Trong buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải với Sở GD-ĐT sáng 17/4, nhiều vấn đề “nóng” của ngành giáo dục Thủ đô như quá tải trường lớp, tuyển sinh trái tuyến đã được các đại biểu nêu ra.

Bà Hoàng Thanh Hương (Trưởng phòng Giáo dục mầm non) cho hay, giáo dục mầm non của Hà Nội có quy mô lớn nhất cả nước. Mặc dù thành phố đã xây mới nhiều trường, nhưng với số lượng trẻ đi học đông và tốc độ dân số cơ học tăng nhanh nên tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị cao tầng vẫn thiếu nhiều trường công lập.

{keywords}

Không chỉ ở cấp mầm non, bậc phổ thông cũng xảy ra tình trạng tương tự

Lý giải việc thiếu trường lớp dẫn tới sĩ số nhiều nơi lên tới 60 học sinh/lớp, ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, theo số liệu thống kê 10 năm gần nhất, lượng học sinh tăng 41% nhưng số phòng học chỉ tăng 35-36%. Đặc biệt việc tăng này lại diễn ra không đều ở các khu vực dẫn tới những bức xúc về mặt sĩ số.

Mặc dù trong năm 2018-2019, Hà Nội đã đầu tư kinh phí hơn 4.100 tỉ đồng để xây mới và thành lập 70 trường học các cấp nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu.

Để giải quyết bài toán này, ông Dũng đề xuất các đơn vị liên quan của thành phố ủng hộ để việc quy hoạch mạng lưới các trường sớm được thông qua.

Ngoài ra, ngành giáo dục Hà Nội cũng sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng trường học, phòng học cho khu vực thiếu trường, thiếu lớp.

Bên cạnh đó, vấn đề tuyển sinh trái tuyến cũng là một điểm nóng trong những năm qua. Theo ông Dũng, Sở đã chỉ đạo sâu sát đến các quận huyện nhưng các trường vẫn “chưa thấu” và chưa thực hiện nghiêm túc.

Nhiều trường có số học sinh trái tuyến rất cao, ví dụ Trường THCS Giảng Võ khoảng 30-35%, Trường Tiểu học Kim Liên có tỷ lệ trái tuyến lên tới 52-53%. Trong khi đó ở những quận này vẫn có những trường không đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Chính điều đó đã gây ra nhiều bất cập và bức xúc trong dư luận.

{keywords}

Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội

Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng cho biết thêm, Sở đã chỉ đạo các nhà trường hạn chế tuyển sinh trái tuyến. Tuy nhiên những trường có số học sinh trái tuyến đông đều là những trường có chất lượng dạy, cơ sở vật chất tốt nên nhiều cha mẹ học sinh có nguyện vọng, mong muốn con em mình được theo học.

"Do vậy, để giải quyết bài toán trái tuyến này bằng mệnh lệnh hành chính và các chỉ đạo là rất khó. Cần phải có biện pháp khác để giảm bớt", ông Đại nói.

Một trong những biện pháp được Sở đưa ra là xây dựng hệ thống các trường công lập chất lượng cao tự chủ. Tuy nhiên điều này theo ông Đại cũng gặp phải những khó khăn.

Các trường chất lượng cao để tự chủ thành công cần phải có cơ sở vật chất tốt. Bên cạnh đó cũng cần có đội ngũ giáo viên tốt.

Nhưng khó khăn hiện nay, khi đội ngũ giáo viên đang bắt đầu chuyển đổi từ các trường công lập sang chất lượng cao, còn một bộ phận giáo viên chưa chuyển đổi kịp và cũng chưa đến tuổi nghỉ hưu. Không có một cơ chế nào để cho những đối tượng này nghỉ.

Ngoài ra, việc bổ sung chương trìnhhay mua bản quyền chương trình về dạy cũng chưa được phê duyệt. Chính bởi những khó khăn như vậy khiến việc xây dựng trường chất lượng cao thực chất như đề án nghiên cứu chưa đạt yêu cầu.

Cũng theo ông Đại, Hà Nội có lợi thế dẫn đầu cả nước về giáo dục như nguồn nhân lực cao, nhiều gia đình có lợi thế về kinh tế nên sẵn sàng đầu tư cho giáo dục. Nhưng so với nhiều nước trên thế giới, giáo dục Thủ đô vẫn có phần “chậm tiến”.

Ông Đại lấy ví dụ, việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, tầm nhìn cho giáo dục Thủ đô chưa tương xứng. Nhiều năm qua, thành phố mới chỉ xây được Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đẹp đẽ theo dáng dấp nước ngoài, hay như trước đó thành phố có Trường THPT Chu Văn An từ thời Pháp.

"Nhìn lại trong thành phố, chúng ta chưa có trường nào ngang tầm Singapore. Đất Singapore rất bé nhưng họ vẫn có thể quy hoạch. Do vậy, chúng ta cần phải có một số trường các cấp ở nội thành và ngoại thành đạt đẳng cấp khu vực. Đó sẽ là hạt giống để tạo sức hút cho giáo dục”, ông Đại nói.

Thúy Nga

Tuyển sinh đầu cấp: Hà Nội vẫn còn 60 học sinh/lớp?

Tuyển sinh đầu cấp: Hà Nội vẫn còn 60 học sinh/lớp?

 - Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng quy mô tuyển sinh, giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh/ lớp, tăng số học sinh được học 2 buổi /ngày...