Mời quý vi và các bạn xem video cuộc trao đổi dưới đây: 

Kính thưa quý và các bạn!

Hai vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gần đây nhất là vụ xe container tại Long An đâm vào những người đanh dừng đèn đỏ và vụ tai nạn ở Hải Dương đều có điểm chung là tài xế dương tính với ma túy.
Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia đã chính thức có ý kiến yêu cầu các địa phương kiểm tra ma túy đối với tài xế xe tải và xe khách đường dài. Lực lượng cảnh giát giao thông sẽ có vai trò quyết định trong việc kiểm tra, xử lý này.

Góc nhìn thẳng báo Vietnamnet mời Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) để trao đổi cụ thể hơn về việc kiểm tra và xử lý tình trạng tài xế nghiện ma túy.

Xin cảm ơn Thượng tá Nguyễn Quang Nhật đã tham gia chương trình với chúng tôi.


MC Mỹ Hạnh: Trước tiên xin được hỏi Thượng tá, chắc chắn tài xế mà nghiện ma túy thì nguy cơ ngây tai nạn là đặc biệt cao, vậy thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông cả nước đã kiểm tra, xử lý vấn nạn này thế nào?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Trước tình trạng an toàn giao thông diễn ra khá phức tạp, trong đó có một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà kết quả ban đầu cho thấy người điều khiển phương tiện gây tai nạn dương tính với ma túy, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, Cục Cảnh sát Giao thông vừa ban hành kế hoạch tổng kiểm soát ô tô tải, ô tô kinh doanh vận tải từ 8 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải, hàng hóa nhằm chủ động phòng ngừa từ xa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm về an toàn giao thông, đặc biệt là nguy cơ tai nạn giao thông. Trong kế hoạch này, lực lượng cảnh sát giao thông tập trung kiểm tra, xử lý nồng độ cồn và ma túy đối với người điều khiển phương tiện...Lực lượng cảnh sát giao thông cả nước được phép dừng các loại phương tiện nói trên để tiến hành kiểm tra. Từ ngày 21 tháng 1, cho đến thời điểm này, theo thống kê sơ bộ, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước đã phát hiện 27 trường hợp người điều khiển phương tiện xe tải, xe khách dương tính với ma túy. 

 

{keywords}
Thượng tá Nguyễn Công Nhật trao đổi cùng MC Mỹ Hạnh

 

MC Mỹ Hạnh:  Tại sao hiện nay con số thống kê số tài xế nghiện ma túy vẫn chưa chính thức được công bố và các cơ quan chức năng vẫn tranh cãi nhiều về con số này, thưa Thượng tá?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Theo tôi, vấn đề này cần được tiếp cận từ gốc. Đó là việc quản lý đối với người điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là những người tham gia điều khiển phương tiên kinh doanh vận tải. Có nhiều yếu tố quản lý trong vấn đề này, từ khi người điều khiển phương tiện giao thông bắt đầu ra hành nghề thì cần phải có lý lịch. Bản lý lịch này đánh giá quá trình người điều khiển phương tiện tham gia giao thông từ sức khỏe, tâm thần...đến các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông. Thậm chí, chúng ta có thể tiến hành chấm điểm lái xe.

Trước thực trạng an toàn giao thông như hiện nay, tôi nghĩ, cơ quan quản lý chuyên ngành là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cần thiết phải có đánh giá tổng thể để có con số chính xác về tỷ lệ người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng ma túy như công luận đòi hỏi và cần biết. 

Con số này cũng nhằm để không bị mang tiếng cho những người điều khiển phương tiện giao thông như lâu nay là cứ lái xe tải đường dài là nghiện ma túy. 

MC Mỹ HạnhQua hai vụ tai nạn nghiêm trọng vừa xảy ra tại Long An và Hải Dương, tài xế đều dương tính với ma túy, tuy kết quả điều tra chưa có, nhưng Thượng tá đánh giá sâu hơn nữa về thực trạng  nghiện ma túy của tài xế hiện nay?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Cũng chính vì chúng ta chưa có con số qua đánh giá tổng thể của liên ngành nên đánh giá là chủ quan. Tuy nhiên, qua phân tích các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe tải, xe container và xe khách trong năm 2018 và khoảng thời gian đầu năm 2019 thì thấy trên 70% tai nạn xảy ra là xuất phát từ lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện như đi sai phần đường, dừng đỗ không đúng quy định, lấn làn, tránh vượt không đúng quy định, sử dụng rượu bia rồi tham gia giao thông và có một phần nhỏ những người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn có dương tính với các chất ma túy...

Điều chúng tôi suy nghĩ là, đối với những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng này, những người điều khiển phương tiện thì điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo an toàn, thực sự cần thiết phải quản lý về sức khỏe, về thời gian hoạt động, đặc biệt là sức khỏe tâm thần, trong đó có việc có sử dụng ma túy hay không...Đối với những vụ tai nạn giao thông, ngoài xét nghiệm nồng độ còn, cần thiết phải xem xét có sử dụng các chất kích thích khác mà không cần phải có yêu cầu từ cơ quan điều tra. Có như vậy mới có những đánh giá thực chất nhất.

Còn như hiện nay, chúng tôi qua kiểm tra có phát hiện người điều khiển phương tiện có sử dụng ma túy thì cũng chỉ nắm được số lượng như vậy thôi. Còn không thể đánh giá toàn diện trong đội ngũ những người điều khiển phương tiện, nhất là lái xe kinh doanh vận tải có tỷ lệ bao nhiêu người sử dụng ma túy. 

Hiện nay, điều chúng ta có thể nhìn thấy là có sức ép đối với những doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh vận tải về nhu cầu sử dụng lao động. Theo số liệu của chúng tôi, đến nay, cả nước có trên 355.000 xe tải, trên 110.000 xe container, có thời điểm lương xe tải đăng ký mới lên đến 400% một năm, xe container đăng ký mới tăng tới 500% một năm. Điều này cho thấy, nhu cầu sử dụng lái xe tải, xe container là rất lớn.

Quy định hiện hành yêu cầu cơ sở kinh doanh vận tải phải khám sức khỏe định kỳ cho lái xe nhưng chỉ áp dụng như vậy thôi thì người lái xe có sử dụng ma túy rất dễ đối phó, thậm chí có thể can thiệp để làm sai lệch kết quả khám sức khỏe. Vậy thì không có lý do gì mà chúng ta không tiến hành việc khám đột xuất, bởi như trong thể thao, các vận động viên cũng thường phải kiểm tra doping đột xuất. Những kết quả này cần được cơ quan quản lý cập nhật, từ đó, chúng ta mới có những biện pháp quản lý tốt hơn.

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, việc kiểm soát nồng độ cồn cũng như ma túy, thời gian lái xe là những yêu cầu bắt buộc .

 

MC Mỹ Hạnh:  Theo thượng tá, có nên thực hiện việc kiểm tra ma túy đối với tất cả các trường hợp vi phạm luật giao thông bị xử lý, không chỉ riêng với tài xế lái xe container và xe khách đường dài, nhằm bảo vệ chính họ và cộng đồng khi tham gia giao thông?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Việc xử lý của cảnh sát giao thông trên đường chỉ là khâu cuối của cả một quy trình đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Với phương châm 'tính mạng con người là trên hết" thì chúng ta phải đặt ngược lại rất nhiều vấn đề. Đầu tiên là việc quản lý người điều khiển phương tiện, nhất là trong các cơ sở kinh doanh vận tải...phải từ nguồn, từ đầu...tức là qua cơ sở mà họ tham gia lao động. Sau đó đến cơ quan quản lý chuyên ngành phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ như tôi đã nói là cần có lý lịch đối với người điều khiển phương tiện giao thông để có đánh giá đúng nhất về độ an toàn, sức khỏe, thời gian điều khiển phương tiện...rồi cả việc sử dụng ma túy. Rồi tiến tới chấm điểm người điều khiển phương tiện...Chẳng hạn trong lý lịch có việc người điều khiển đã gây tai nạn rồi, đã sử dụng ma túy rồi, hay vi phạm về nồng độ cồn hay trật tự an toàn giao thông nói chung ...thì ít nhất cũng phải qua đào tạo lại hay sát hạch thì mới có thể cầm lái trở lại. Những cơ sở sử dụng lái xe, chắc chắn họ luôn đón chào những người có điểm cao.

MC Mỹ Hạnh: Thưa thượng tá, nếu làm như vậy, đối chiếu với các quy định hiện hành thì đó có phải là biện pháp phù hợp?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Tôi nghĩ hệ thống pháp lý luôn cần hoàn thiện cho phù hợp, với những yêu cầu như vậy thì hoàn toàn có thể hoàn thiện hệ thống pháp lý được, ít nhất là với kinh doanh vận tải, một ngành kinh doanh có điều kiện. Bởi rất đơn giản, điều đầu tiên là phải an toàn cho mình, cho hành khách, cho người tham gia giao thông. Vì mục tiêu an toàn nên chúng ta phải làm. 

 

{keywords}
Thượng tá Nguyễn Công Nhật: "Cần có chế tài mạnh hơn đối với người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy". 

 

MC Mỹ Hạnh:  Thưa thượng tá, quy định hiện nay cho phép xử lý thế nào đối với tài xế nghiện ma túy? Và theo Thượng tá, có cần thiết phải sửa đổi quy định nào đó nhằm xử lý nặng hơn, mạnh tay hơn đối với các trường hợp tài xế nghiện ma túy?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Theo Nghị định 46, người lái xe sử dụng ma túy bị tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng và bị giữ phương tiện 1 tuần. Và chúng tôi cũng đồng ý rằng, đối với những người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng ma túy và những chất kích thích khác, chúng ta cần tăng thêm chế tài để làm sao họ phải thấy sợ, không dám thực hiện hành vi này. 

MC Mỹ Hạnh: Câu hỏi cuối cùng, xin Thượng tá cho biết, thời gian tới, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán này khi nhu cầu đi lại tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ làm gì để xử lý thực trạng tài xế nghiện ma túy cũng như đảm bảo trật tự an toàn giao thông?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Tiêp tục thực hiện kế hoạch cao điểm bảo vệ trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán 2019 và để đảm bảo cho người dân đi lại, đón Tết an toàn, Cục Cảnh sát giao thông tiếp tục chỉ đạo thực hiện kế hoạch cao điểm tông kiểm soát đối với phương tiện xe tải, xe khách trên 8 chỗ ngồi hoạt động kinh doanh vận tải. Lực lượng cảnh sát giao thông cả nước tiếp tục tập trung vào việc kiểm tra, xử lý kiểm soát nồng độ cồn, ma túy và nhữn hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Đợt kiểm soát thứ hai sẽ bắt đầu từ ngày 11 tháng 2 đến ngày 20 tháng 2. 

Chúng tôi cũng nghĩ rằng, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng thì mỗi người tham gia giao thông cũng cần có ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.  

MC Mỹ Hạnh: Xin cảm ơn Thượng tá Nguyễn Quang Nhật về cuộc trao đổi thắng thắn. Xin kính chào quý vị và hẹn gặp lại.

 Góc nhìn thẳng (thực hiện)