Hai tên tuổi lớn lớn trong giới khoa học tại Pháp và quốc tế đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện tự chủ của đại học Việt Nam.

Đại học 'biết' nghiên cứu mới canh tân xã hội

GS Stéphane Ngo Mai: Phải xác định những mô hình thống nhất mang "kích cỡ" vùng hay quốc tế.

{keywords}

GS Ngô Mai

Theo thông tin được đưa ra tại bàn tròn của Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp thì “Tại Pháp, năm 2007 dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy, đạo luật về tự chủ đại học (Luật LRU- Libertés et responsabilités des universités, hay luật Pécresse) được thông qua, và được chính phủ Sarkozy coi là một trong những thành công của thời đó”. Sau 8 năm, đạo luật này đã đem lại cho các trường đại học Pháp điều gì? Thời điểm đạo luật được thông qua đã muộn chưa nếu so sánh với sự phát triển của đại học Anh, Mỹ?

- Đạo luật này giúp cho các trường ĐH Pháp thiết lập một cơ chế quản trị rõ ràng, từ đó giúp các trường có một chiến lược toàn diện và thống nhất. Cải cách này là điều tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế tri thức, xã hội chúng ta đang sống phải đối mặt với những biến đổi trước sự phát triển trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và nền kỹ nghệ số hóa.

Nước Pháp cũng có phần nào chậm chạp trong tiến trình này. Các ĐH Pháp trước đây không có phương thức hay cơ chế phù hợp trong lĩnh vực nguồn nhân lực và tài chính để có thể cạnh tranh ra thế giới. Bộ luật mới được bổ sung năm 2013 lập ra 25 trung tâm ĐH lớn tại Pháp với 2 mục đích lớn, một là để cho các trung tâm này được ghi tên trên bản đồ GDĐH thế giới, thứ hai là tạo ra cách điều phối chiến lược giữa các trung tâm với nhau, từ đó tạo ra tính năng động.

Việc triển khai những cải cách này vẫn chưa kết thúc và còn cần những điều chỉnh nhưng tổng thể các biện pháp là hết sức cần thiết để các ĐH đóng góp sức mình vào sự năng động kinh tế.

Xu hướng về tự chủ đại học trên thế giới hiện nay đang phát triển ra sao, đang đối mặt với những thách thức gì?

- Chúng ta phải xác định được những mô hình thống nhất mang "kích cỡ" vùng hay quốc tế và có một thiết chế quản lý và một chiến lược phát triển. Điều này lý giải vai trò rất quan trọng của các ĐH góp phần kích thích sự năng động nền kinh tế của một lãnh thổ hay một quốc gia.

Ông đánh giá về triển vọng tự chủ đại học ở Việt Nam ra sao?

- Theo tôi, những thử nghiệm mà VN đang tiến hành hiện nay trên phương diện tự chủ ĐH là cần thiết và nên mở rộng sau khi có được một bản tổng kết đánh giá đầu tiên.

Trên phương diện lịch sử, văn hóa VN đề cao học vấn, đây là một thế mạnh quan trọng. Nên đề cao thế mạnh này bằng cách đem lại cho các ĐH những năng lực mang tính chiến lược để tự định vị mình, thậm chí tự gây dựng lại mình trong môi trường GDDH quốc gia, vùng và quốc tế.

GS Diệp Thế Hùng: Việt Nam chưa sẵn sàng tiến hành đồng bộ tự chủ hóa các trường công.

{keywords}

Sinh tại Tuy Hòa, GS Diệp Thế Hùng từng học tập tại ĐH Sài Gòn, Kobé (Nhật Bản) và ĐH Paris VII (Pháp). Ông là giáo sư ngoại hạng ngành vật lý lý thuyết, hiện là Phó chủ tịch chịu trách nhiệm quan hệ quốc tế

của ĐH Cergy-Pontoise.

Khi tìm người để tìm hiểu vấn đề "tự chủ đại học ở Việt Nam", chúng tôi nhận được một số câu trả lời "Tự chủ đại học ai quan tâm làm gì, bây giờ cái cần tìm hiểu là TPP - Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương". Ông nghĩ sao về tình huống này?

- Trong một quốc gia, ở bất kỳ nấc thang nào (từ cá nhân, gia đình hay tổ chức…), chúng ta luôn có nhiều vấn đề phải cùng giải quyết một lúc và chúng ta không thể chờ giải quyết xong cái này rồi mới đến cái kia.

Tuy nhiên, có hai trường hợp trái ngược nhau, đó là những vấn đề nguy cấp và những vấn đề dài hạn. Những vấn đề dài hạn thường mang tính chuyển biến xã hội, đem lại tầm nhìn tương lai cho một xã hội, vì vậy nó đòi hỏi rất nhiều thay đổi ở các cấp bậc. Chúng ta có thể đưa ra ví dụ vấn đề môi trường (biến đổi khí hậu) và năng lượng. Những vấn đề nguy cấp cần giải pháp tức thời mà nhiều khi không đáp ứng được những tiêu chí về chất lượng, môi trường, về tầm nhìn dài hạn. Nhưng chúng ta phải cứu người đang chết đuối trước khi dạy cho anh ta biết bơi.

Cầm quyền một quốc gia không chỉ là giải quyết những vấn đề nguy cấp mà còn phải dự báo và chuẩn bị những vấn đề cho và trong tương lai.

Theo ông, tự chủ đại học ở Việt Nam có thể thực hiện được không, khi chưa có sự thay đổi thể chế?

- Tôi là một trong số những người tham gia tích cực vào việc tiến hành cơ chế tự chủ ngay ở chính trường ĐH của tôi. Vì hiểu được những điều kiện cần thiết để làm cho một ĐH tự chủ thành công, tôi nghĩ rằng Việt Nam chưa sẵn sàng tiến hành đồng bộ tự chủ hóa các trường công.

Điều kiện đâu tiên đó là phải có đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, đa năng, có khả năng thích ứng với những đòi hỏi của sự tự chủ. Để tiến hành được, đội ngũ giảng viên, ngoài chuyên môn của mình, phải có khả năng quản lý, có tầm nhìn chiến lược ngắn và dài hạn cho chính ngôi trường của mình, phải thông thạo một loạt các vấn đề như tự đánh giá, quản lý nhân lực, tài chính… Những năng lực này không đến một cách tự nhiên. Chúng ta phải đảm bảo được là trong trường có đủ những đồng nghiệp có năng lực đảm nhận được việc này. Sự tự chủ cũng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, thích ứng trước những kỹ năng mới.

Điều kiện thứ hai là phải có khả năng tìm kiếm tài chính. Mục tiêu phát triển phụ thuộc vào khả năng này. Vì không nắm rõ thự tế Việt Nam, tôi không thể đưa ra đánh giá nhưng riêng ở Pháp, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn ở phương diện này.

Từ tháng 3 đến tháng 5 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã quyết định phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động một số trường đại học công lập, chủ yếu ở nhóm ngành kinh tế - ngoại ngữ, trong đó cho phép các trường này được tăng học phí - một khía cạnh của tự chủ tài chính. Theo ông, đây có phải là sự lựa chọn đúng đắn để thúc đẩy sự tự chủ của các trường đại học nói trên?

- Như tôi đã nói ở trên, tự chủ tài chính là một điều kiện cần thiết cho tự chủ ĐH. Những biện pháp mà chính phủ VN đưa ra đi theo đúng hướng. Ban đầu, phải thử các ý tưởng và các biện pháp ở một vài trường ĐH trước khi tiến hành trên diện rộng.

Tăng học phí là một trong những biện pháp dễ tiến hành. Nhưng đương nhiên phải nghĩ đến việc cấp học bổng hay miễn học phí cho những sinh viên xuất sắc không có điều kiện tài chính.

Ông đánh giá về triển vọng tự chủ đại học ở Việt Nam ra sao?

- Tôi nghĩ rằng phải tiến hành ngay không chậm trễ - mà thực ra là đã chậm rồi. Việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian, nhưng vừa tiến hành chúng ta vừa giao vào tay các thành viên của trường ĐH số mệnh của chính họ và trường của họ.

Để đảm bảo được thành công đó, phải lập ra những cơ quan ở cấp thấp có khả năng tự quyết, kiểm soát được các biện pháp đã thi hành và đánh giá được kết quả. Tôi lạc quan trước việc tiến hành tự chủ ĐH tại Việt Nam.

Một vài thông tin nhân vật: 

GS Ngô Mai:

- Phó chủ tịch ĐH Nice Sophia Antipolis phụ trách Chiến lược và phát triển  

- Chủ tịch Quỹ UNICE - ĐH Nice Sophia Antipolis

- Phụ trách chương trình thạc sỹ ‘e-business’.

GS Diệp Thế Hùng

Sinh tại Tuy Hòa, GS Diệp Thế Hùng từng học tập tại ĐH Sài Gòn, Kobé (Nhật Bản) và ĐH Paris VII (Pháp). Ông là giáo sư ngoại hạng ngành vật lý lý thuyết, hiện là Phó chủ tịch chịu trách nhiệm quan hệ quốc tế của ĐH Cergy-Pontoise.

Xin cảm ơn các ông.

  • Thực hiện: Chi Mai - Thụy Phương (điều phối viên Hội AVSE)