Tích cực tìm thí sinh... qua mạng

Tại hội thảo trực tuyến chiều 23/4, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp - GDNN) cho biết, những năm trước đây khi chưa đặt vấn đề chú trọng vào tuyển sinh trực tuyến, có những trường đã thu nhận tới 40-60% thí sinh “vào” bằng kênh này. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, khả năng tuyển vượt được chỉ tiêu sẽ gặp khó khăn, nhưng đáp ứng chỉ tiêu là điều khả thi.

{keywords}
Ông Vũ Xuân Hùng phát biểu tại hội thảo online từ phòng làm việc chiều 23/4. Ảnh: Thanh Trung

Ông Hùng cho biết thêm, Tổng cục đang bắt đầu triển khai chương trình quản lý số liệu tuyển sinh trực tuyến, sẽ thuận lợi cho việc nắm bắt và quản lý thông tin cụ thể cho hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 63 tỉnh thành.

Bổ sung thông tin, ông Kim Hồng Hưng, Phó Chánh văn phòng cho biết, tổng cục đã có sửa đổi thông tư để việc tuyển sinh trực tuyến thuận lợi hơn cho thí sinh. Việc xét tuyển trực tuyến rất thuận tiện, người học chỉ cần đăng nhập qua di động hay máy tính  để tìm hiểu, lựa chọn ngành nghề trường;  khai báo thông tin đăng ký học gửi tới trường mình muốn học. Các trường sẽ xem xét phản hồi và thông báo trúng tuyển. Khi nhập học, thí sinh mới cần nộp đầy đủ hồ sơ. Các apps chọn nghề, chọn trường và website chuyên biệt tuyển sinh nghề nghiệp đã được phát hành từ năm trước; chưa kể các trường tự xây dựng apps hoặc trang riêng không phải qua server của hệ thống.

Đến từ Bình Dương, hiệu trưởng Tạ Xuân Tề của Trường CĐ Công nghệ cao Đồng An cho hay, các trường mới, chưa có “thương hiệu” vốn đã gặp khó tuyển sinh, nay vướng dịch Covid-19 khá chật vật khi tiếp cận với thí sinh sinh. Hiện, trường đang tích cực truyền thông để thu hút học sinh.

{keywords}

Sinh viên năm 2 lớp Điện tử 3 của Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh trong giờ thực tập tại công ty tháng 3/2020. Ảnh: Thanh Hùng.

 

Còn ông Phạm Văn Long, Hiệu trưởng trường CĐ du lịch Hải Phòng cho hay, ngay từ đầu mùa dịch, đã xác định tuyển sinh khối du lịch gặp khó khăn. Một số trường trong khối cũng bắt đầu tính đến tuyển sinh đa cấp học, tức là tuyển cả học sinh hoàn thành THCS, "vốn là vấn đề những năm trước chúng tôi ít quan tâm”. Trường đã làm việc với gần 170 cơ sở giáo dục phổ thông nhưng tâm lý cả giáo viên và học sinh là ngần ngại tiếp xúc trực tiếp do dịch bệnh. Với sự năng động, trường đã nhanh chóng ứng biến những clip bài giảng thực hành ban đầu dùng để xây dựng clip mạng tính chuyên sâu về chuyên ngành giới thiệu về trường; đầu tư kinh phí để quảng bá trên các kênh trực tuyến phổ biến với giới trẻ.

Những cách tiếp cận này có dấu hiệu tương tác tăng dần, dù hồ sơ nhận từ đăng ký trực tuyến còn khiêm tốn. Lý do là học sinh giờ vẫn mải học online và ngóng thời gian đến trường trở lại, thời điểm “nóng” các em quan tâm tới tuyển sinh hơn cả vẫn là sau khi kết thúc các kỳ sát hạch cuối cấp vào tháng 7, tháng 8 tới.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Hà Nội cho hay: Trong mùa dịch bệnh, Sở đã hướng các trường tới đối tượng tuyển sinh khác là lực lượng lao động bị dừng viêc hay chuyển việc. Thông qua các hiệp hội lao động, hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiệp hội việc làm để khuyến khích để kịp thời việc chuyển đổi và cung cấp dịch vụ đào tạo.

Dò dẫm học trực tuyến

Ông Tạ Xuân Tề cho biết, ngoài khó khăn về nguồn thu học phí, việc dạy học online “cũng không đơn giản”. Nhà trường đã triển khai tới 75% việc học này, nhưng cũng không thu được học phí để trả lương giáo viên, duy trì các hoạt động khác. Trường CĐ Công nghệ Cao Đồng An đã tổ chức dạy học trực tuyến được 2 tháng, nhưng chỉ đào tạo được lý thuyết; các phần mềm mô phỏng thực hành không có, còn những nội dung thực hành thí nghiệm vẫn phải chờ đến khi học sinh bình thường đi học trở lại thì mới tổ chức được.

Đây cũng là đặc thù riêng của các trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp, do yêu cầu về thực hành ở nhà xưởng hay đi thực tế ở các doanh nghiệp. “Ngay cả trên thế giới cũng chưa có nhiều mô hình thành công”, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho hay.

Còn theo ông Vũ Văn Hùng, trường hợp đầu tháng 5 các hoạt động trở lại bình thường thì kế hoạch đào tạo sẽ không xáo trộn gì nhiều. Ngay từ đầu mùa dịch, Tổng cục đã có các hướng dẫn kịp thời về tổ chức học tập, kiểm tra đánh trực tuyến; các cơ sở đã tập trung cho đáo tạo lý thuyết; khi quay lại trường sẽ tập trung học thực hành. Thêm vào đó, các trường quen với đào tạo trực tuyến, khi trở lại vẫn khai thác thế mạnh của phương thức đào tạo này, để giúp người học, người dạy giảm co giảm, chủ động được thời gian.

Ông Hùng cũng thông tin thêm, các hoạt động cho đào tạo chất lượng cao vẫn tiến hành. Bắt đầu tháng 1/2020 đã đào tạo thí điểm cho 25 nghề chuyển giao từ Đức. Do dịch bệnh nên công tác này đang xoay chuyển bằng cách chuyên gia họ hướng dẫn online và sẽ trở lại trực tiếp trong thời gian thích hợp để đảm bảo chương trình.

{keywords}
Ông Nguyễn Hồng Minh phát biểu tại hội thảo online diễn ra chiều 23/4. Ảnh: Thanh Trung

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN lưu ý các trường cần chuẩn bị để nắm bắt cơ hội đào tạo lại của các doanh nghiệp sau dịch bệnh, bởi ngành đã chủ trương không chỉ đào tạo ban đầu mà còn phải đào tạo thường xuyên cho lao động ở các doanh nghiệp.

Về hướng đào tạo đa cấp học, cụ thể là đào tạo 9+, trong thực tiễn đã triển khai và mới được thể chế hoá vào luật, cần phải thúc đẩy để thực tiễn triển khai hiệu quả.

Về các chương trình đào tạo chất lượng cao thì không phải nghề nào cũng làm được. Trường phải báo cáo UBND tỉnh để bố trí nguồn lực để tổ chức hướng mũi nhọn này đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Song Nguyên

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công nhận giá trị của việc kiểm tra, đánh giá trực tuyến

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công nhận giá trị của việc kiểm tra, đánh giá trực tuyến

- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có hướng dẫn thực hiện quản lý, tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá trong đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.