- Hiệu trưởng một số trường THCS cho rằng, khi thực hiện Thông tư 30 đã xảy ra tình trạng “lạm phát” học sinh giỏi. Do đó, ở nhiều THCS, việc chọn lựa học sinh giỏi thật giữa một rừng học sinh giỏi là điều không dễ.

Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1 cho biết, các năm trước theo chỉ đạo của UBND quận ngoài tuyển sinh đúng tuyến, trường đều dành suất trái tuyến cho học sinh học giỏi có nhu cầu muốn học ở trường. Hội đồng tuyển sinh sẽ xem xét nguyện vọng của các em sau đó lựa chọn. 

Tuy nhiên, hai năm nay cấp tiểu học thực hiện theo Thông tư 30, có quá nhiều học sinh giỏi. Trường là điểm chọn của nhiều học sinh nên rất khó khăn.

{keywords}
Ảnh: Lê Huyền

Vị hiệu trưởng này cũng cho biết, theo quy định tất cả các học sinh hoàn thành cấp tiểu học đều được phân bổ theo tuyến học. Có nghĩa, các em có đủ chỗ học THCS, được đảm bảo cơ sở vật chất, đảm bảo môi trường học tập. Nhưng xuất phát từ nhu cầu, nhiều trường có chất lượng cao hơn. Những học sinh có nguyện vọng vào trường này, hội đồng tuyển sinh trường phải xem xét kĩ lưỡng vì chắc chắn lượng học sinh giỏi  cấp tiểu học sẽ rất cao.

Trong khi đó, hiệu trưởng THCS quận 3 chia sẻ rằng, tuyển sinh đầu cấp năm nào cũng có những lo lắng riêng, vì mỗi lần đổi mới đều gây áp lực cho các nhà giáo. Theo quy định các trường nhận học sinh rồi mới đánh giá sau nên chất lượng không thể đánh giá trước thực chất các em như thế nào.

“Hiện tại cấp tiểu học không đánh giá điểm. Giáo viên cấp 2 nhận hồ sơ đầu năm không đánh giá được chất lượng thực sự như thế nào. Vì khi đánh giá chất lượng học sinh đạt và chưa đạt ngay cả cấp 2 nếu đánh giá cũng đều đánh giá “đạt”.  Hơn nữa học cấp 1 không nặng nề, tỷ lệ học sinh giỏi cấp 1 rất nhiều. Để chọn học sinh giỏi thật giữa một rừng học sinh giỏi, chắc chắn không dễ” – cô nói

Tiêu chí nào chọn học sinh trường điểm

Theo quy định nghiêm cấm tổ chức thi tuyển lớp 6 và không được trái tuyến. Nhưng hiện tại một số trường cũng được vưu ái nhận học trái tuyến nếu học giỏi.

Các năm trước Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM) xét tuyển trái truyến với yêu cầu học sinh đạt tổng điểm kiểm tra học kỳ cuối năm lớp 5 hai môn Toán, tiếng Việt đạt từ 20 điểm, xếp loại học lực 4 năm liền đạt học sinh giỏi. Mặc dù số lượng này bị khống chế trong khoảng vài chục học sinh.

Riêng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) tuyển trái tuyến theo cách chọn những học sinh được trường tiểu học trực thuộc quận quản lý, chọn 10% tổng số học sinh mỗi trường theo thứ tự: học bạ học sinh giỏi 04 năm liền, điểm kiểm tra định kỳ cuối học kỳ 2 môn tiếng Việt, Toán đạt 10 điểm mỗi môn và ưu tiên học sinh có các danh hiệu cấp quốc gia.

Khi bị cấm thi tuyển, hai năm nay việc tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thực hiện tuyển với hình thức khảo sát năng lực bằng tiếng Anh. Việc khảo sát bằng tiếng Anh được xem là phương tiện, công cụ đo lường năng lực tiếng Anh, đánh giá năng lực tư duy logic, phán đoán, suy luận sự và sáng tạo của thí sinh.

Học sinh làm bài khảo sát có 2 phần trắc nghiệm gồm 30 câu hỏi và phần tự luận gồm 10 câu hỏi làm. Nội dung các câu hỏi liên quan đến các kiến thức lịch sử, toán, khoa học, địa lý. Nhưng một yêu cầu đưa ra là học sinh nộp hồ sơ dự khảo sát phải có điểm kiểm tra định kỳ cuối năm các môn tiếng Việt, Toán đạt từ 9 điểm trở lên. Năm ngoái, có 600/4440 học sinh được lựa chọn.

Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) cho biết, ngoài việc nhận học sinh đúng tuyến theo quy định. Nhà trường dự định với học sinh trái tuyến sẽ tổ chức thi tuyển. 

Nhà trường có lớp có những tiêu chí cao hơn. Học sinh nào cảm thấy đủ khả năng học có thể dự thi vào lớp đó. Như vậy nếu học sinh vào không theo được, chắc chắn phải rời bỏ là điều đương nhiên.

Trong khi đó, một hiệu trưởng ở quận 1 khẳng định chắc chắn phải có thi tuyển. Nhưng thi như thế nào phải được hội đồng quyết định. Ngoài ra cũng căn cứ vào tiêu chí phụ khác.

  • Lê Huyền

XEM THÊM: