ĐHQG Hà Nội vừa thông báo dừng kì thi đánh giá năng lực. “Số phận” kỳ thi đánh giá năng lực mà ĐH QG TP.HCM có chủ trương tổ chức năm 2017 sẽ như thế nào.

Trước đó, ĐHQG TP.HCM công bố chủ trương tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực vào năm 2017. Theo đó bài thi được tổ chức theo định hướng đánh giá năng lực học đại học chứ không nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh. Bài thi dự kiến làm trên giấy gồm 1 câu tự luận, 125 câu trắc nghiệm trong thời gian 180 phút.

{keywords}
Thí sinh TP.HCM tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Cấu trúc bài thi gồm 2 phần: Phần 1 đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ, và phần 2 kiểm tra khả năng tư duy logic, giải quyết vấn đề.

Trong phần 1 dự kiến sẽ có 25 câu trắc nghiệm tiếng Việt đánh giá khả năng dùng từ, đọc hiểu và phân tích bài viết; 25 câu trắc nghiệm đánh giá khả năng đọc hiểu tiếng Anh; một bài luận tiếng Việt khoảng 25 - 50 dòng trình bày về một chủ đề cho sẵn.

Trong phần 2 là kiểm tra trắc nghiệm tư duy logic thể hiện qua kiến thức toán học và bài trắc nghiệm kiểm tra khả năng phân tích, tổng hợp, giải quyết vấn đề với 50 câu về kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kinh tế và kỹ thuật.

Theo dự kiến của ĐHQG TP.HCM, kỳ thi đánh giá năng lực sẽ  diễn ra sau 2 tuần kỳ thi THPT do Bộ GD-ĐT tổ chức và được tổ chức ở 3 điểm: TP.HCM, Cần Thơ và Quy Nhơn.

Trong năm đầu tiên bài thi có thể chỉ theo hình thức trắc nghiệm, phần tự luận kiểm tra khả năng diễn đạt tiếng Việt sẽ thực hiện sau 2 năm tiếp theo để thí sinh có thời gian chuẩn bị.

Bên cạnh đó, phương án tuyển sinh của ĐHQG TP.HCM trong năm 2017 vẫn đưa ra nhiều tiêu chí khác nhau để xét tuyển. Trong đó mở rộng ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi các trường phổ thông chuyên và năng khiếu từ 10% (năm 2016) lên 20 - 30%; sử dụng kết quả kỳ thi THPT, có những ngành xét 100% chỉ tiêu và có những ngành chỉ xét một phần chỉ tiêu dựa trên kết quả này.

Đối với một số ngành sẽ xét dựa trên kết quả kỳ đánh giá năng lực do ĐHQG TP.HCM tổ chức. Kết quả kỳ đánh giá năng lực có thể được sử dụng xét tuyển trực tiếp hoặc là điểm thành phần trong tổng điểm xét tuyển.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng ĐHQG TP.HCM cho biết "Hiện tại chúng tôi đang bàn bạc và thảo luận trong ban giám đốc và có quyết định cụ thể trong tuần này".

Theo ông Chính, kế hoạch đã ban hành nhưng hiện tại ĐHQG TP.HCM đang cân nhắc thấu đáo mọi vấn đề trước khi công bố. Tuy nhiên, vấn đề ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi các trường phổ thông chuyên và năng khiếu từ 10% (năm 2016) lên 20 - 30% chắc chắn vẫn sẽ thực hiện, và năm nay sẽ mở rộng hơn năm trước. ĐHQG TP.HCM sẽ hoàn thiện để gửi đề án lên Bộ GD-ĐT.

Trong khi đó, lãnh đạo một trường đại học thành viên của ĐHQG TP.HCM cho biết "Mặc dù Ban giám đốc ĐHQG TP.HCM rất muốn tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trong năm 2017 nhưng chắc chắn chưa thể làm được. Nếu nhanh lắm cũng phải đến 2018 mới làm được”.

Vị này cũng cho biết, với việc Bộ GD-ĐT tổ chức thi như hiện nay ĐHQG TP.HCM không nên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng. "Bài học là từ ĐHQG Hà Nội. Qua hai năm tổ chức đánh giá năng lực nhưng ĐHQG Hà Nội chưa đánh giá được cái hay, cái được, đầu tư tiền của rất nhiều nhưng cuối cùng cũng phải dừng lại..." - vị này bình luận.

Lê Huyền