Vụ án tiêu cực nâng điểm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình ... sắp đến hồi kết. Những thí sinh sau khi chấm lại có điểm thấp hơn mức điểm các trường xét tuyển đã được trả về địa phương, danh tính những phụ huynh có con em được nâng điểm cũng được báo chí bước đầu làm rõ...

Vấn đề người dân quan tâm nhất hiện nay là xử lý thế nào đối với những bậc cha mẹ tham gia vào việc nâng điểm và bản thân các thí sinh có được nâng nhưng vẫn đủ điểm trúng tuyển và trách nhiệm chính trị của những người liên quan?

Góc nhìn thẳng có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội (ĐBQH)  Lê Thanh Vân để giúp bạn đọc có thêm góc nhìn về những vấn đề trên.

Mời quý vị và các bạn theo dõi video cuộc trao đổi về vụ án nâng điểm thi với ĐBQH Lê Thanh Vân:

 

 

Nhà báo Lê Như Quỳnh: Thưa ông, rồi đây kết quả điều tra sẽ được công bố, nhưng dù điều tra thế nào cũng không thể ra từng ngóc ngách của từng trường hợp được, ông đánh giá thế nào về cách xử lý hiện nay, nhất là các trường hợp đang gây tranh cãi như sau khi chấm lại vẫn đủ điểm trúng tuyển và vẫn được các trường cho ở lại học?

Ông Lê Thanh Vân: Có thể nói việc phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 có độ trễ. Bản thân tôi cũng như nhiều cử tri nói với tôi rằng những việc trên tiến hành khá chậm và người ta tỏ ra thất vọng đối với sức mạnh công quyền khi vào cuộc đối với một việc có thể coi là đại tệ nạn thế này.

Thi cử tiêu cực với quy mô có đường dây chạy điểm là vi phạm khủng khiếp. Sự vào cuộc của các cơ quan bảo vệ pháp luật là khá chậm, đặc biệt Bộ GD-ĐT xử lý cũng chậm. Do sự trậm trễ nên hậu quả nó gây ra khôn lường ở chỗ không ngăn chặn kịp thời những thí sinh không đạt tiêu chuẩn vẫn đường hoàng bước vào các trường đại học, đồng thời gạt bỏ đi cơ hội của nhiều thí sinh khác ưu tú hơn. 

Việc dùng quyền lực, tiền bạc để chi phối việc nâng điểm thi và một số trường hơp nâng lên đến mức quá đáng như vậy là vi phạm hết sức khủng khiếp. Xưa kia, nếu vi phạm quy chế trường thi là bị xử tội rất nặng. Vì sao xử nặng? Bởi đó là tội khi quân. Nhà vua cũng là Nhà nước cho thi tuyển hiền tài để tìm người tài đứng ra giúp dân, giúp nước, nếu mà lừa dối vua, chọn ra những người không xứng đáng là mắc tội nặng.

Còn ngày nay, hình như chúng ta có vẻ coi thường việc này, tiêu cực thi cử như thế mà không ngăn chặn được, kể cả thi tuyển công chức. Từ việc không ngăn chặn được tiêu cực trong thi cử, trong giáo dục, dễ dần đến tình trạng những thí sinh này sau khi ra trường lại tìm cách chui vào bộ máy Nhà nước, vào hệ thống chính trị, họ tiếp tục leo thang bằng con đường gian trá như vậy...thì tình hình sẽ như thế nào?  Nếu không loại bỏ thì đó còn có thể là nguồn cho những chức danh lãnh đạo, quản lý có thể chi phối đến chính sách, pháp luật và thi hành pháp luật thì hậu quả là khôn cùng. 

Vì thế phải nhận dạng cho đúng loại tội phạm nguy hiểm này vì nó để lại di họa rất lâu dài. 

Nhà báo Lê Như Quỳnh:  Việc công bố danh tính cha mẹ hiện nay cũng đang gây tranh cãi rất mạnh: nhiều người cho rằng không nên, trong khi đó nhiều người lại cho rằng nếu không công bố là đồng loã với tiêu cực, ông nhìn nhận việc này ra sao?

Ông Lê Thanh Vân: Tội phạm khi đã được xác định thì phải công bố. Rõ ràng phải nhận diện đây là tội phạm, loại tội phạm có tổ chức, có đường dây. 

Tham gia vào đường dây đó có các chủ thể. Trước hết phải nói đến là những người chủ động, tức những cán bộ, công chức trong bộ máy giáo dục đã tiếp tay và tiếp nhận đề nghị của đối tác. Đây là việc dùng quyền lực, tiền bạc để chi phối, biến điểm kém thành điểm tốt, trắng trợn không khác gì biến quạ thành công. Dối trá Nhà nước, dối trá nhân dân như vậy thì sao lại không công khai danh tính.

Thứ đến là những người dùng quyền lực hoặc tiền bạc để chi phối nâng điểm cho con em mình. Nhóm này có quan chức có quyền, có người dân hay doanh nghiệp có tiền. Và nhóm cuối là nhóm được hưởng thụ thành quả từ sự nâng điểm sai trái đó. Tôi nghĩ, trong từng nhóm cũng nên phân hóa ra vai trò của từng người cụ thể. Chẳng hạn, nhóm thứ nhất thì người nào có vai trò chủ mưu, người nào là đồng phạm. Nhóm thứ thứ ba thì cũng có thể có những học sinh không biết việc cha mẹ dùng quyền, dùng tiền làm những việc mờ ám đó. 

Nhóm thứ nhất, tôi đề nghị phải xử lý thật nghiêm vì rõ ràng họ đã lạm quyền, sử dụng quyền lực vào những việc làm đen tối. Nhóm này có tội lợi dụng chức vụ quyền hạn, tối cố ý làm trái và có thể có tội nhận hối lộ nữa. Có thể một người phải chịu nhiều tội danh. 

Nhóm thứ hai là quan chức dùng quyền lực và sự ảnh hưởng của mình để chi phối thì lập tức phải đình chỉ chức vụ để điều tra. Rõ ràng những cá nhân nào liên quan đến đại án này thì cũng phải xử lý thật nghiêm. Những phụ huynh đem tiền đút lót để biến quạ thành công thì cũng phải xử tội đưa hối lộ. 

Còn đối với các em học sinh, tôi chỉ đồng tình việc không nên công bố danh tính của những em  thuộc diên bố mẹ làm nhưng em đó không được biết, những em đó là nạn nhân của tham vọng của cha mẹ. Nhóm này cần phải được bảo vệ và có thể có chế tài như loại bỏ kết quả thi, trả các em lại cơ sở giáo dục để tiếp tục giáo dục, thuyết phục, trở thành người tốt. Còn những thí sinh chủ động hối lộ, mua điểm cho mình thì cũng phải xử lý thích đáng với chế tài phù hợp. 

 

{keywords}
ĐBQH Lê Thanh Vân: "Dính đến cả con em mình mà vẫn trơ tráo thế thì không thể chấp nhận được".

 

Nhà báo Lê Như Quỳnh: Những phụ huynh có đưa tiền để con em được nâng điểm thì chắc chắn sẽ bị xử lý nhưng đến nay nhiều phụ huynh ở Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang... nói họ không can thiệp, tự nhiên con họ được nâng điểm, theo ông nên ứng xử với những trường hợp này thế nào?

Ông Lê Thanh Vân: Như tôi vừa nói, cũng có thể có những bậc cha mẹ không hề biết gì, là do chính bản thân thí sinh chủ động lấy tiền chạy điểm có thể bằng nguồn tiền khác, không phải tiền của cha mẹ. Nhưng dù sao thì việc này cũng có sự tiếp tay của các cán bộ, công chức giáo dục có quyền. Nên cần xử lý nghiêm cả những thí sinh đó lẫn những người tiếp tay, nếu không thì người dân hết sức phẫn nộ. 

Nhà báo Lê Như Quỳnh: Trong vụ việc tiêu cực nâng điểm này, ngoài trách nhiệm của những người trực tiếp tham gia, còn trách nhiệm chính trị, một địa phương mà có tới cả trăm cán bộ các ngành, các cấp có con em được nâng điểm, trong đó có cả con lãnh đạo cao cấp nhất thì trách nhiệm chính trị ra sao, thưa ông?

Ông Lê Thanh Vân: Trách nhiệm chính trị ở đây nên hiểu là trách nhiệm của người đó trước đối tượng bầu ra mình. Ví dụ, ĐBQH phải chịu trách nhiệm trước cử tri, ủy viên Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Đại hội Đảng. Còn trách nhiệm kỷ luật thì tùy vào chức danh và thuộc quyền của cơ quan Đảng, cơ quan quản lý cấp tương ứng. 

Trách nhiệm chính trị phần lớn xuất phát từ sự liêm sỉ của cá nhân.  Họ thấy rằng hành vi của bản thân không xứng đáng với ngôi vị họ đang ngồi thì họ chủ động xin từ chức.  Nhưng tôi thấy có những vị rõ ràng sai phạm đã có, bằng chứng đã có nhưng vẫn trơ tráo, thanh minh thanh nga cho sai phạm, cho danh dự của mình khiến cho dư luận xã hội nhìn nhận ngày càng ác cảm đối với cả cán bộ khác và bộ máy. 

Trách nhiệm phải chịu của người đứng đầu cơ quan Đảng hay chính quyền địa phương đối với những sai phạm thuộc địa phương mình là phải có thái độ phù hợp với phẩm chất đạo đức, phong cách của người lãnh đạo trước tiên. Còn trách nhiệm kỷ luật là phải xem cấp dưới vi phạm như thế thì trách nhiệm của mình đến đâu? Huống chi dính đến cả con em mình mà vẫn trơ tráo thế thì không thể chấp nhận được.

Nhà báo Lê Như Quỳnh:  Theo ông, Bộ GD -ĐT nên ứng xử thế nào đối với những thí sinh lẽ ra họ đã trúng tuyển nếu không có tiêu cực ở Hoà Bình, Sơn La, Hà Giang...?

Ông Lê Thanh Vân: Những học sinh do gian lận thi cử mà đỗ thì phải cho thôi học hết. Bù lại, phải xem xét lại và cho nhập học các em có điểm cao, thậm chí rất cao đã bị trượt do những thí sinh tiêu cực kia chiếm chỗ, trong đó có những thí sinh là con em gia đình nghèo, đã hết sức nỗ lực vượt vũ môn...

Và tôi nghĩ, Bộ GD-ĐT phải xin lỗi những thí sinh là nạn nhân của những trò gian trá này. 

Nhà báo Lê Như Quỳnh: Nhiều ý kiến nói rằng ngoài Hoà Bình, Hà Giang, Sơn La...nên mở rộng điều tra thêm ở các địa phương khác và cả những năm trước, nhằm phát hiện tối đa và xử lý các trường hợp tiêu cực, theo ông có nên làm như vậy?

Ông Lê Thanh Vân: Vụ gian lận trong thi cử này không phải do Bộ GD-ĐT phát hiện ra và cũng không phải do các cơ quan tố tụng phát hiện mà do hai thầy giáo có tâm họ nghi vấn, từ nghi vấn của họ mà vụ việc bị phanh phui. Rõ ràng ung nhọt  đã lan tỏa trong cơ thể giáo dục của cả nước. Vì vậy cần phải mở rộng quy mô thanh tra, điều tra. Thậm chí mở rộng không chỉ đối với năm học vừa rồi mà cả với những năm học trước để làm sạch cơ thể giáo dục nước nhà. Trước hết bằng việc phát hiện và trừng trị ngay những vi phạm, rút ra những bài học thực tiễn, sửa sang quy định, chỉnh đốn đội ngũ...Có như vậy mới lấy lại được lòng tin của nhân dân về hệ thống giáo dục quốc dân. 

Nhà báo Lê Như Quỳnh: Xin được cảm ơn Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân về cuộc trao đổi. Xin cảm ơn quý vị và các bạn đã theo dõi, hẹn gặp lại ở các chương trình sau.

Góc nhìn thẳng (thực hiện)