- Các ông chủ tịch phường, xã hãy nhớ rằng, chiếc loa phường muốn đến được lòng người thì phải đi qua lòng mình trước đã, hoạ sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ trong Góc nhìn thẳng. 

Những ngày cuối năm, Chủ tịch Tp Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã làm nóng dư luận với kế hoạch xem xét bỏ loa phường.

Trước đây, những chiếc loa phường là cách truyền tải thông tin tới nhân dân vô cùng quan trọng, đặc biệt trong thời kỳ đất nước chiến tranh. Nhưng ngày nay, trong thời đại kỹ thuật số với môi trường interet phát triển, loa phường đối với nhiều người dân lại trở thành nỗi phiền hà.

Dù vậy, vấn đề này vẫn đang gây tranh cãi. Nên xoá bỏ hay tiếp tục hệ thống loa phường?

Chuyên mục talk Góc nhìn thẳng kỳ này mời bạn đọc cũng theo dõi ý kiến chia sẻ của hoạ sĩ Lê Thiết Cương, một nghệ sĩ sinh ra và lớn lên tại Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại video sau:


Nhà báo Phạm Huyền: Thưa hoạ sĩ, Tp Hà Nội đang xem xét việc xoá bỏ loa phường. Quan điểm cá nhân của ông về vấn đề này thế nào?

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Để xem xét một cách thấu đáo vấn đề này thì theo tôi, cần rất nhiều ý kiến đóng góp của mọi người. Nhưng với tư cách cá nhân, khi nghe thông tin này, tôi rất mừng.

Có một người bạn của tôi đã bình thế này: Giả sử bây giờ bình chọn một sự kiện về văn hoá không theo năm Dương lịch mà theo năm Âm lịch, thì đây là sự kiện văn hoá hay nhất của Hà Nội trong năm Bính Thân.

Tại sao tôi lại thích bỏ loa phường? Bởi lẽ, từ khi tôi còn bé, sống ở phố cổ, tôi đã phải chịu đựng sự phiền toái mà loa phường gây ra. Đương nhiên không chỉ là tôi, rất nhiều người cũng như vậy.

Vì vậy, khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Tp Hà Nội đưa ra vấn đề xem xét bỏ loa phường, tôi là một người dân, tôi thấy rất vui.

Nhà báo Phạm Huyền: Ông nghĩ sao về sứ mệnh của hệ thống loa phường trước đây và bây giờ?

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Thời chiến tranh, thời hậu chiến, thời bao cấp, loa phường có vai trò của nó, có sự cần thiết của nó. Nhưng bây giờ, cuộc sống đã thay đổi rồi, tại sao chúng ta còn duy trì một loại hình tuyên truyền thông tin cổ hủ như thế, máy móc như thế, áp đặt như thế? Tôi không hiểu.

{keywords}
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ với Góc nhìn thẳng về việc xoá bỏ loa phường

Tôi nghĩ rằng, không phải những người lãnh đạo Tp Hà Nội trước ông Chung không biết điều đó. Nhưng có lẽ, họ không dám là người đầu tiên đưa ra việc dỡ bỏ loa phường, bởi người đầu tiên là người khổ nhất, khó nhất, bị phản ứng nhiều nhất. Không phải họ không biết rằng, loa phường đã hết vai trò lịch sử của nó khi mà cuộc sống đã thay đổi.

Nhà báo Phạm Huyền: Như ông nói, loa phường là hình thức truyền tải thông tin rất cưỡng ép. Nhưng ý kiến của một số nhà quản lý truyền thông của Nhà nước cho rằng, loa phường ngày nay vẫn có ý nghĩa nhất định nào đó, như trường hợp tuyên truyền quy định của pháp luật, đưa ra các cảnh báo về an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, trật tự an ninh. Ông nghĩ sao?

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Trên đời này, không thể có gì có thể thoả mãn 100% tất cả mọi người nhưng mình cần đặt lợi ích của số đông trong xã hội lên trên. Về chiếc loa phường này, số người thấy rằng ảnh hưởng tiêu cực của loa phường là số đông thì phải đi theo số đông.

Như bạn nói, một số người cho rằng, loa phường cũng có giá trị như tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Vậy tôi đố bạn tìm được có một nhà nào, không chỉ ở 4 quận nội thành mà cả các quận, huyện ngoại thành giờ lại không có ti vi? Tôi hỏi bạn điều này?

Chủ tịch Tp Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, loa phường đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Hình thức tuyên truyền thông tin tới người dân có thể được thay thế bằng thiết bị đầu cuối thông minh.

Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội phải hoàn thành việc rà soát, đánh giá hiệu quả của loa phương ngay trong quý I năm 2017.

Tại sao bạn lại nghĩ rằng, mình có quyền độc quyền cung cấp thông tin qua loa phường? Đấy là chưa kể, ở các xã miền núi như vừa rồi, tôi đi Quảng Nam, tôi đã đến những huyện, xã ở dãy núi Trường Sơn, mới có người dân Cơ Tu sinh sông, tôi cũng đến Yên Bái, đến huyện Trạm Tấu..., tất cả đều có tivi.

Vậy tại sao bạn nghĩ rằng, chỉ qua thông tin của loa phường thì đấy mới là những thông tin chuẩn, đầy đủ?

Gần đây, khi tôi đi họp ở Sài Gòn, tôi có ở nhờ nhà một bạn trong khu Phú Mỹ Hưng, tôi không hề thấy có một chiếc loa phường nào ở đây. Tôi tự nghĩ rằng, có lẽ những người dân ở Phú Mỹ Hưng không thể có ý thức về trật tự an toàn xã hội, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, ý thức về chính trị... lại kém hơn những người dân sống ở các khu đô thị có loa phường.

Không thể nào bắt mọi người hưởng thụ thông tin, tiếp cận thông tin giống như thời hậu chiến, thời bao cấp được nữa! Cho nên, tôi muốn nhắc lại rằng, đấy là nguỵ biện.

Nhà báo Phạm Huyền: Dù sao, ông Nguyễn Đức Chung mới đưa ra việc xem xét bỏ loa phường chứ chưa phải đã đưa ra quyết định cuối cùng. Việc quyết định số phận loa phường ra sao còn phải phụ thuộc vào việc đánh giá hiệu quả của loa phường hiện nay do sở Thông tin và truyền thông thực hiện. Vậy tới đây, có thể có khu vực xoá bỏ, có khu vực sẽ không bỏ.

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Tôi đồng ý có thể có một số khu vực vẫn giữ loa phường. Nhưng điều đầu tiên, những người lãnh đạo ở phường đó, xã đó, huyện đó phải nhớ một điều rằng, bạn muốn đến được lòng người thì phải đi qua lòng mình.

Thử hỏi rằng, trước cửa nhà của ông chủ tịch phường, chủ tịch xã ấy, có bao giờ có một cái loa ầm ĩ suốt như thế không? Bởi vì, đến hôm nay, ngoài câu chuyện ô nhiễm về môi trường rác thải, thì âm thanh tiếng ồn quá mức cho phép thì cũng là sự ô nhiễm.

Muốn thông tin đó đến được người ta, muốn người ta tiếp nhận, vui vẻ với thông tin đó thì phải đi từ tấm lòng mình trước đã. Mình không thích nghe những âm thanh ồn đấy thì tại sao lại bắt mọi người phải nghe?

Nếu có thể, ở một số huyện, xã vùng sâu xa, mình nên duy trì loa phường, nhưng phải nhớ rằng, mình nên phát vào giờ nào, như thế nào?

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 52 về quy chế hoạt động thông tin cơ sở, nghĩa là, thông tin cơ sở hết sức quan trọng và cần được duy trì. Vậy ông có sáng kiến như thế nào để cải thiện hoạt động này, tránh tình trạng như chiếc loa phường hiện nay?

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Tôi nghĩ về việc này, ai cũng có thể nói như tôi, không phải là sáng kiến riêng gì của tôi. Nếu như mỗi một phường có một website thì sẽ tốt hơn. Ví dụ như ở Đà Nẵng, có một quận đã thử nghiệm việc này, họ đã có một trang thông tin giống như Facebook để phổ cập thông tin mà chính quyền muốn đưa tới người dân.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông!

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Xuân Quý

email: gocnhinthang@vietnamnet.vn