Thí điểm mô hình dạy nghề song bằng quốc tế

Trường Cao đẳng nghề Yên Bái (Văn Phú, TP.Yên Bái) là 1 trong 40 trường nghề trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư thành trường chất lượng cao đến năm 2020.

Trường cũng là cơ sở được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt đầu tư đào tạo 1 nghề đạt cấp độ quốc tế, 4 nghề đạt cấp độ ASEAN. Ngoài ra, trường đào tạo nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau và liên kết với các trường đào tạo liên thông lên đại học, cao học.

{keywords}
Trường Cao đẳng nghề Yên Bái. 

Hiện, trường lần đầu đưa vào thí điểm chương trình đào tạo nghề song bằng quốc tế với lĩnh vực gia công - chế tác đồ mộc.

Ông Đỗ Duy Thái - Phó hiệu trưởng nhà trường thông tin, chương trình có kinh phí đầu tư hơn 4 tỷ đồng, do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao động – Thương binh và Xã Hội ký hợp đồng thí điểm. Quy mô lớp học chỉ có 16 học sinh.

Lớp tuyển chọn theo hình thức xét tuyển, học sinh có học lực khá trở lên. Nhiều học viên đủ điều kiện xét tuyển vào các trường đại học chính quy vẫn quyết định theo học chương trình này.

Theo nội dung, học sinh tham gia đầy đủ các môn chung như Giáo dục quốc phòng, Tin học, Ngoại ngữ để được cấp bằng Việt Nam. Bên cạnh đó, học sinh học thêm tín chỉ về lao động quốc tế.

Chương trình học này đưa ra nhiều tiêu chí khắt khe về kỹ năng nghề, ngoại ngữ, tác phong, ứng xử, đạo đức… Tất cả được đánh giá trong quyển tường thuật học sinh - sinh viên theo ngày. Một tiêu chuẩn không đạt, sẽ không được cấp bằng.

Khi tốt nghiệp, các học sinh sẽ nhận 2 bằng, là bằng tốt nghiệp Cao đẳng của Việt Nam do trường Cao đẳng nghề Yên Bái cấp và bằng tốt nghiệp tương đương trình độ châu Âu do Viện tiểu thủ công nghiệp và kỹ năng nghề Leipzig, Đức cấp.

{keywords}
Viện tiểu thủ công nghiệp và kỹ năng nghề Leipzig, Đức chứng nhận trường Cao đẳng nghề Yên Bái đủ điều kiện đào tạo nghề gia công và thiết kế đồ mộc theo tiêu chuẩn Đức. 

Tuy nhiên, để nhận được bằng tốt nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế về kỹ năng nghề, các học viên phải trải qua kỳ thi sát hạch, đánh giá của các chuyên gia nước ngoài.

Học viên đủ tiêu chuẩn nhận bằng tốt nghiệp của Viện tiểu thủ công nghiệp và kỹ năng nghề Leipzig, Đức được trường bên Đức giới thiệu đi làm tại các cơ sở sản xuất, xưởng đồ gỗ trên thế giới. Bằng cấp được công nhân tại 9 nước châu Âu.

“Bên châu Âu đang thiếu thợ tay nghề cao trong sản xuất nội thất gỗ. Chương trình đào tạo song bằng giúp họ chuẩn bị được nguồn lao động chất lượng cao, đồng thời tăng cường liên kết giáo dục nghề nghiệp với các nước.

Học chương trình này, các em được đào tạo tác phong công nghiệp của Đức. Tiếng Anh đủ để làm việc và giao tiếp”, ông Thái nhấn mạnh.

{keywords}
Lớp gia công và thiết kế đồ mộc theo chuẩn Đức.

Trường hợp học viên không đủ điều kiện thi/nhận bằng quốc tế, vẫn có bằng cao đẳng Việt Nam, tham gia vào hoạt động sản xuất trong nước.

Các thầy cô nước ngoài và Việt Nam sẽ dạy song song. Bốn giáo viên của trường đã được cử đi Đức đào tạo, học kinh nghiệm của nước ngoài.

Một quý/lần, các chuyên gia Đức được mời sang Việt Nam để giảng dạy và kiểm tra chất lượng học sinh.

{keywords}
 Chương trình xét tuyển học sinh có học lực khá trở lên.

Do dịch Covid-19, nên năm nay các giảng viên chưa sang được, thay vào đó họ sẽ dạy trực tuyến. Ông Thái chia sẻ thêm, “Khi chương trình đào tạo song bằng quốc tế được nghiệm thu, tôi hi vọng mô hình sẽ được nhân rộng và phát triển. Vì đó là nguồn cung cấp lao động chất lượng cao cho cả Việt Nam và thị trường lao động nước ngoài”.

Học viên Trần Quang Mạnh – lớp Cao đẳng 1 K28 (TT Yên Bình, Yên Bái), bày tỏ trong quá trình học, bản thân thấy trình độ, kiến thức được nâng lên, cải thiện nhiều kỹ năng về làm việc nhóm, làm việc độc lập…

“Tôi mong muốn, sau khi kết thúc khóa học sẽ sang nước ngoài một vài năm, làm việc đúng với chuyên môn mình được đào tạo để phát triển tay nghề”, Trần Mạnh nói.

Học viên Nguyễn Quang Thái chia sẻ: “Tôi được học các kỹ năng bào, cưa bằng máy CNC, máy tính… Khi học xong, tôi có thể làm được nhiều việc như: Thiết kế bản vẽ, điều khiển máy CNC. Nếu có kinh nghiệm dày dặn có cơ hội thăng tiến, làm quản đốc tại các xưởng gỗ”.

Tương lai, Thái hi vọng được đến châu Âu học hỏi, làm việc và mang về Việt Nam áp dụng. Để chuẩn bị cho điều đó, anh khẳng định, mình cần trau dồi khả năng nghe/nói/đọc/viết tiếng Anh thành thạo, có bằng B1 châu Âu.

{keywords}
Học viên Thái muốn sang Đức trau dồi kỹ năng nghề, phát triển năng lực bản thân sau khi tốt nghiệp. 

Thái nhận xét, mô-đun học của lớp thí điểm nặng nhưng thầy cô giáo tận tình giảng dạy, thời gian phù hợp nên các học viên đáp ứng được yêu cầu về kiến thức.

Thời gian học trực tuyến với giảng viên nước ngoài, học viên được phát tài liệu nghiên cứu trước, có phiên dịch hỗ trợ. Những vấn đề chưa hiểu, sẽ được giải đáp cặn kẽ trong buổi trực tuyến.

Gắn kết với doanh nghiệp

Bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo, trường chú trọng đến chất lượng giáo viên. Trường tổ chức hội giảng 1 năm/lần, là nguồn cho các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và quốc gia.

Những năm trước nhà trường nhiều năm có giải cao trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi quốc gia. Giải Nhất toàn quốc 2018 về điện công nghiệp, Giải Nhì toàn quốc 2016. Năm nay nhà trường có 22 giáo viên đạt giải cấp khoa tham gia hội giảng cấp trường ở hơn 10 chuyên ngành.

{keywords}
Buổi hội giảng giáo viên dạy giỏi cấp khoa năm 2021. 

Ông Lê Anh Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trường đang đao tạo 6 nghề trọng điểm về kỹ thuật và một số nghề về phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỉ lệ học sinh hàng năm ra trường, đi làm ổn định chiếm 90%.

Khi tuyển sinh, trường sẽ cam kết giới thiệu việc làm cho các em sau tốt nghiệp. Thu nhập thấp nhất từ 5 -6 triệu/tháng.

Ví dụ nghề điện, trên cáp treo Fanxipang (Lào Cai) có 2/3 nhân viên là học từ trường Cao đẳng nghề Yên Bái.

Trường hợp tự đi tìm việc, các em cũng tự tin phát huy khả năng của mình trong doanh nghiệp.

{keywords}
Nhà trường chú trọng việc gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề. 

Quá trình đào tạo, nhà trường luôn cập nhật công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp về chất lượng nhân lực. Một số doanh nghiệp liên kết với nhà trường nhận xét, học viên do trường đào tạo đều có tay nghề khá, vững kiến thức. 

Yên Bái là tỉnh miền núi, đời sống, kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn nên nhu cầu rút ngắn thời gian học tập với phương thức đào tạo song song, vừa học THPT, vừa học nghề từ trung cấp liên thông lên cao đẳng chỉ trong cùng thời gian 3 năm mà vẫn đảm bảo vừa phổ cập giáo dục phổ thông lại vừa có trình độ ngành nghề nhất định đang là hướng lựa chọn của nhiều học sinh tốt nghiệp THCS.

Đối với khu vực nông thôn, đặc biệt là các tỉnh vùng núi, điều kiện thổ nhưỡng, cái thu nhập của lao động nông thôn chỉ ở mức trên trung bình nhưng các em học qua đào tạo nghề ở trường, thu nhập tăng hơn. Điều này đã giúp thay đổi nhận thức của người dân ở các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

{keywords}
Giờ thực hành điện của Khoa điện công nghiệp. 

Quang Sơn

Xóa đói giảm nghèo ở Vĩnh Long: Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm

Xóa đói giảm nghèo ở Vĩnh Long: Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm

Vĩnh Long thông qua công tác đào tạo và gắn kết với giải quyết việc làm đã góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.