- Đại tá Nguyễn Sĩ Quang, Trưởng phòng Tham mưu, Công an Tp HCM chia sẻ với Góc nhìn thẳng về cuộc chiến chống nạn cướp giật.

Xem thêm các đối thoại khác tại chuyên mục Góc nhìn thẳng

Công an Thành phố HCM đang ra sức thực hiện cao điểm trấn áp tội phạm, lập lại trật tự an ninh đô thị. Sự quyết tâm đã rõ nhưng hiệu quả đến đâu là câu trả lời không những chỉ riêng của người dân thành phố quan tâm.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng trao đổi với Đại tá Nguyễn Sĩ Quang, Trưởng Phòng Tham mưu Công an Tp HCM về câu chuyện này.

Mời theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Nhà báo Quỳnh Loan: Thưa ông, vừa qua, báo chí đã thông tin nhiều về tình hình tội phạm đường phố trên địa bàn Tp HCM. Đây là mối quan tâm đặc biệt của dư luận. Ông nhìn nhận như thế nào về tình hình an ninh trật tự, đặc biệt là nạn cướp giật trên địa bàn?

Đại tá Nguyễn Sĩ Quang: Thành phố HCM là một trong những đô thị lớn nhất và là trung tâm kinh tế văn hoá xã hội lớn nhất của cả nước. Điều đó cũng có nghĩa, về tình hình tội phạm, Tp HCM là một trong những địa bàn có tỷ lệ cao nhất nước.

Tuy năm 2015, Công an Thành phố cùng hệ thống chính trị thành phố đã kéo giảm tội phạm trên 5% nhưng đánh giá chung của chúng tôi cho thấy, việc kéo giảm này vẫn chưa căn cơ, chưa đi vào chiều sâu, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đặt ra.

Riêng đối với cướp giật, đây là 1 trong 3 loại tội phạm mà Công an Thành phố đã xác định cần đấu tranh quyết liệt nếu muốn kéo giảm. Nếu muốn xây dựng Tp HCM là thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại thì với cướp giật, cần đấu tranh quyết liệt để kiềm chế kéo giảm triệt để và tiến tới vô hiệu hoá hoàn toàn.

Nhà báo Quỳnh Loan: Từ diễn biến tội phạm thời gian qua, ông có thể cho biết điều gì là khó khăn nhất đối với Công an Thành phố trong việc phòng, chống có hiệu quả các loại tội phạm trên địa bàn?

Đại tá Nguyễn Sĩ Quang: Tp HCM là địa bàn mà ta hay gọi nôm na là vùng trũng của tội phạm ẩn náu hoạt động. Các băng nhóm tội phạm ở các địa phương khác tập trung về Tp HCM rất nhiều. Lượng người nhập cư về nhiều, các khu chế xuất, khu công nghiệp đông công nhân nên cũng phát sinh những vấn đề phức tạp, liên quan đến công tác quản lý cư trú, đến các loại tội phạm như cho vay lãi nặng, bảo kê, đâm thuê chém mướn. Phương thức hoạt động của tội phạm ngày càng thay đổi theo hướng tinh vi, phức tạp, tội phạm ngày càng trẻ hoá.

Những điều đó cũng đã đặt ra nhiều thách thức khó khăn cho Công an Thành phố.

Nhà báo Quỳnh Loan: Ông có thể cho biết những biện pháp mới nhất mà lực lượng Công an Thành phố HCM đã, đang và sẽ triển khai nhằm làm giảm tội phạm rõ rệt, đặc biệt là nạn cướp giật?

Đại tá Nguyễn Sĩ Quang: Công an Thành phố đã có những giải pháp trước mắt cấp bách và lâu dài về vấn đề này.

{keywords}
Nạn cướp giật là nỗi ám ảnh thường ngày tại TPHCM

Về giải pháp cấp bách, chúng tôi đã xây dựng, triển khai tuần tra phòng chống tội phạm của lực lượng cảnh sát cơ động, đồng thời, phối hợp với lực lượng hình sự đặc nhiệm.

Đặc biệt, với lực lượng hình sự đặc nhiệm, chúng tôi tập trung chấn chỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng này như tăng số phương tiện, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như tuần trang, hoá trang mật phục để lực lượng hình sự đặc nhiệm hoạt động có hiệu quả hơn.

Lực lượng này kết hợp với cảnh sát cơ động tuần tra công khai, cảnh sát giao thông tuần tra công khai, các lực lượng 113 để trở thành một trận địa liên hoàn, phối hợp với nhau thật tốt trong phòng chống tội phạm trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục thực hiện một số kế hoạch chuyên đề về phòng chống trộm đột nhập, phòng chống tội phạm xâm phạm tài sản nơi công cộng... với quyết tâm triển khai quyết liệt.

Chúng tôi cũng thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả lực lượng công an cơ sở. Giám đốc Công an Thành phố đã trực tiếp làm việc với Trưởng Công an 322 phường, xã, thị trấn, các Trưởng, Phó Công an quận, huyện, phụ trách quản lý hành chính về vấn đề này. Chúng tôi xác định cơ sở là địa bàn chiến lược, là nơi xuất phát và cũng là nơi kết thúc. Nếu cơ sở phát huy được vai trò trách nhiệm của mình thì tôi tin là phòng chống tội phạm sẽ hiệu quả.

Chúng tôi cũng đề xuất Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo các nhà mạng lắp điện thoại, Ipad theo số IMEI để làm sao tội phạm cướp giật, ăn trộm những tài sản này không thể bán được. Điều này cũng là một trong giải pháp kéo giảm tội phạm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có kế hoạch nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc.

Chúng tôi cũng đang đề xuất đề án lắp đặt camera an ninh trật tự theo phương châm phủ sóng toàn bộ ngõ ngách của địa bàn thành phố. Đây là giải pháp rất hiệu qủa về đảm bảo an ninh trật tự và là giải pháp lâu dài.

Chúng tôi có kế hoạch sơ kết, phối hợp tốt hơn với lực lượng quân sự và các đơn vị ở các địa bàn giáp ranh để cùng đồng bộ trong chiến dịch tấn công trấn áp các loại tội phạm.

Nhà báo Quỳnh Loan: Theo chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng, trong 3 tháng, tội phạm trên địa bàn phải giảm rõ rệt. Đến nay đã là tròn một tháng, ông có thể cho biết mục tiêu trên liệu có trở thành hiện thực?

Đại tá Nguyễn Sĩ Quang: Phải kéo giảm rõ rệt tội phạm là mệnh lệnh cũng như là quyết tâm chính trị của Công an Thành phố. Bởi như tôi đã nói, một thành phố có chất lượng sống tốt thì không thể để xảy ra tình trạng tội phạm phức tạp. Cho nên, chúng tôi tập trung các giải pháp như thế, quyết tâm làm và tin là sẽ cố gắng đạt được mục tiêu là kéo giảm được tội phạm.

Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã kéo giảm được 15,2% tội phạm hình sự, trong đó có một số các loại án tội phạm gây bức xúc cho dư luận như cướp, trộm đều đã được kéo giảm. Tuy nhiên, đây mới là bước đầu, cần phải tập trung thực hiện có hiệu quả hơn, đi vào thực chất hơn trong thời gian tới.

VietNamNet