Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020 theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 21/11/2009 (gọi tắt là Đề án 1956).

Sau 10 năm triển khai thực hiện, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Không ít người đã vượt khó, thoát nghèo, cải thiện thu nhập, đời sống. Một trong số đó là bà Thân Thị Hường (SN 1967 - Đồng Lạc, Yên Thế, Bắc Giang).

Thoát nghèo nhờ học nghề

Trước đây, bà Hường và gia đình gắn liền với công việc đồng áng và chăn nuôi, cuộc sống khá vất vả. 

Năm 2017, địa phương phổ biến về chương trình học nghề ngắn hạn theo Đề án 1956 tại Trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế (Phồn Xương, Yên Thế, Bắc Giang).

{keywords}
Cuộc sống của gia đình bà Hường thay đổi khi công việc chăn nuôi thuận lợi. 

Bà Hường bàn với gia đình đăng ký tham gia. Người thân trong nhà cho rằng bà đi học cho biết, không ai nghĩ học về sẽ áp dụng được. Các con bà khuyên mẹ không nên học, vì bà đã có tuổi, sợ khó tiếp thu được kiến thức.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, bà vẫn quyết định tham gia. Thời gian đào tạo tập trung 2 tháng, bà được giảng dạy kiến thức về chăn nuôi, thú y.

Kết thúc lớp học, bà Hường được nhà trường và các thầy cô kết nối với các đơn vị cung ứng con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật để mở trang trại quy mô nhỏ.

“Nhà tôi trước đây vẫn chăn nuôi gà nhưng không ngờ khi học hóa ra có nhiều kiến thức bổ ích mình chưa biết đến thế”, bà Hường kể.

Sau 3 năm áp dụng kiến thức được học vào trang trại của gia đình, đàn gà nhà bà Hường tăng trưởng nhanh. Trung bình mỗi con xuất chuồng khoảng 2,2 - 3,5 kg. Một năm gia đình bà xuất 4 lứa gà, ba tháng một lứa, mỗi lứa khoảng 1.000 con.

“Trước đây chưa học, tôi chỉ dám nuôi 300 - 500 con/ lứa nhưng giờ mỗi lứa của tôi là 1.000 con. Lứa này xuất xong, tôi nuôi tiếp đàn khác, gối nhau quanh năm”, bà Hường chia sẻ.

{keywords}
Qua khóa học, bà Hường áp dụng được nhiều kỹ thuật - khoa học vào chăn nuôi. 

Cũng theo bà Hường, mô hình trang trại gà đã đem lại cho bà thu nhập cả trăm triệu đồng/năm. Từ ngày áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi đàn gà nhà bà ít bệnh tật, đặc biệt là không phải dùng thuốc thú y nhiều, đảm bảo nguồn hàng vệ sinh, an toàn cho sức khỏe con người.

Do đầu vào ổn định, đầu ra không bị hao hụt nhiều nên bà Hường có lãi hơn. Bà tiết lộ: “Ngày trước tỉ lệ hao hụt lớn. Nay tỉ lệ hao hụt chỉ chiếm 5% trong tổng số 1.000 con. Thu nhập của tôi trước 20 triệu/năm, giờ khoảng 100 triệu/năm”.

Do đó, đối với bà, chương trình đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn rất thiết thực và có ý nghĩa. Đặc biệt là với bà con nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

{keywords}
Ngôi nhà mới xây của gia đình bà Hường

Đời sống gia đình bà Hường thay đổi rõ rệt. Bà có điều kiện xây lại căn nhà lụp xụp với kinh phí hàng trăm triệu đồng, sắm thêm nội thất và các đồ điện tử như ti vi, điều hòa và cả xe máy mới.

“Nếu ai có ý định đi học, tôi khuyên nên đăng ký. Ngành nghề nào cũng vậy, có khoa học kỹ thuật vẫn hơn. Nhiều người học cùng tôi hiện còn đầu tư quy mô trang trại to hơn. Họ chăn thả gia cầm trên 3 ngọn đồi rộng, cuộc sống khá giả, mua được ô tô. Nếu có khóa học khác tôi cũng muốn được đăng ký để mở rộng sản xuất”, bà Hường bộc bạch.

Ông Trần Xuân Thao (Đồng Tâm, Yên Thế, Bắc Giang) cũng là học viên của khóa chăn nuôi, thú y chia sẻ: “Sau khi tham gia khóa học, mỗi lứa gia đình tôi nuôi hàng nghìn con gà khỏe mạnh, chi phí thuốc giảm, thu nhập ổn định”.

Vẫn khó thu hút người lao động 

Ông Đào Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp miền núi Yên Thế chia sẻ, các học viên lớp chăn nuôi thú y ngắn hạn như bà Hường đều có những khởi sắc trong công việc chăn nuôi.

Đối với những lao động có ý định khởi nghiệp, nhà trường và các thầy cô sẽ kết nối lao động với các đơn vị có liên quan để cung ứng vốn, con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm. “Các khóa học này hoàn toàn miễn phí”, ông Thắng thông tin.

{keywords}
Giáo viên của trường xuống tư vấn và hướng dẫn cho bà Hường một số kỹ thuật chăn nuôi mới. 

Bên cạnh khóa học về chăn nuôi gà đồi an toàn, Trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế cũng mở các lớp hàn, may mặc, lớp chuyển giao kỹ thuật cho lao động nông thôn như: Kỹ thuật sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP; sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật...

Các lớp học đều phù hợp với tình hình, lợi thế địa phương và nhu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Sau khi kết thúc khóa học theo Đề án 1956, 85% học viên có việc làm, số còn lại là thành lập cơ sở sản xuất, chăn nuôi tại nhà.

Nhà trường cũng tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn huyện nhằm hỗ trợ đầu ra cho người lao động sau đào tạo.

Phía UBND huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, cơ sở kinh doanh, HTX duy trì và mở rộng hoạt động, đa dạng ngành nghề, từ đó tạo việc làm cho người lao động.

Những doanh nghiệp này đều phải cam kết sẽ giải quyết việc làm cho người lao động trong một thời gian nhất định sau khi hoàn thành việc đào tạo.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Hồng - Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế.

Hiệu quả là vậy nhưng bà Nguyễn Thị Hồng, hiệu trưởng nhà trường cho biết, mặc dù được miễn phí nhưng hai năm trở lại đây, các lớp học nghề ngắn hạn vẫn khó thu hút được người lao động. 

Bà Hồng lý giải, nguyên nhân là do nhu cầu của người lao động, nhất là đối tượng thanh niên giảm. Phần lớn các em tốt nghiệp THCS đăng ký vào học chương trình 9+. Trong khi đó, người lao động trong độ tuổi 20 - 40 tuổi bỏ ruộng để đi làm công nhân tăng, chỉ một số ít người lao động trong độ tuổi 45 - 60 tuổi ở nhà trồng trọt. 

Quang Sơn