- Câu chuyện “mẹ làm, con chịu” - mẹ “góp ý về cái cà vạt” cho nhà trường – con bị đuổi học, đang làm nóng các diễn đàn mạng.


{keywords}

Đặt sang bên cạnh hậu quả của sự việc là cháu bé không được trường gọi nhập học, nhiều phụ huynh đưa ra quan điểm của mình về cách ứng xử giữa nhà trường và các bậc cha mẹ trong thời mà Facebook làm mưa làm gió.

Mẹ Mỹ cũng “phải vạ”

Tờ Huffington Post cuối tháng 8/2014 đưa tin một người mẹ ở tiểu bang Ohio (Hoa Kỳ) đã vô cùng phẫn nộ sau khi cậu con trai 4 tuổi của cô bị đuổi khỏi trường mầm non Christian, nơi cậu bé đang theo học chỉ vì một bài viết của cô trên trang mạng xã hội Facebook.

Asley Habat cho biết cô rất buồn vì nhà trường đã không cho cha mẹ các bé có thời gian để chuẩn bị cho ngày chụp ảnh tập thể. Vì thế, cô đã ‘trút’ hết nổi buồn bực lên Facebook. Cô chỉ đơn giản nghĩ rằng viết lên trên đó để bày tỏ nỗi lòng của mình và không nghĩ trường của Will sẽ đọc nó.

Cô viết trên Facebook rằng: “Tại sao mỗi ngày đều xuất hiện thêm những điều mới khiến tôi không thích về trường của Will? Là tiêu chuẩn của tôi thực sự quá cao hay là những người làm trong lĩnh vực giáo dục chỉ toàn người ngu dốt”, và sau đó ‘tag’ gắn thẻ Facebook của nhà trường trong bài viết.

Chị Thu Hương, một phụ huynh có con đang học lớp 3 tại Hà Nội, bày tỏ quan điểm: “Bây giờ ai mà chẳng có trang cá nhân. Nhưng tôi vẫn cho rằng nếu phụ huynh muốn góp ý thì cứ đến trường ấy. Chúng ta là mẹ trẻ con rồi mà vẫn còn thích làm anh hùng bàn phím, bạ cái gì cũng lôi lên facebook thì không ổn.

Nhiều người cứ nghĩ là nói ra luôn mà không tính tới những sự tình xung quanh, những hậu quả đằng sau, không biết tính toán thì chỉ có con mình là chịu thiệt”.

Chị Hà Phương (Đống Đa, Hà Nội) cho biết chị add Facebook của giáo viên chủ nhiệm của con. “Tôi thấy những giáo viên mà chịu khó giao lưu trên mạng với phụ huynh thường rất dễ chịu, biết lắng nghe.

Chính vì vậy mà khi có gì không vừa lòng, muốn trao đổi thêm với cô về con cái, tôi thường gửi tin nhắn riêng chứ không bình luận công khai trên facebook của mình hoặc của cô. Cô cũng rất nhanh chóng trả lời. Tôi nghĩ đó là một cách sử dụng Facebook hợp lý cho cả hai bên”.

Khẳng định “quyền” tự do, nói ra là quyền của mỗi người, có việc không hay càng phải nói ra, nhưng anh Mạnh Hùng vẫn cho rằng nên cân nhắc kỹ khi lời nói không chỉ liên quan tới bản thân, mà còn liên quan tới cả con cáii. “Người ta bảo ăn cây nào rào cây đó. Muốn trường học con mình tốt hơn, tôi nghĩ rằng phụ huynh có thể công khai bày tỏ trên trang cá nhân, nhưng cần nói, viết với thái độ xây dựng chứ không phải mạt sát, dè bỉu. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau – được cả việc của mình lẫn việc của người.

Và người được lợi nhất, theo tôi, đó là con cháu mình thôi. Bởi vì, cách cư xử của phụ huynh đương nhiên ảnh hưởng tới thái độ, cách nhìn nhận của cô về cháu bé. Bố mẹ nói xấu nhà trường, thì thầy cô dù có cố gắng khách quan tới mấy cũng khó tránh khỏi cảm giác không hài lòng khi gặp học sinh, tôi cho là như vậy”.

Lỡ rồi thì “xử” ra sao?

Ở Việt Nam, trước đây mới chỉ có học sinh “phạm luật” và bị trường tuýt còi. Tiêu biểu là vụ nữ sinh lớp 8 ở trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) lên mạng xúc phạm thầy cô, bị đuổi học một năm.

Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) đầu năm 2013 đã ra thông báo yêu cầu học sinh tuyệt đối không dùng facebook để nói xấu bất cứ ai và cần bày tỏ thái độ đấu tranh với các status có nội dung không lành mạnh. Cho đến thời điểm này đây cũng là trường duy nhất ra quy định “cấm” công khai những điều học sinh không được làm trên facebook.

PGS Văn Như Cương cho rằng, "Mọi việc đều có hai mặt, Facebook là mạng xã hội, vui buồn đều có thể sẻ chia. Tuy nhiên, việc chia sẻ này làm như thế nào là đúng tùy thuộc vào sự thông minh, hiểu biết của mỗi người. Bởi thế, người sử dụng Facebook luôn phải cân nhắc để thể hiện sự thông minh và hiểu biết. Nếu tôi đọc được Facebook của bạn, chắc chắn tôi sẽ biết bạn là người như thế nào".

Tuy nhiên, nhìn lại, chưa đầy một ngày sau khi được cập nhật lên trang facebook của trường Lương Thế Vinh, status về bản thông báo đã có hơn 2.000 lượt bấm like và gần 1.500 comment. Các comment đa phần bày tỏ thái độ phản đối và gửi lời “chia buồn” đối với học sinh Trường Lương Thế Vinh.

Điều này cho thấy việc khẳng định quan điểm bản thân, ít nhất là trên facebook, là vô cùng quan trọng đối với rất nhiều người sử dụng.

“Như trong trường hợp câu chuyện cà vạt kia, việc trường đề nghị phụ huynh gỡ bài viết xuống, nhưng phụ huynh không đồng ý, là có thể hiểu được khi đề nghị này đụng tới “cái tôi” của người viết. Họ muốn khẳng định mình đúng khi chia sẻ thông tin” – anh Mạnh Hùng phân tích.

“Vì vậy, nếu như trách phụ huynh quá lời hay không khéo, thì cũng phải trách dành cho nhà trường về cách ứng xử khi tiếp nhận thông tin từ phụ huynh.

Các trường nên coi facebook là một kênh thông tin để phụ huynh góp ý. Trong trường hợp này, nhà trường sẽ được lợi nhiều hơn nếu thay vì sau khi yêu cầu phụ huynh gỡ bài mà phụ huynh không đồng ý, trường mở luôn trưng cầu ý kiến phụ huynh, học sinh, xem bộ đồng phục như vậy đã là tối ưu hay chưa. Như vậy, phụ huynh và học sinh sẽ có cảm tình và gắn bó với trường hơn nhiều”.

Chị Lan Hà có con đang học cấp 2 tại một trường tư thục ở Hà Nội cho biết trường này thường xuyên đăng ảnh các hoạt động lên Facebook. “Không ít trường và giáo viên hiện nay có quan hệ rất tốt với phụ huynh qua facebook, đặc biệt là các trường tư. Những hoạt động của các con được nhà trường, được thầy cô cập nhật thường xuyên. Phụ huynh vào xem và cũng để lại nhiều bình luận. Nếu có trường hợp phụ huynh phàn nàn, trường cũng tỏ thái độ rất cầu thị, tiếp thu và sửa chữa nếu lời phàn nàn hợp lý”.

“Nhiều tổ chức, cơ quan có quy tắc ứng xử riêng. Nhưng việc các trường đưa ra quy tắc ứng xử cho phụ huynh là điều không thể và tôi cho rằng cũng không nên, vì dễ chạm tự ái của cả đôi bên.

Do đó, tôi cho rằng để mối quan hệ này được hài hoà, tốt đẹp trong thời buổi mọi thứ đều có thể ngay lập tức được phơi bày trên mạng, thì thay vì “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”, các phụ huynh cũng nên đếm đến 7 trước khi gõ phím” - chị Lan Hà nói vui.

“Đặc biệt, về phía nhà trường, cần tuyệt đối tránh kiểu hành xử “giận cá chém thớt”. Kỷ luật học sinh, cho học sinh nghỉ học chỉ vì bố, mẹ công khai bày tỏ sự không hài lòng là hạ sách, thậm chí là phạm luật” – anh Mạnh Hùng bình luận.

“Điều lệ Trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định cụ thể các hành vi của học sinh. Điều 41 quy định Các hành vi học sinh không được làm như “Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác… Đưa thông tin không lành mạnh lên mạng...”.

Điều 42 về Khen thưởng và kỷ luật có quy định rõ “Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức: Phê bình trước lớp, trước trường; Khiển trách và thông báo với gia đình; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn”.

Chẳng có chỗ nào, điều nào quy định kỷ luật học sinh vì những điều bố mẹ các em làm”.

Ngân Anh