùng có tên trong Top 10 địa phương dẫn đầu về mức độ ứng dụng CNTT năm 2019. Cụ thể, An Giang xếp vị trí thứ 7, còn Hà Nội cùng xếp vị trí thứ 9.

Báo cáo cũng cho biết, ở khối 7 cơ quan thuộc Chính phủ, chỉ số mức độ ứng dụng CNTT trung bình tăng so với năm 2018, xếp hạng năm 2019 của khối cơ quan này tiếp tục ghi nhận lần thứ ba liên tiếp Bảo hiểm xã hội Việt Nam đứng đầu. Trong khi đó, tăng 2 bậc so với năm 2018, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xếp ở vị trí thứ 2 trong khối các cơ quan thuộc Chính phủ. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Việt Nam lần lượt xếp các vị trí thứ tiếp theo.

Ở khối các cơ quan trung ương, chỉ số mức độ ứng dụng CNTT đều tăng so với năm 2018, nhất là khối bộ, cơ quan ngang bộ tăng mạnh nhất. 

Nhóm 5 cơ quan dẫn đầu khối bộ không thay đổi. Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí số 1 trong 17 bộ, cơ quan ngang bộ được đánh giá năm 2019. 

Bốn vị trí tiếp theo vẫn lần lượt thuộc về các bộ: Công Thương, TT&TT, Y tế và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Với việc cải thiện đáng kể ở chỉ số hạ tầng CNTT và ứng dụng CNTT trong hoạt động của bộ, Bộ Giao thông Vận tải đã vươn lên có tên trong nhóm 10 bộ, cơ quan ngang bộ có mức độ ứng dụng CNTT cao nhất, tăng 4 bậc so với năm 2018. 

Trong khi đó, dù đạt chỉ số tổng thể tăng nhẹ so với năm ngoái song Bộ GD&ĐT vẫn bị giảm 5 bậc, xếp vị trí thứ 15/17 trong bảng xếp hạng do các cơ quan khác có mức tăng điểm mạnh hơn.

Đây là năm thứ ba liên tiếp Cục Tin học hóa thực hiện báo cáo này trên cơ sở tổng hợp, phân tích từ báo cáo tình hình ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử của các bộ, ngành, địa và kết quả kiểm tra trực tuyến trên trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan.

Hoài Thanh