Sau khi Trường ĐH Tôn Đức Thắng phản đối yêu cầu đưa vào dự toán, trích nộp về cho cơ quan chủ quản 30% kinh phí, ông Phan Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: "LĐLĐ TP.HCM trước đây và Tổng LĐLĐ Việt Nam sau này (với tư cách là đơn vị quản lý trường) đã tạo điều kiện hết sức như cấp vốn, cho vay vốn, giao quản lý, sử dụng đất đai, đề xuất cơ quan có thẩm quyền cấp đất, với số tài sản được giao cho trường quản lý, sử dụng và cho vay lên đến hàng nghìn tỷ đồng". 

Vậy số tiền mà Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã nhận từ Tổng LĐLĐ Việt Nam là bao nhiêu?

{keywords}
Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng

"Chúng tôi đã tự chủ hơn 20 năm"

Trường ĐH Tôn Đức Thắng thành lập ngày 24/9/1997. Từ ngày thành lập đến đầu tháng 1/2003, trường có tên là Trường ĐH công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng. Đến tháng 1/2003 thì được đổi tên thành Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng và chuyển về trực thuộc UBND TP.HCM. Đến ngày 11/6/2008, Thủ tướng Chính phủ đổi tên trường thành Trường ĐH Tôn Đức Thắng và chuyển về trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Lúc này, tại văn bản số 3995 ngày 18/6/2008, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của trường: "Về mặt quản lý Nhà nước, cơ chế tổ chức của trường được thực hiện như một trường công lập với cơ quan chủ quản là Tổng liên đoàn. Về mặt tài chính, trường không nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước và từ Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Tài sản được hình thành cho đến nay được coi là tài sản của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, không điều chuyển khỏi trường mà chỉ để phục vụ cho việc đào tạo của trường. Trường được tự quyết mức thu học phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo qui định như một trường đại học ngoài công lập".

Đại diện của trường cho hay tài trợ bằng tiền của Nhà nước và công đoàn từ xưa đến nay cho trường có 5 khoản:

1.Tài chính do Liên đoàn lao động TP.HCM cấp để làm thủ tục thành lập trường (0,5 tỷ đồng).

2.Tài chính do Liên đoàn lao động TP.HCM và Tổng liên đoàn cho vay không lãi: Tổng LĐLĐ Việt Nam cho vay 150 tỷ đồng (trong đó 100 tỷ từ tháng 4/2014- 9/2015; 10 tỷ từ tháng 8/2011-12/2014; 40 tỷ từ 2/2009-5/2017). Liên đoàn lao động TP.HCM cho vay 30 tỷ.

Các khoản vay này không tính lãi và nhà trường đã trả lại tiền gốc. Tuy nhiên nhà trường cho rằng có thể xem khoản tiền phải trả lãi là khoản tiền tài trợ; thì lúc đó, tài trợ từ tổ chức Công đoàn dưới dạng tổng lãi vay này sẽ bằng 44,082 tỷ đồng

3. Tiền tài trợ giải phóng mặt bằng từ UBND TP.HCM là 70 tỷ đồng.

4.Tiền trợ lãi vốn vay kích cầu do UBND thành phố hỗ trợ là 119,725 tỷ đồng.

5.Vốn trái phiếu Chính phủ cấp để xây dựng Ký túc xá sinh viên là 61,7 tỷ đồng.

Tổng tài trợ từ 5 khoản trên là 295,5 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng đầu tư xây dựng cơ bản của trường trên mặt đất tính từ xưa đến nay. Số liệu tài chính này không tính đến giá trị đất.

Đại diện nhà trường cũng khẳng định đầu tư từ nguồn tài chính tiết kiệm, tự tích lũy từ hoạt động của trường đến nay chiếm 86,6% tổng đầu tư đã có. 

Ông Lê Vinh Danh, hiệu trưởng nhà trường cho hay phần tài chính LĐLĐ TP.HCM và Tổng liên đoàn tài trợ chỉ chiếm 2% tổng đầu tư vào cơ sở vật chất của trường. "Vì vậy, việc cho rằng đầu tư của Công đoàn có giá trị hằng nghìn tỷ đồng là không có cơ sở. Trong cùng thời gian, tổng chi thường xuyên của trường lớn hơn nhiều chi đầu tư cơ sở vật chất".

Về đất đai - tính cả đất đai đã có chủ trương giao - thì trường có hơn 100ha. Tính riêng đất đai đã có giấy tờ, sổ đỏ là 83,37ha.

Trong đó, đất do Công đoàn giao cho sử dụng (vào giai đoạn đầu, còn hiện nay nhà trường đã ký hợp đồng thuê đất trực tiếp với Nhà nước) là 5,37ha (chiếm 6,44%); Đất do UBND TP.HCM cho thuê là 30ha (chiếm 35.98%); Đất do trường tự làm dự án, thuê để phát triển cơ sở 48ha (chiếm 57,58%).

Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu trường nộp tiền có vi phạm pháp luật?

Lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho hay ngày 28/12/2018, Hội đồng trường Trường ĐH Tôn Đức Thắng họp và ra Nghị quyết về việc chuẩn bị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) để bắt đầu áp dụng từ ngày 1/7/2019.

Tới ngày 14/2/2019, Bộ GD-ĐT có Văn bản 499/BGDĐT-GDĐH về việc chuẩn bị thực hiện Luật số 34, trong đó yêu cầu các trường đại học phải chuẩn bị các công việc sửa đổi, ban hành quy chế, kiện toàn nhân sự… theo đúng nội dung Luật số 34, và phải hoàn tất các việc này trước ngày 1/7/2019.

Ngày 23/4/2019, Hội đồng trường họp để bàn việc thực hiện yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Tại cuộc họp, 100% thành viên Hội đồng nhất trí thông qua cơ cấu nhân sự Hội đồng trường đề tiến hành thủ tục theo quy định và thảo luận về nội dung sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường theo Luật số 34. Nghị quyết đã được thông qua với 100% thành viên chấp thuận.

"Nhưng mặc dù đã đưa tay biểu quyết đồng ý cùng tất cả mọi người, Chủ tịch Hội đồng trường là ông Bùi Văn Cường đã không ký biên bản ngay sau cuộc họp (như quy chế yêu cầu), và cho đến nay cũng không ký Nghị quyết của phiên họp nói trên để trường triển khai công việc" - lãnh đạo nhà trường cho biết.

Tới ngày 7/5/2019, Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi Văn bản số 655 chỉ đạo Hội đồng trường và Ban giám hiệu phải thực hiện 3 nội dung. Sau đó 2 ngày, tập thể nhà trường đã có Văn bản số 1449 phản hồi rằng Văn bản số 655 có các chỉ đạo ngược với chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước (cụ thể là Luật số 34) và vi phạm chính các qui định hiện hành của Tổng LĐLĐ Việt Nam; đề nghị nên xem xét lại.

Ngày 21/5/2019, Tổng LĐLĐ Việt Nam lại gửi Văn bản số 737 tiếp tục khẳng định nhà trường phải tuân theo đúng các chỉ đạo trong Văn bản số 655.

"Tổng LĐLĐ Việt Nam đã 3 lần yêu cầu nhà trường phải trích nộp 30% kết dư của trường. Đây là việc làm vi phạm pháp luật vì xưa nay chưa có bộ chủ quản nào yêu cầu cơ sở giáo dục phải trích nộp như doanh nghiệp. Nhất là đối với trường tự chủ tài chính như Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Yêu cầu này đồng thời vi phạm chỉ đạo của Chính phủ tại Văn bản 3995/VPCP-KGVX, ngày 18/6/2008" - vị lãnh đạo này nói.

Được biết, quy định "trích nộp tối đa 30%" được ký và ban hành từ thời ông Đặng Ngọc Tùng làm Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhưng chỉ dành cho các cấp công đoàn. Ông Tùng làm 2 nhiệm kỳ chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhưng không có yêu cầu trường học trực thuộc phải đóng tiền.

"Khi ông Bùi Văn Cường về làm Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã áp quy định vào bắt đóng ngay để có tiền làm "thiết chế công đoàn". Từ năm 2017 đến nay đã là 3 lần yêu cầu trường phải nộp, phải đưa vào dự toán thu chi hàng năm để nộp. Do đó, không thể nói là quy định có từ thời ông Tùng".

Cũng theo vị này, nhà trường không đồng ý việc Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng "ủng hộ tự chủ, nhưng công tác nhân sự phải được cơ quan chủ quản chỉ đạo, lãnh đạo, quy hoạch theo qui định của Đảng" bởi đã viện dẫn không đầy đủ và không chính xác quy định của Đảng.

Nói về cơ quan chủ quản, có bình luận cho rằng doanh nghiệp Nhà nước đã được bỏ chủ quản cách đây 20 năm, từ đó đến nay không những không mất doanh nghiệp mà doanh nghiệp còn phát triển tốt. Các bộ, ngành như Bộ GD-ĐT có cả chục trường đại học trực thuộc nay đều khuyến khích, động viên, buộc các trường phải tự chủ và nhiều bộ sẵn sàng bỏ luôn quyền chủ quản.

"Những bộ, ngành như vậy tại sao không lo mất trường, không lo bị tư nhân hóa trường học? Trong khi đó suốt 30, 40 năm qua, họ đã thay mặt Nhà nước đầu tư cho mỗi trường không dưới 10.000 tỷ đồng" - lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng đặt vấn đề.

Lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng kiến nghị hai việc. Thứ nhất, Tổng LĐLĐ Việt Nam phải tuân thủ Luật Giáo dục Đại học sửa đổi và các Nghị quyết của TW Đảng về đổi mới hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Thứ hai, phải tôn trọng Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của trường.

Lê Huyền

Tổng Liên đoàn Lao động nói gì trước cáo buộc của Trường Tôn Đức Thắng?

Tổng Liên đoàn Lao động nói gì trước cáo buộc của Trường Tôn Đức Thắng?

 - Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam bác bỏ một số thông tin mà nhà trường nêu ra.