- Bộ GD-ĐT cho biết nhu cầu về giảng viên có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay vẫn rất lớn.

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, từ năm học 2011-2012 cho đến năm học 2014-2015, tổng số giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng nhẹ không đáng kể (xấp xỉ 1,2%).

Sang năm học 2015-2016, số lượng giảng viên là 69.591 người (tăng thêm 3.927 người so với năm học 2014-2015), trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ là 13.598 người (tăng 3.174 người) chiếm 19,54%.

Các năm học từ 2016 đến 2018, số lượng giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học là 72.792 người (công lập: 57.634 người, ngoài công lập: 15.158 người), tăng 3.201 người so với năm 2015-2016.

Trong đó, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 người (chiếm 22,7%).

Số lượng tiến sĩ qua các năm. Đồ hoạ: Lê Văn

Tỉ lệ này còn chưa đạt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 14 của Chính phủ về Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 (mục tiêu đến năm 2020, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ít nhất đạt 35%).

Theo đề án để đạt được mục tiêu 30% giảng viên có trình độ tiến sĩ vào năm 2030 thì số lượng giảng viên cần đào tạo tiến sĩ khoảng 10.757, 17.089, và 27.316 người tương ứng với tỷ lệ sinh viên/giảng viên là 25, 20 và 15 (giả thiết số sinh viên không tăng). Với số lượng trên, một năm cần đào tạo khoảng từ 1.000 - 3.000 tiến sĩ.

Còn theo khảo sát các cơ sở đào tạo, nhu cầu phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ giai đoạn 2018-2025 là 21.404 người ở đào tạo trong nước, đào tạo ở nước ngoài là 14.468 người.

Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận thực trạng đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Tính đến thời điểm hiện tại (2017), toàn quốc đang triển khai 984 lượt ngành đào tạo trình độ tiến sĩ tại 158 cơ sở.

Trong 3 năm 2013-2015, có 3.311 nghiên cứu sinh tốt nghiệp, trong đó có 71 người nước ngoài.

Tính bình quân, mỗi năm cả nước đào tạo được khoảng hơn 1.000 tiến sĩ.

Tuy nhiên, trong số này giảng viên các trường đại học, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 1/3.

Về ngành nghề đào tạo, qua khảo sát cho thấy có sự mất cân đối về ngành nghề, số lượng tiến sĩ đào tạo thuộc khối ngành Quản lý kinh tế, Tài chính ngân hàng, Kế toán... vẫn chiếm đa số.

Khối ngành khoa học kỹ thuật, đặc biệt ngành khoa học mũi nhọn tỷ lệ đào tạo rất thấp và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được thực tiễn, thậm chí nhiều ngành nghề gần như không đào tạo được tiến sĩ nào trong nhiều năm qua.

5.000 NCS sẽ được cử sang nước ngoài làm tiến sĩ theo nội dung đề án mới. Đây là phần chiếm nhiều kinh phí nhất. Các NCS sẽ được cử đi học tại 14 quốc gia chủ yếu kà những nước có chất lượng giáo dục hàng đầu như Anh, Canada, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…Trong số này, dự kiến nhiều nhất là Pháp 900 NCS, Australia, Đức 700 NCS, các quốc gia như Nhật Bản, New Zealand, Anh… 400 NCS. Đồ hoạ: Lê Văn

Trong khi đó, các các chương trình học bổng có sử dụng ngân sách nhà nước của các bộ ngành chỉ đào tạo một số lượng rất nhỏ giảng viên trình độ trình độ tiến sĩ tại nước ngoài và chủ yếu đều đã dừng tuyển sinh.

Chẳng hạn Đề án 322 đào tạo được 2.256 tiến sĩ chỉ có 1.300 tiến sĩ là giảng viên.

Chương trình Công nghệ sinh học và Thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử được 168 người đi học tiến sĩ chỉ có 70 người là giảng viên.

Đề án 911 là đề án duy nhất đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 với mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ thì trong 5 năm triển khai từ 2012-2016, mới đào tạo 3.819 NCS (sau khi đã trừ số bỏ học).

Trong đó có 800 NCS đã tốt nghiệp trở về nước công tác tại các trường đại học, cao đẳng.

Đề án không đạt được mục tiêu đặt ra. Từ năm 2018, Đề án 911 dừng tuyển sinh.

Từ thực tế nhu cầu này, Bộ GD-ĐT đã kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng đề án thay thế Đề án 911.

Đó là đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”, hiện đang được gửi tới các bộ, ngành và các trường để lấy ý kiến đóng góp.

Một trong những trọng tâm của đề án là đào tạo bổ sung 7.500 tiến sĩ, thu hút 1.500 tiến sĩ ở nước ngoài về môi trường đào tạo sư phạm.

Phần lớn kinh phí của đề án mới được từ phần kinh phí còn lại của Đề án 911 (Chính phủ phê duyệt năm 2010 với tổng kinh phí 14.000 tỷ đồng).

Từ 2012-2016, Đề án 911 đã sử dụng 1.534 tỷ đồng; dự kiến còn phải chi đến khi NCS kết thúc khóa học là 1.645 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí phải chi cho Đề án 911 là 3.180 tỉ đồng. Số tiền còn lại là 10.820 tỉ.

Lê Văn