Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, đến nay ngành nông nghiệp đã triển khai tổ chức đào tạo được trên 2,3 triệu lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp (giai đoạn 2016-2019 đã đào tạo 1,15 - 1,4 triệu lao động, đạt 82% so với mục tiêu; còn 250.000 lao động đến năm 2020 sẽ hoàn thành đào tạo).

Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương tổ chức đào tạo cho lao động trong các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng nguyên liệu, có liên kết sản xuất với doanh nghiệp; các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực của địa phương, sản xuất an toàn thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Kết quả là đã tạo chuyển biến cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, giúp nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nâng cao thu nhập đạt trên 90%.

{keywords}
Nông dân sau khi học nghề đã áp dụng được kỹ năng mới vào sản xuất. Ảnh minh họa.

Nông dân sau khi học nghề nông nghiệp đã áp dụng được kỹ năng mới vào sản xuất. Nhiều lao động sau học nghề đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập gấp 3 - 4 lần trước đây. Giá trị sản xuất tăng từ 83 triệu đồng/ha (2015) lên 90,1 triệu đồng/ha (2018). Năng suất lao động tăng 3,5 - 4%/năm. Nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm từ 80% (2015) lên đến 90% (2018).

Mới đây, tại “Hội thảo Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, giai đoạn sau 2020 đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng là thời cơ cho công tác đào tạo lao động nông nghiệp.

Đó là yêu cầu nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; đào tạo chuyển đổi cho lực lượng lao động dư thừa trong thời kỳ cách mạng 4.0; hướng đến chuẩn quốc tế trong công tác đào tạo... Chính vì thế, chúng ta cần xác định tư duy mới trong đào tạo nghề nông nghiệp:

Trước nhất, phải nâng cao nhận thức và tay nghề cho người lao động nông thôn, đảm bảo bù đắp sức lao động họ bỏ ra; đa dạng hóa nội dung và hình thức đào tạo nhằm tiếp cận kịp thời thị trường lao động; tạo nền tảng vững chắc cho lao động nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi nghề phi nông nghiệp và nâng cao năng lực sản xuất ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề phải đa dạng, đa hình thức, gắn với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, HTX và người lao động nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Các địa phương phối hợp với các trường đào tạo thực hiện định hướng theo tỷ lệ 50% đào tạo cho lao động làm trong vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp, 20% đào tạo cho lao động trong các hợp tác xã và trang trại, 30% đào tạo cho an sinh xã hội nông thôn.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo ra sự thu hút với các doanh nghiệp, giới trẻ về đào tạo lao động nông thôn. Chức năng quản lý nhà nước phải được sớm hoàn thiện sao cho vừa phát huy được vai trò của các tổ chức tham gia nhưng không làm mất đi vai trò của Nhà nước, đáp ứng mục tiêu xã hội hóa công tác đào tạo nghề.

Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cần bám sát nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2030 ở địa phương, vùng miền để hoạch định cơ cấu nghề, chương trình, nội dung đào tạo nghề cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề của các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình xã viên, nông dân nghèo trong cả nước.

Hệ thống các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và các chính sách khác như tín dụng, đất đai, hỗ trợ hạ tầng, thương mại hóa sản phẩm cần phải được điều chỉnh một cách đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau nhằm phát huy tốt đa hiệu quả đào tạo nghề, giúp cho người học áp dụng tốt nhất kiến thức học được vào sản xuất kinh doanh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho bản thân.

Đào tạo chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn phải theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, giúp nông dân thực sự trở thành người làm chủ trong sản xuất nông nghiệp; Rút dần lao động nông nghiệp chuyển đổi sang công nghiệp dịch vụ; Dành tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu nghề cho các nội dung đào tạo về kỹ năng sử dụng máy móc cơ giới hóa đồng ruộng, chế biến nông sản, công nghệ 4.0, nghề quản lý trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã, kế toán trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài ra, phải củng cố và nâng cao vai trò trách nhiệm và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giúp cho các địa phương nhất là cấp tỉnh và huyện chủ động trong xây dựng kế hoạch, đánh giá nhu cầu học nghề ở địa phương và tổ chức các khóa đào tạo tại chỗ; Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên cơ sở khẳng định vai trò của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội ngành nghề nông thôn trong việc tham gia vào quá trình từ xây dựng kế hoạch mở lớp đào tạo nghề, biên soạn giáo trình, triển khai đào tạo đến tiếp nhận học viên sau đào tạo; Khuyến khích thanh niên, nông dân trẻ ở nông thôn, những người mới lập nghiệp thành lập trang trại, doanh nghiệp mới tham gia các khóa đào tạo và có cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hiệu quả đối với những đối tượng này.

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với thị trường xuất khẩu lao động để người dân tham gia tích cực, chủ động với vai trò là trung tâm của quá trình chuyển đổi sản xuất và sinh kế, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế vùng.