Năm 2010, với huy chương vàng Cuộc thi Kỹ năng nghề Asean, chàng trai Hoàng Văn Tùng (SN 1989 - Vĩnh Phúc) vinh dự trở thành 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu.

Năm 2011, anh tiếp tục dự thi Kỹ năng nghề Thế giới, đạt 495/600 điểm và được nhận chứng nhận nghề thế giới.

Nay chàng trai Vĩnh Phúc công tác tại khoa Cơ khí, trường Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Hà Nội. Mới đây, anh được Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp lựa chọn trở thành Đại sứ Kỹ năng nghề với trọng trách truyền tải và phát huy vai trò của việc học nghề với đời sống hiện đại. Tùng khẳng định, nhờ học nghề anh đã gặt hái nhiều thành công ngoài mong đợi.

{keywords}
Đại sứ Kỹ năng nghề Hoàng Văn Tùng

8X thi trượt đại học, tìm đam mê với nghề thiết kế cơ khí

Gia đình nghèo nên tốt nghiệp Trung học Phổ thông, bố mẹ định hướng Tùng thi sư phạm, hi vọng giảm bớt gánh nặng về học phí. Năm đó, anh thi Đại học Sư Phạm nhưng thiếu 1 điểm.

Vốn đam mê công nghệ, Tùng tìm hiểu và đăng ký xét tuyển vào khoa Cơ khí - hệ Cao đẳng thuộc trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Nghề vẽ và thiết kế trên máy tính (CADD - Computer-Aided Drawing & Design) chính là vẽ và thiết kế cơ khí trên phần mềm Autodesk Inventor và phần mềm 3D Max. Chuyên ngành của Tùng là xây dựng bản vẽ 2D sang các bản vẽ 3D để mô tả cấu tạo và mô phỏng nguyên lý làm việc của các cơ cấu máy. 

Có những ngày, sáng học lý thuyết, chiều Tùng dành thời gian ở phòng thực hành đến muộn mới về. Mày mò ở xưởng thực hành, rồi khi về nhà lại ngồi máy tính để thiết kế các chi tiết máy. Mỗi ngày trôi qua, niềm say mê với vẽ thiết kế cơ khí trên máy trong Tùng một lớn thêm. Bất cứ vật dụng gì trong nhà, Tùng cũng tháo tung ra nghiên cứu.

Khi nhà trường tổ chức thi học sinh giỏi nghề vẽ và thiết kế trên máy tính, lựa chọn đội tuyển thi cấp thành phố, anh mạnh dạn đăng ký tham gia.

Vượt qua hàng trăm thí sinh, Tùng giành giải nhất hội thi tay nghề TP Hà Nội và xuất sắc vượt qua 20 thí sinh khác giành giải nhất Quốc gia, rồi đại diện cho Việt Nam dự hội thi Kỹ năng nghề ASEAN.

Tùng nhớ lại, cuộc thi này tổ chức ở Thái Lan trong 3 ngày và anh đã bước vào cuộc thi với tâm thế khá ổn định, vững vàng. Tấm huy chương vàng đã mở ra cánh cửa mới cho chàng sinh viên trẻ.

Học thiết kế cơ khí không khó kiếm việc

Trước sự lo lắng của nhiều bạn trẻ về việc ngành nghề này khó kiếm việc làm, không có đầu ra trong tương lai, anh phân tích: “Lĩnh vực tôi học là ngành khó nhưng nếu thực sự yêu thích, bạn sẽ làm được và dễ kiếm được việc làm. Vì các doanh nghiệp hiện nay rất thiếu nhân lực có tay nghề, chuyên môn ở ngành này”.

Anh cho biết thêm, công việc thiết kế cơ khí trong các nhà máy yêu cầu phải có nhiều kiến thức chuyên môn, kỹ năng xử lý các ý tưởng thiết kế. Đồng thời là người đưa ra các thông tin cần truyền đạt tới các bộ phận lập trình gia công, kiểm tra… thông qua bản vẽ kỹ thuật. Nó đòi hỏi mức độ chính xác cao. Nếu thông tin từ các bản vẽ kỹ thuật không chính xác, các khâu sau sẽ bị sai hỏng.

Ngành nghề nào cũng phải tích lũy kiến thức trong trường, kinh nghiệm làm việc. Chỉ cần bạn chịu khó bồi dưỡng kỹ năng, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, sẽ không phải lo lắng về đầu ra”, Hoàng Văn Tùng nhấn mạnh.

Đại sứ Kỹ năng nghề quan điểm, cánh cửa đại học đóng lại thì vẫn còn nhiều cánh cửa khác mở ra cho các bạn trẻ theo đuổi ước mơ của mình. Một trong số đó chính là lựa chọn học nghề.

Theo anh, giáo dục nghề nghiệp là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Tỉ lệ lớn học sinh - sinh viên học nghề ra trường là có nghề nghiệp ổn định, thu nhập cao.

"Vài năm trở lại đây, việc học nghề bắt đầu được chú trọng, đầu tư. Nhiều học sinh ngay từ khi chưa tốt nghiệp Phổ thông Trung học đã xác định con đường học nghề, thay vì lao đầu vào học đại học”, Đại sứ Kỹ năng nghề chia sẻ.

Hồng Phượng