Tầm nhìn của lãnh đạo các Tập đoàn như Viettel. FPT, CMC, Vingroup... không hề thua kém các Tập đoàn lớn trên toàn cầu. Các anh đều mong muốn rất lớn đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng trên bản đồ công nghệ thế giới. Điều đó tạo động lực lớn, truyền lửa cho các nhân tài trẻ.

Một không khí đầy hứng khởi khi nói về cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra những ngày qua với sự trở về, thăm và làm việc của hơn 100 nhân tài người Việt từ khắp nơi trên thế giới. Song, phần lớn, họ đến từ thung lũng Silicon Valley (Mỹ)- thiên đường của giới tinh hoa công nghệ toàn cầu.

Những kỹ sư, chuyên gia, tiến sĩ trẻ tuổi, xuất sắc người Việt Nam đã đến Silicon Valley như thế nào? Họ sẽ làm gì cho Việt Nam trong tương lai?

Khách mời lần này của chương trình Góc nhìn thẳng là Phùng Kim Cương, kỹ sư phần mềm cấp cao của Tập đoàn Tesla. Đây là Tập đoàn nổi tiếng về xe điện, xe tự lái do tỷ phú Elon Musk đang là CEO.

XEM VIDEO TALK TẠI LINK SAU:

Cuộc viễn chinh lớn đều bắt đầu từ những bước chân nhỏ

Cuộc viễn chinh lớn đều bắt đầu từ những bước chân nhỏ

Tất cả những cuộc viễn chinh đều bắt đầu từ những bước chân nhỏ nhất, như chính cuộc gặp kết nối nhân tài hiến kế CMCN 4.0 này, Phùng Kim Cương, kỹ sư phần mềm cao cấp đang làm việc cho tỷ phú công nghệ Elon Musk, chia sẻ.

Nhà báo Phạm Huyền: Cương có thể giới thiệu một chút về những công việc của Cương đang làm tại tập đoàn Tesla?

Kỹ sư phần mềm Phùng Kim Cương: Mình là kỹ sư công nghệ phần mềm cấp cao tại Tesla. Công việc hằng ngày của mình là phụ trách một hệ thống cơ sở dữ liệu và quản lý hệ thống của tập đoàn bao gồm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu truyền về từ các hệ thống xử lý thông tin trong xe và xử lý thông tin tại các phần mềm khác nhau.

Công việc hàng ngày của mình liên quan đến số liệu và hệ thống. Mình cảm thấy rất vui bởi từ bé mình có mơ ước được làm hệ thống lớn, xử lý nhiều dữ liệu khó và có những sức mạnh tính toán khổng lồ. Đây là môi trường đáng mơ ước của mình.

MỨC LƯƠNG Ở THUNG LŨNG SILICON THƯỜNG TRÊN 6 CHỮ SỐ

Nhà báo Phạm Huyền: Tesla là một tập đoàn lớn nổi tiếng thế giới về xe điện, xe tự lái... với đẳng cấp công nghệ siêu cao. Xin bạn chia sẻ về con đường đưa bạn trở thành nhân sự của Tập đoàn này?

Kỹ sư phần mềm Phùng Kim Cương: Trước hết, mình xin đính chính mình không phải là người Việt Nam duy nhất làm việc tại tập đoàn. Đơn vị  mình công tác chỉ là một bộ phận trong tập đoàn Tesla có hơn 30.000 nhân viên. Mình là người Việt duy nhất trong bộ phận đó. Theo mình được biết cũng có nhiều bạn trẻ tài năng Việt Nam đang được Tesla nhắm đến. Tesla đang mời về làm. Mình hy vọng không phải là người Việt duy nhất làm việc tại đơn vị nữa.

Nhà báo Phạm Huyền: Với những nhân lực có thành tích học tập và nghiên cứu xuất sắc đặc biệt, những Tập đoàn lớn như Tesla sẽ trải thảm đỏ hay bạn phải trải qua một cuộc cạnh tranh khốc liệt?

Kỹ sư phần mềm Phùng Kim Cương: Mình phải chia sẻ thẳng thắn là cạnh tranh rất khốc liệt bởi vì với những vị trí khó, những công việc  yêu cầu đòi hỏi cao thì họ rất cần nhân tài, những người có khả năng.

Đồng thời bên cạnh đó thì có rất người nhiều người giỏi tại Thung lũng Silicon. Vì thế mỗi vị trí của Tesla đều có hàng chục bộ hồ sơ gửi về ứng cử đã được duyệt lọc với bộ phận nhân sự của Tesla. Khi mình có mong muốn làm việc choTesla thì phải trải qua rất nhiều vòng phỏng vấn. Nói chung cũng là một cuộc đấu tranh lăn lộn.

Nhà báo Phạm Huyền: Thung lũng Silicon là một điểm đến lý tưởng của dân công nghệ, bạn có thể bật mí một chút về cuộc sống và làm việc của mình tại thung lũng này?

Kỹ sư phần mềm Phùng Kim Cương: Thung lũng Silicon là một nơi đan hòa của những cảm xúc, có cảm xúc hạnh phúc, sung sướng khi mình giải quyết vấn đề khó, nhưng có những cảm xúc rất trăn trở, đau đáu của mình khi chưa giải quyết được vấn đề.

{keywords}
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT... trò chuyện với các nhà khoa học trẻ (ảnh: Mạnh Hưng)

Bên ngoài công việc, Silicon Valley là một thiên đường với môi trường rất trong sạch, có nhiều thung lũng, đồng cỏ xanh, bạn hoàn toàn có thể hòa mình với thiên nhiên.

Tất cả các tập đoàn tại thung lũng Silicon thường tạo một môi trường làm việc rất là thoải mái. Bản thân mình nếu làm việc căng thẳng, mình có thể dành chút thời gian thư giãn trong bãi cỏ ở tập đoàn hoặc có thể tham gia một vài trận bóng bàn với các đồng đội khác nhau, với những đồng nghiệp đang làm việc. Tất nhiên là sẽ làm mà chơi, chơi mà làm.

Điều kiện làm việc rất tuyệt vời, mình không phải lo lắng gì về bảo hiểm, y tế, sức khỏe, thu nhập ổn định... Mình có thể hoàn toàn tập trung vào làm việc chuyên môn

Nhà báo Phạm Huyền: Bạn vừa nói đến câu chuyện điều kiện, vậy bạn có thể bật mí thu nhập của bạn hay thu nhập của những người Việt đang sống tại Thung lũng Silicon?

Kỹ sư phần mềm Phùng Kim Cương: Con số chính xác mình không biết và không quan tâm lắm nhưng có một điềuchung là, cuộc sống tại Silicon dành cho những kỹ sư công nghệ, những người làm việc trong lĩnh vực trí tuệ chất lượng cao được đảm bảo ở mức đủ để hoàn toàn không phải lo lắng về thu nhập.

Ở đây, mức thu nhập đó là ngưỡng phải chịu thuế rất cao tại bang California. Với mức thu nhập trung bình như các kỹ sư phần mềm, mức thuế sẽ là 35%. Và tổng cộng sau mức thuế đó, họ cũng không phải lo lắng thêm gì, trung bình tương đương 6 chữ số trở lên, chưa kể những ưu đãi khác.

TẦM NHÌN LỚN TẠO NGUỒN NĂNG LƯỢNG KHỔNG LỒ THU HÚT NHÂN TÀI

Nhà báo Phạm Huyền: Gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với những người đúng đầu các tập đoàn lớn như Viettel, FPT, Vingroup..., bạn có niềm tin về tương lai của một Việt sẽ có những tập đoàn dân đầu về công nghệ không chỉ nổi tiếng trong khu vực mà nổi tiếng trên trên thế giới giống như Tesla, Google, Facebook?

Kỹ sư phần mềm Phùng Kim Cương: Trong chuyến thăm này, mình được tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao nhất của các Tập đoàn như Viettel. FPT, CMC, mình có thể khẳng định tầm nhìn lãnh đạo ở đây không hề thua kém toàn cầu. Các anh lãnh đạo đó đều mong muốn rất lớn đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng trên bản đồ công nghệ thế giới. Đó là điều mình rất trân trọng, tự hào.

Khi tầm nhìn lãnh đạo lớn, tạo động lực lớn, tạo cảm hứng lớn, truyền lửa cho các bạn trẻ tiếp bước. Đó là nguồn năng lượng lớn.

Mình có đặt một vấn đề để cùng suy nghĩ là: Để thu hút nhân tài lớn, chúng ta cần những câu hỏi lớn. Để tạo ra tiền đề lớn chúng ta phải tạo ra sự chuẩn bị lớn. 

{keywords}
Kỹ sư phần mềm cấp cao Phùng Kim Cương

Thung lũng Silicon thành công như hôm nay bởi những bài toán Silicon đang giải là những bài toán có tầm vĩ mô, toàn cầu.

Ví dụ tại Google là bài toán sắp xếp lại thông tin của cả thế giới. Tại tập đoàn Tesla là bài toán đẩy nhanh sử dụng công nghệ năng lượng bền vững cho cả thế giới. Đó là những bài toán mà cả loài người chung sức giải đáp. Như vậy, nó mới tạo động lực đủ lớn để nhân tài khắp thế giới quy tụ tại đây.

Mình đặt một câu hỏi như vậy và nhận phản hồi từ các tập đoàn, Chính phủ, mình rất vui. Bởi vì, chúng ta có những vấn đề đủ lớn, những vấn đề mang tầm vóc vĩ mô để thu hút bạn trẻ từ khắp nơi, đó là nguồn động viên tạo năng lượng khổng lồ để bạn trẻ phấn đấu.

Trong cuộc sống chúng ta, chúng ta chỉ có một quỹ thời gian rất ngắn ngủi, một đời người rất ngắn ngủi. Tuổi trẻ là tuổi để cống hiến, là tuổi để nghiên cứu, chúng ta có thời gian đó để dành phấn đấu hết mình, cháy hết mình để nghiên cứu những vấn đề có tầm vĩ mô.

Tất nhiên mong ước lớn những ta vẫn phải bước những bước nhỏ. Tất cả những cuộc viễn chinh đều bắt đầu từ những bước nhỏ nhất. Cảm nhận cá nhân của mình là những bước nhỏ nhất đó, mình có thể chuẩn bị từ khi rất còn nhỏ.

Ví dụ bản thân mình cảm thấy yêu thích toán, công nghệ thông tin. Từ những ngày còn nhỏ mình đã được tiếp xúc với máy tính. Có một mùa hè mình đã dành thời gian chỉ để nghiên cứu công nghệ phần cứng, máy tính ra sao. Mình luôn luôn đặt câu hỏi tại sao thông tin là điều vô hình mà nó lại có thể hiển thị ra được trên màn hình là điều hữu hình.

Khi mình có những câu hỏi, điều tò mò từ rất bé, nó xây dựng dần niềm đam mê. Rất may mắn được sự động viên, hướng dẫn của bố mẹ khi rất bé. Khi nhà rất nghèo, bố đã dành cả tháng lương chỉ để mua máy tính rất đắt tại Việt Nam. Mình rất tri ân bố mẹ vì đã hy sinh rất nhiều. (khóc)

Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng khi nhắc tới bố mẹ luôn là thứ cảm xúc rất thiêng liêng, với tôi cũng vậy. Bố mẹ của bạn lần này có về Việt Nam không?

Kỹ sư phần mềm Phùng Kim Cương: Bố mẹ mình đang ở Việt Nam và trong hơn 15 đi ra khỏi Việt Nam và công tác ởnước ngoài, mình có một tình cảm rất lớn dành cho Việt Nam và quê hương. Điều đơn giản là về thăm bố mẹ, và dùng bữa cơm với gia đình.

Trong chuyến đi lần này, dù rất bận rộn, mình cố gắng dành thêm một chút thời gian nho nhỏ cho gia đình. Đó là niềm hạnh phúc của mình.

Nhà báo Phạm Huyền: Việt Nam bị than phiền là có nhiều rào cản thu hút nhân tài trở về. Thậm chí trong lĩnh vực khởi nghiệp, có rất nhiều công ty phải ra nước ngoài lập nghiệp thay vì trở về Việt Nam thành lập.

Kỹ sư phần mềm Phùng Kim Cương: Quan điểm của mình là con người Việt Nam cực kỳ thông minh, sáng tạo và có nhiều phẩm chất phù hợp với lĩnh vực công nghệ.

Có lẽ rào cản nho nhỏ của chúng ta đơn giản chỉ là ngôn ngữ. Trong công nghệ phần mềm, khoa học máy tính, ngôn ngữ của cả thế giới là tiếng Anh. Nếu bạn không rành ngoại ngữ, sẽ rất khó nâng cao tri thức. Bởi tri thức của cả thế giới là trên internet, các viện khoa học chia sẻ tài liệu hầu hết là ngoại ngữ. Đó là những điều rất nhỏ mình có thể chia sẻ.

Nhà báo Phạm Huyền: Ở tầm vĩ mô, theo bạn Chính phủ và các Bộ ngành phải làm gì để thu hút nhân tài trở về Việt Nam, cống hiến cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0?

Kỹ sư phần mềm Phùng Kim Cương: Trên tầm vĩ mô lớn hơn mình không dám chia sẻ bởi đó là những bài toán dành cho các nhà quản lý chính sách, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Nhưng theo quan điểm, cảm của mình, ví dụ như một hội thảo về đổi mới sáng tạo như lần này sẽ là một trong những động lực giúp chúng ta tạo ra những kết nối các nhà khoa học Việt Nam trong nước và nước ngoài để tạo ra nền tảng chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm.

Đó là những bước đi nhỏ đầu tiên nhưng rất hữu ích. Mạng lưới giống như một network được tạo thành bởi rất nhiều network nhỏ. Mỗi một thực thể nhỏ trong mạng lưới có tốt, kết nối chặt chẽ với nhau thì mạng lưới mới ổn định.

Quan điểm của mình là chúng ta cứ bước những bước nhỏ, kết nối rất tốt với những người xung quanh của chúng ta thôi thì mình nghĩ là chỉ một người có thể kết nối với 10 người xung quanh và 10  người xung quanh có thể kết nối với 100 người, đó là kết nối cấp số nhân khổng lồ.

Và không sớm hay muộn chúng ta sẽ có mạng lưới tri thức của Việt Nam mạnh mẽ, sáng tạo, có đầy đủ những kiến thức, có thể xử lý những vấn đề của Việt Nam.

Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, đó là nền tảng làm nên thành công của cuộc CMCN 4.0. Cảm ơn bạn đã có những chia sẻ với Báo VietNamNet!

VietNamNet

thực hiện: Phạm Huyền

Video: Xuân Quý, Huy Phúc, Đức Yên

email: gocnhinthang@vietnamnet.vn

Xưởng sản xuất ô tô bằng 1.200 robot lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam

Xưởng sản xuất ô tô bằng 1.200 robot lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam

Robot làm ô tô, robot đóng bao và bốc vác... cho đến làm dịch vụ và thậm chí sáng tác... đã có hàng triệu con robot bước ra khỏi nhà máy thay thế con người.

TS bảo mật Nguyễn Duy Lân: "Việt Nam sẽ là quốc gia khởi nghiệp"

TS bảo mật Nguyễn Duy Lân: "Việt Nam sẽ là quốc gia khởi nghiệp"

TS. Nguyễn Duy Lân, từng có 9 năm làm việc tại Microsoft và sở hữu 9 bằng sáng chế về công nghệ bảo mật. Anh kỳ vọng Việt Nam sẽ là quốc gia khởi nghiệp như cách mà người Do Thái đã làm được.

GS Vũ Hà Văn làm Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn của Vingroup

GS Vũ Hà Văn làm Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn của Vingroup

Tại hội thảo Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018, GS. Vũ Hà Văn (ĐH Tổng hợp Yale, Mỹ) đã trình bày phần giới thiệu về Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn của Tập đoàn Vingroup do ông là Giám đốc khoa học.

Thu hút nhân tài: "Cần cả môi trường, chứ không phải 1 người hay 1 công ty"

Thu hút nhân tài: "Cần cả môi trường, chứ không phải 1 người hay 1 công ty"

Trước câu hỏi nhân tài người Việt ở nước ngoài đang băn khoăn điều gì khi nhận được lời mời về Việt Nam, các trí thức đã có những chia sẻ bên lề hội thảo Trí tuệ nhân tạo 2018.