Người ta nói, tuổi mười sáu, mười bảy là tuổi bất trị, với các biệt danh„tuổi cốm“, „tuổi choai choai“, „tuổi teen“. Đọc những dòng nhật ký trong sách học lớp 10 ở Đức, tôi thấy cần suy ngẫm và muốn truyền lại để bạn đọc có thể chia sẻ, biết đâu có thể tạo thành diễn đàn bổ ích.

{keywords}

Tuổi trẻ luôn năng động học hỏi (ảnh: Hoàng Xuân Chiến-Hamburg)

Bố tôi là một người nghiện rượu

Trước kia bố tôi là một người nghiện rượu nặng, nhưng ông đã bỏ được tám năm nay rồi. Đó là một điều rất may mắn cho gia đình tôi. Giả sử ông cứ tiếp tục uống thì có lẽ bây giờ tôi cũng chẳng thèm nhìn mặt ông nữa. Tôi cho rằng, chính rượu là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự tan vỡ của gia đình tôi 13 năm về trước. Hồi đó cứ mỗi khi ông uống rượu là ông lại đánh mắng mẹ tôi thậm tệ. Bây giờ tất cả đã đi vào dĩ vãng. Trước đây bốn năm, mẹ tôi đã làm đám cưới với một người đàn ông khác. Tôi cũng coi người này như cha đẻ của mình. Dù học hành bận bịu, tôi vẫn thường xuyên đến thăm bố tôi. Một lần ông khóc và đề nghị tôi giúp ông. Ông nói: „Anja, bố rất yêu con và lúc nào cũng sợ mất con khi bố định cầm chai rượu. Con hãy giúp để bố không bao giờ đụng đến cái của nợ ấy nữa nhé!“

Anja 16 tuổi, học lớp 10

Rượu đã phá hoại gia đình tôi như thế nào?

Khi tôi còn bé, ngày nào bố tôi cũng uống rượu. Ông uống nhiều, nhiều hơn sức chịu đựng của một người bình thường. Tháng bảy năm ngoái, đáng lẽ phải đưa ông đi bệnh viện với hy vọng bệnh viện cứu ông, nhưng ông kiên quyết không đi cứ ở nhà. Ngày trôi qua rồi ngày lại đến, bố tôi dần dần không đi lại được, ông cũng không nói được, không viết được nữa. Tôi chưa bao giờ thấy ông tỉnh. Hồi ấy tôi có lúc lại mong như thế, bởi vì trong tình trạng say ông rất hiền, khi tỉnh ông rất dữ dằn. Điều đó làm tôi rất sợ.

Ít lâu sau một nhân viên của Sở y tế đến bắt bố tôi phải vào nhập viện, nhưng rất tiếc đã quá muộn rồi! Hai tuần liền ông phải nằm trong phòng cấp cứu đặc biệt, không ai được vào thăm trừ mẹ tôi. Ông chỉ sống thoi thóp nhờ tiếp đạm. Ít lâu sau ông mất. Bệnh viện cho biết, gan và thận của ông hoàn toàn hỏng. Từ đó cuộc sống gia đình tôi chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Sabine, 16 tuổi, lớp 10

Điếu thuốc đầu tiên

Tôi vẫn thường đến chỗ bạn gái Katja chơi. Hồi đó chị ấy 15, hơn tôi ba tuổi. Chúng tôi thường nói chuyện với nhau về đủ mọi đề tài. Một lần đang kể chuyện, chị ấy châm điếu thuốc và hỏi tôi có muốn hút thử không. Tôi chần chừ và cuối cùng cũng rút một điếu. Tôi châm lửa và hút. Tôi ho khủng khiếp, nhưng đến điếu thứ hai thì đỡ hơn. Nó vẫn như ai cào cổ họng, nhưng nói chung là được.

Bây giờ tôi đã 15 và hút thuốc hàng ngày. Ngày nào tôi cũng hút chín mười điếu, có ngày tới 13 hay 14 điếu. Tôi không thể nào bỏ được. Khi vừa thức dậy, tôi phải làm một điếu cái đã…

Simone 15 tuổi, lớp 10

Tại sao con không được tự do?

… Con không bao giờ nghi ngờ điều bố mẹ luôn lo cho con, luôn nghĩ đến con. Nhưng khi nhìn lại, con thấy nhiều lúc bố mẹ buộc tội con thật vô lý. Ví dụ tại sao bố mẹ cứ can thiệp vào việc ăn mặc và đầu tóc của con. Con nghĩ rằng, chắc bố mẹ cũng dễ tính thôi, nhưng lại quan tâm nhiều đến những lời xì xào của hàng xóm, của những người xung quanh khó chịu với con. Bố mẹ vẫn coi con là một đứa trẻ nít, dù con đã 15. Đã bằng ấy tuổi đầu, bố mẹ phải tin con biết quyết định những việc đơn giản chứ. Chẳng hạn con biết khi nào con cần mang áo khoác, khi nào không. Vấn đề chính là bố mẹ hay lo sợ quá đáng, dẫn đến những cấm đoán không cần thiết. Sẽ là một sai lầm nếu bố mẹ chỉ cho phép con đi chơi với bạn bè đến 22 giờ, khi tất cả chúng con đã trên tuổi 15. Mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều, nếu bố mẹ cho con quyền tự quyết nhiều hơn.

Việc con nhập hội bảo vệ môi trường cũng làm bố mẹ khó chịu. Chắc chắn bố mẹ không phải là những người không yêu thiên nhiên. Nhưng có lẽ những gì bọn trẻ phản đối không hợp với bố mẹ. Sinh hoạt trong nhóm này, con hiểu biết thêm nhiều điều, trước hết là tính tự lập và khả năng phê, tự phê. Những điểm này làm sao con có được, nếu cứ ở mãi với gia đình!

Hương 15 tuổi, lớp 10

(Theo Nguyễn Thế Tuyền/ Thoibao.de)