Mời quý vị và các bạn xem video cuộc trao đổi về người Việt vượt biên mưu sinh với nhà văn Nguyễn Văn Thọ:

 

Hiện tượng người Việt vượt biên bất hợp pháp sang châu Âu mưu sinh, là câu chuyện dài. Việc nhiều gia đình ở Hà Tĩnh, Nghệ An báo tin cho giới chức, về việc không liên hệ được với người nhà sau khi có tin 39 người thiệt mạng, trong thùng container ở Anh là minh chứng cho việc vẫn có không ít người lựa chọn con đường mạo hiểm này.

Để làm rõ hơn về câu chuyện trên, Góc nhìn thẳng có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ từng có thời gian dài trong quân ngũ. Ông cũng làm việc
và sinh sống tại Đức gần 20 năm. Ông có sự quan tâm đặc biệt về vấn đề người Việt mưu sinh tại nước ngoài, và từng viết sách về vấn đề này. Tiêu biểu là tiểu thuyết Quyên đã được dựng thành phim và tái bản đến lần thứ bảy

Nhà báo Như Quỳnh:  Thưa ông, với những thông tin mà nắm được, ông có thể khái quát về thực trạng người Việt vượt biên trái phép sang châu Âu mưu sinh?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Trong vòng khoảng 10 năm gần đây, tình trạng vượt biên bất hợp pháp sang châu Âu vẫn còn.Tuy không phổ biến và rầm rộ như trước. Bởi vì, khi cộng đồng chung châu Âu được thành lập, vấn đề nhập cư trái phép được quản lý rất chặt.

Nhưng tâm điểm quyến rũ người Việt Nam, đặc biệt người Việt Nam ở trong nước là nước Anh. Bởi nơi đó vẫn có cơ hội để làm giàu theo cách giàu ‘xổi’, mặc dù đó là cơ hội bất chính. Trồng cỏ ở Anh mang lại siêu lợi nhuận, cho nên người Việt có manh mối để đưa chính người Việt sang những nơi đó làm việc.

Đặc biệt, đối với nước Đức trước kia,  thì người Việt đến Đức rất đông, nhưng bây giờ, con số  những người đến Đức mà vượt biên bằng con đường không chính danh, chui lủi, không nhiều như trước, mặc dù nó vẫn tồn tại.

MC Như Quỳnh:  Ông thấy những rủi ro, cạm bẫy phổ biến nhất mà những người này gặp phải là gì?

{keywords}
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi không bàn về tình trạng chung trên thế giới, tôi nhìn sâu vào đời sống của người Việt.

Khi ở nước Đức, nếu là sang lao động hợp pháp, khi việc hợp tác lao động chấm dứt, đầu tiên, người ta gia hạn thêm hai năm, sau đó, họ được hưởng tiêu chí vô thời hạn. Đời sống của những người di trú hợp pháp như thế được bảo đảm, được đối xử như những công dân Đức. Họ tự tìm kiếm công ăn việc làm, hoặc được một số cơ sở kinh doanh của Đức chấp nhận thuê để làm việc, được đóng bảo hiểm, chăm sóc y tế, được chăm sóc những quyền tối thiểu.

Những người di trú bất hợp pháp thì khác. Họ phải trốn chui lủi và thường chạy vào các trại tị nạn. Khi đã vào theo con đường bất hợp pháp, họ không có quyền tối thiểu là được lao động. Có những người 5 năm, 10 năm cũng không có được quyền đó.

Còn lại những người không vào trong trại tị nạn, sống tự do, thì tất cả các thứ quyền đều bị tước đoạt, bị bắt giữ bất cứ lúc nào.

MC Như Quỳnh:  Tỷ lệ thành công, tạm gọi là trốn sang được, có việc làm, có thu nhập có thể tiết kiệm gửi về gia đình chút ít, theo sự hiểu biết của ông, áng chừng ở mức độ nào?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Theo tôi, vẫn chưa có thống kê cụ thể, bằng trực quan và nhận xét cá nhân, tôi thấy rằng tỷ lệ những người thành công trong lĩnh vực này không cao. Ví dụ, ở  nước Đức chẳng hạn, khi trốn, vượt biên vào đó mà có người nhà ở bên đó, họ có thể giúp đỡ giai đoạn đầu.  

Tôi từng chứng kiến việc, khi chúng tôi đang ngồi ăn, có một người đàn ông bị giam và được thả, người anh ta đói lả, hỏi đường về trung tâm Đồng Xuân. Chúng tôi hỏi tại sao anh lại khổ sở thế, anh ta bảo vừa vượt biên và bị thả ở đây.

Anh ta vượt biên từ Việt Nam sang Nga, từ Nga phải nộp tiền đến Đức. Nhưng đến Đức, anh ta bị giam trên xe buýt 8 ngày. Qua 8 ngày ấy , anh ta chỉ uống nước lã,  ăn mì khô.

Đây chỉ là một cá nhân, còn trong quá trình tổ chức để sống ở Đức, để xây dựng nên tác phẩm nói về số phận đồng bào ta ở Đức, đặc biệt thân phận của những người vượt biên trái phép.  Tôi đã phải phỏng vấn rất nhiều, tham vấn, gặp  gỡ nhiều người vượt biên. Đại bộ phận họ đều có cuộc sống và việc làm không ổn định, luôn luôn thấp thỏm việc bị đuổi về.

Nếu sống chui lủi bằng cách nhập lậu thì phải làm trong các quán hàng và lao động lậu. Bây giờ, vấn đề trên ở nước Đức bị kiểm soát rất chặt.

Một bộ phận khác chạy sang Anh. Họ phải sống chui lủi và gia nhập các tổ chức mafia, đó là tiếp tay cho việc trồng cỏ. Bản thân nước Anh thì nổi tiếng trong cộng đồng người Việt là trồng cỏ nhiều năm nay.  Và họ định nghĩa rằng, họ là những người rơm – nghĩa người rơm ở đây là một thành phần của cộng đồng xã hội châu Âu coi họ không ra gì, như cỏ và rơm rác.

MC Như Quỳnh:  Cái giá phải trả cho việc vượt biên trái phép tất nhiên là cực lớn, không những là tiền bạc phải trả cho những đường dây mà nhiều khi là cả sinh mạng người lao động, ông đã thấy những chuyện gì khiến ông ám ảnh nhất về những cơ cực của người lao động mưu sinh  trên đất khách?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi đã từng viết cả một cuốn tiểu thuyết, nói về khi cộng đồng chung Châu Âu chưa thành lập. Biên giới giữa Đông Âu và nước Đức cũng như đối với Đông Âu, Pháp, Ý và một số nước tiến bộ, thì có biên giới, nên phải chui lủi. Họ phải vượt biên bằng đường rừng, phải đi qua các khu rừng ở Ba Lan, Tiệp, rồi vượt biên từ Nga sang. Đó là cả một hành trình bi ai, khủng khiếp. 

Không phải tất cả những người đàn bà vượt biên đều bị hãm hiếp, hầu như những người đàn bà nào có nhan sắc, thì ngay cả họ đi với chồng cũng bị hãm hiếp. Bởi vì cuộc sống man rợ ở trong rừng, khi không có hàng xóm, không có luật pháp thì con người ta thường thể hiện cái ác đến cùng cực .

Tôi hỏi người chồng rằng, tại sao không chống lại điều đó, nhưng chống lại, anh ta sẽ bị đâm chết ngay trong rừng.

Cả một giai đoạn ấy nó đã chấm đứt khi liên minh châu Âu hình thành. Các cửa biên giới được mở ra, thì việc vượt biên giữa các nước xung quanh không còn nữa, nhưng vẫn còn hệ thống vượt biên từ các nước như Nga – họ di chuyển bằng mô tô, họ di chuyển cũng phải cả một quá trình đau khổ mới đến Đức.

Mục tiêu làm ăn phi pháp cho những người nhập cư trái phép tập trung ở nước Anh, bởi họ còn có vấn đề trồng cỏ. Việc trồng cỏ thuộc về thế giới tội phạm mà cả loài người tiến bộ đang chống lại.

Sự kiện vừa qua về 39 người tử vong trong xe công-ten-nơ, chưa có thông tin chính thức, nhưng hầu như đã có những thông tin tương đối cụ thể, như các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đi tìm con em mất liên lạc. Vậy xác suất rơi vào những người Việt là khá cao. Việc người Việt vượt biên và chết như vậy rất nhiều.

Tôi có hai người bạn ở Hà Nội. Họ vượt biên sang Anh. Họ vẫn hy vọng ở những công việc bất chính như thế để thu lợi. Họ có thể được rất nhiều tiền nhưng gần 12 năm nay, vợ con họ không hay biết tin về họ. Tôi nghĩ các bạn của tôi đã chết. Bởi, trên con đường vượt biên, không chỉ tiềm ẩn việc chui vào xe công-ten-nơ, mà còn là  bao nhiều việc ẩn khuất ở trong rừng.

MC Như Quỳnh: Ông thấy, các thủ đoạn thường được những kẻ đưa người đi bất hợp pháp đem ra câu, nhử những người lao động là gì? Những thủ đoạn này thời gian gần đây có gì khác, hay mới hơn xưa?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Theo tôi biết, đường dây trồng cỏ cũng như làm một số công việc ở Anh, Đức,  đại đa số họ đưa người sang là đều có nhân mối của người nhà. Người ở nhà thấy họ mang về Việt Nam lợi lộc, thấy được ở những người cận kề có hàng trăm ngàn USD, người ta mới dám bỏ ra số tiền tỷ để đi vượt biên.

Vấn đề là kể cả họ hàng thân cận cũng không ai nói trên đường đi sẽ có nguy hiểm như thế này, thế kia. Nếu có, tôi chắc rằng không có người mẹ, người bố nào có lương tri, bỏ ra số tiền lớn để đưa con mình vào chỗ chết.

Ở nước Đức ngày xưa, những người mà tôi gặp ở Việt Nam ra đi - ngay cả những tầng lớp Đức ‘quay’, họ nhập vào đường dây này để chạy sang Đức, thì không kẻ nào, người nào nói rõ khó khăn như thế nào.

Việc sống chui lủi bất hợp pháp đã diễn ra 35 năm nay. Bây giờ có sự kiện chấn động lương tri thế giới, cộng đồng người Việt ,chúng ta mới nghe những câu chuyện sự thực diễn ra.

{keywords}
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ và MC Như Quỳnh.

MC Như Quỳnh: Người ra đi cũng là cực chẳng đã, nhu cầu có việc làm, có thu nhập là nhu cầu thật. Và chắc chắn trong tương lai hiện tượng vượt biên trái phép mưu sinh xứ người vẫn là vấn đề mà chúng ta phải đối mặt. Ông có thể đưa ra ý kiến một cách khách quan nhất về vấn đề này?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Nhu cầu đi tìm vùng đất mới để sống, một mảnh đất mới, cơ hội mới để sống, nhu cầu làm giàu là nhu cầu chính đáng của tất cả con người nói chung.  Và nó càng là nhu cầu của xã hội Việt Nam. Chúng ta ở đây có điện, nước, được chăm sóc, nhưng có những vùng khác, người dân còn khổ, còn đói.

Nhu cầu làm giàu để đến các nước tiên tiến một cách hợp pháp ngày nay có rất nhiều. Ví dụ ở Đức, có nhu cầu đào tạo những người có thể giúp đỡ người tàn tật, người già ốm đau, họ sẵn sàng sang Việt Nam để đào tạo, hướng dẫn. Đó là những cơ hội giúp chúng ta có thể thoát khỏi khó khăn.

Hiện nay, chúng ta xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, thì đó là con đường tốt, nên được khuyên khích.

Chúng ta cứ thử tưởng tượng, nếu chúng ta ủng hộ việc sang Anh để trồng cỏ, để đầu độc một bộ phận thanh niên trên thế giới, trong khi công ước trên thế giới không ủng hộ điều đó thì sẽ thế nào. Chúng ta phải nhìn vấn đề đó để chúng ta không ủng hộ những việc làm, công việc bất hợp pháp.

Vâng, xin được cảm ơn nhà văn Nguyễn Văn Thọ về những thông tin và những phân tích thẳng thắn. Xin kính chào quý vị và hẹn gặp lại ở Góc nhìn thẳng số tiếp theo.

Góc nhìn thẳng (thực hiện)