- Vụ VN Pharma xảy ra là cái mốc để thúc đẩy ngành dược phải khắc phục bất cấp trong cung ứng thuốc, chấm dứt sự hỗn loạn của thị trường thuốc hiện nay. Đấu thầu tập trung quốc gia là một giải pháp. Ông Phạm Lương Sơn, Phó TGĐ BHXH VN chia sẻ với Góc nhìn thẳng.


Trung tâm đấu thầu thuốc quốc gia vừa tổ chức đầu thầu tập trung đầu tiên và dự kiến, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng sẽ theo hình thức này. Mặc dù phải cuối tuần này mới có kết quả chính thức phê duyệt trúng thầu, xong nhiều thông tin hé mở cho thấy giá thuốc giảm cực mạnh, thậm chí có mặt hàng giảm tới 70%. Điều này phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong năm nay, phải giảm 15-17% giá thuốc.

Mô hình đấu thầu tập trung thuốc đang đặt ra kỳ vọng rằng, giá thuốc sẽ hết đắt đỏ và trở nên minh bạch hơn.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng có cuộc trao đổi với ông Phạm Lương Sơn, Phó TGĐ Bảo hiểm xã hội Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại video sau:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, sau vụ việc VN Pharma vừa qua, ông nhìn thấy trong thị trường thuốc hiện nay đang có những lỗ hổng nào?

Ông Phạm Lương Sơn: Có lẽ chúng ta phải khẳng định rằng, không phải vì có vụ VN Pharma thì mới nhìn thấy những việc bất cập của việc cung ứng thuốc. VN Pharma chỉ là một trong những cái mốc để từ đó, người ta thấy rằng những bất cập đó cần phải khắc phục. Rất nhiều bất cập đã được nói ở trên các diễn đàn rồi.

Đó là việc đấu thầu đơn lẻ đã tạo ra một sự chênh lệch giá giữa các tỉnh khác nhau. Ngay trong một địa phương, giữa các bệnh viện khác nhau cũng có giá chênh lệch đối với cùng một loại thuốc, với cùng một dạng hoạt chất và cùng một dạng bào chế.

Nó cũng tạo nên sự hỗn loạn về các mặt hàng thuốc khi có khá nhiều loại thuốc trúng thầu có cùng một hoạt chất. Đây là thời điểm chúng ta thực hiện quản lý theo Thông tư số 10. Điều đó cũng dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, thừa thuốc, thuốc trên thị trường sau trúng thầu cũng chưa đạt chất lượng được theo đúng yêu cầu điều trị cũng như các vấn đề chí phí, hiệu quả không đạt được như kỳ vọng của cả nhà quản lý cũng như của người bệnh.

Vì thế, vấn đề đặt ra là cần có một phương thức mới trong đấu thầu để khắc phục những tình trạng bất cập đó.

Nhà báo Phạm Huyền: Với một hiện trạng đấu thầu thuốc như vậy, mô hình đấu thầu thuốc tập trung quốc gia sẽ mang lại những ưu việt như thế nào?

Ông Phạm Lương Sơn: Đấu thầu thuốc tập trung đã được thực hiện từ khá lâu rồi. Tuy nhiên nó mới thực hiện dưới hình thức tập trung ở cấp tỉnh, thành phố thôi, còn mô hình đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia thì mới được quy định, theo Luật Đấu thầu số 43 mới được Quốc hội thông qua.

{keywords}
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chia sẻ về đấu thầu thuốc

Mô hình này nhằm tạo nên một sự đột phá trong việc cung ứng thuốc cho người bệnh với hai tiêu chí: một là đảm bảo giá thành tốt theo xu hướng giảm giá thuốc đi. Tôi xin nhấn mạnh lại là giá tốt chứ không phải là giá rẻ. Thứ hai, phải đảm bảo cung ứng đủ thuốc với chất lượng theo đúng yêu cầu điều trị.

Cả Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng để tiến hành thí điểm mô hình đấu thầu thuốc tập trung quốc gia.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, vừa qua cũng có một số thông tin cho biết việc đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia đợt đầu tiên đã có mức giá giảm rất mạnh và thậm chí, tổng chi phí mua thuốc giảm ước tính lên tới gần 600 tỷ đồng. 

Điều đó phải chăng chứng tỏ thị trường thuốc hiện nay và trước đây đang tồn tại một mức giá rất cao, rất bất hợp lý. Ông bình luận như thế nào về điều này? Và nếu sự chênh lệch cao đó là bất hợp lý thì chúng ta phải xử lý như thế nào?

Ông Phạm Lương Sơn: Tôi cũng đã được nghe thông tin về kết quả khá lạc quan và tích cực. Đó là một tín hiệu tốt và là tín hiệu đáng mừng để người dân nói chung và người có thẻ bảo hiểm y tế nói riêng có thể thụ hưởng một giá thuốc tốt hơn, với chất lượng thuốc tốt hơn.

Tuy nhiên, cũng phải nói là quá trình đấu thầu vừa qua, không phải tất cả các loại thuốc đều ở mức giá cao. Một trong những bất cập lớn nhất là giá thuốc không thống nhất giữa các vùng miền, giữa các địa phương với nhau và ngay trong cùng một địa phương cũng có giá thuốc khác nhau.

Đấy là một nhược điểm cố hữu của việc chúng ta đấu thầu với quá nhiều hội đồng chấm thầu thuốc. Đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia sẽ khắc phục được tình trạng đó. Nó sẽ đưa ra một mức giá thống nhất với nguyên lý thông thường là đấu thầu với số lượng lớn thì giá phải giảm.

Có lẽ xuất phát từ việc đấu thầu với số lượng lớn và đấu thầu tập trung với giá được thống nhất như thế nên giá theo kế hoạch, kết quả theo kế hoạch so với kết quả lựa chọn nhà thầu mà sắp tới, được Bộ Y tế công bố, dự báo giảm tổng chi phí lên tới gần 600 tỷ đồng.

Nhà báo Phạm Huyền: Tuy vậy, gần đây cũng có một số ý kiến cho rằng cơ chế đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia dường như nặng về yếu tố hạ giá, dẫn tới lo ngại về chất lượng thuốc sẽ có vấn đề. 

Bởi vì sản phẩm thuốc rất đặc thù, cùng một loại hoạt chất nhưng có thể hiệu quả chữa trị bệnh sẽ rất khác nhau. Liệu cơ chế này có phát sinh ra tình trạng doanh nghiệp sẽ đưa thuốc chất lượng thấp để có giá rẻ, dễ trúng thầu hay không?

Ông Phạm Lương Sơn: Về vấn đề này, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm. Bởi theo quy định hiện hành thì thuốc sẽ được phân vào 5 nhóm đối với thuốc tân dược nhóm Generic (thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc- PV).

Năm nhóm đó hoàn toàn có những tiêu chí rất rõ ràng, minh bạch, cố định, để xem thuốc đó có hay không được xếp vào nhóm đó. Thuốc chỉ được đấu giá với nhau trong cùng một nhóm. Cho nên sẽ không có chuyện chất lượng ở nhóm thấp hơn lại lọt trúng thầu ở nhóm thuốc có chất lượng cao hơn hay ở nhóm được xếp hàng đầu.

Mặt khác, quá trình đấu thầu luôn tuân thủ nguyên tắc đấu thầu rộng rãi, đảm bảo sự cạnh tranh và tính minh bạch. Vấn đề ở đây là hội đồng đấu thầu đó có làm đúng quy trình, có theo quy định của luật không, có đảm bảo tính minh bạch không và có vô tư khách quan không?

Tôi tin rằng cả Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tuân thủ rất nghiêm ngặt quy trình đó.

Nhà báo Phạm Huyền: Trở lại câu chuyện thời sự gần đây là vụ việc VN Pharma, rõ ràng cơ chế đấu thầu ở cấp địa phương cũng rất có vấn đề bởi VN Pharma đã trúng thầu liên tiếp, với lý do giá giảm hơn, mà rồi giá rẻ nhưng thuốc kém chất lượng hơn. Vậy ông nghĩ chúng ta phải rút ra bài học kinh nghiệm nào từ câu chuyện VN Pharma cho việc đấu thầu tập trung Quốc gia hiện nay, tránh tiêu cực, quân xanh quân đỏ?

Ông Phạm Lương Sơn: Một bài học kinh nghiệm mà chúng tôi nghĩ đầu tiên là cần hết sức thận trọng. Khi xem xét hồ sơ kỹ thuật thì phải đảm bảo những hồ sơ kỹ thuật đó là thật và đảm bảo chất lượng được chứng minh bằng những giấy tờ văn bản phải là thật.

Tất nhiên, có thể có một khó khăn là các chuyên gia trong tổ thẩm định chưa đủ năng lực. Nếu vậy, cần phải có cơ quan giám định, cơ quan kiểm chứng. Điều đó đã được Hội đồng đấu thầu thuốc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghĩ tới.

Hơn nữa, qua vụ VN Pharma, tôi tin chắc các nhà quản lý hay hội đồng sẽ có những sự thận trọng hơn trong quá trình xét các mặt hàng thuốc trúng thầu, các đơn vị nhà thầu trúng thầu cả về năng lực cấp thuốc lẫn mặt tài chính.

Nhà báo Phạm Huyền: Quỹ Bảo hiểm y tế có khoảng hơn 80.000 tỷ đồng và một nửa trong số đó là dành cho chi phí mua thuốc. Vậy tới đây khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức đấu thầu thuốc tập trung, ông có kỳ vọng như thế nào về kết quả mua sắm thuốc?

Ông Phạm Lương Sơn: Chúng tôi rất mong muốn khi kết quả đấu thầu thành công, được công bố thì sau khi ký hợp đồng khung, các nhà thầu sẽ cam kết và đảm bảo cung ứng đủ thuốc với chất lượng tốt, giảm được tổng chi phí, giảm giá thành của thuốc.

Cũng có khá nhiều sự lo lắng, và tôi nghĩ sự lo lắng đó hoàn toàn có cơ sở. Càng lo lắng thì tránh nhiệm càng lớn và chúng ta sẽ làm cẩn thận hơn để có thể giảm đi những hạn chế, những bất cập mà chúng ta đã thấy được.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông!

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Huy Phúc, Xuân Quý, Bạt Tuấn

email: gocnhinthang@vietnamnet.vn