Từ khi triển khai Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ 2 mô hình điểm (tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai là nghề Trồng lúa giống do Trung tâm Dịch vụ và Chuyển giao Công nghệ- Trường ĐH Cần Thơ đào tạo và nghề May Công nghiệp do Trường Trung cấp nghề Thới Lai giảng dạy) năm 2010, đến nay Cần Thơ đã xây dựng mới và nhân rộng được 62 mô hình, số mô hình được duy trì và xây dựng mới là 45, trong đó các mô hình đạt hiệu quả cao là 30.

{keywords}
Nhiều mô hình đào tạo nghề cho lao động nông hiệu quả ở Cần Thơ. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã Hội TP Cần Thơ, các mô hình thí điểm sau một thời gian triển khai đã cho kết quả rõ rệt. Trong đó nổi bật nhất là các mô hình đào tạo nghề giải quyết việc làm tại chỗ với hình thức gia công sản phẩm như: May Công nghiệp, May gia dụng, Đan đát; Đan dây nhựa, Đan lục bình; các nhóm nghề nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất lúa giống; các nghề giải quyết việc làm theo hình thức hợp đồng 3 bên giữa cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp và địa phương như nề, hàn, tiện, sửa xe gắn máy,...

Đặc biệt, nhiều mô hình đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho người dân tại địa phương có việc làm và ổn định cuộc sống. Ví dụ như: mô hình Đan dây nhựa, Đan đát, Chằm nón; mô hình đào tạo nghề Hàn ở quận Ô Môn (đào tạo theo đơn đặt hàng của công ty Lilama sau khi đào tạo, giải quyết việc làm tại Nhà máy nhiệt điện Ô Môn); mô hình đào tạo nghề May Công nghiệp cung cấp lao động cho nhà máy may Vinatex Cần Thơ đặt tại huyện Vĩnh Thạnh; mô hình dạy nghề - gia công cách làm thiết bị điện xe gắn máy của Công ty TNHH sản xuất dịch vụ Sài Gòn IDC và Trường trung cấp nghề Thới Lai; mô hình May công nghiệp kết hợp với Công ty Bitis tại quận Bình Thủy; mô hình đào tạo nghề May giày da cung ứng lao động cho Công ty Teakwang Vina tại quận Cái Răng; mô hình dạy nghề - gia công Đan sọt trồng hoa kiểng tại huyện Phong Điền,... và mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại khu dân cư vượt lũ, mô hình Đan lục bình gắn với giải quyết việc làm cho người dân tộc Khmer tại huyện Cờ Đỏ.

Giải quyết việc làm cho lượng lớn người lao động

Theo ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương Bình và Xã hội TP Cần Thơ cho rằng, công tác xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm có nhiều kết quả tích cực, nâng cao mức sống của người lao động.

Đặc biệt là các mô hình người lao động được bao tiêu đảm bảo đầu ra sản phẩm, giúp họ yên tâm trong lao động sản xuất, tranh thủ thời gian nhàn rỗi để gia công sản phẩm; các mô hình liên kết với doanh nghiệp để đào tạo và nhận vào làm tại doanh nghiệp sau khi học xong chương trình; một số mô hình nông nghiệp giúp người lao động tự tạo việc làm và cung cấp sản phẩm cho nhu cầu của địa phương... các mô hình đều được duy trì từ khi xây dựng thành lập đến nay.

Các kết quả này góp phần giải quyết việc làm cho số lượng lớn người lao động trong độ tuổi lao động, từ đó cho thấy hiệu quả của Đề án 1956 đã được thể hiện rõ rệt và ngày càng được nâng cao trong thực hiện phát huy các mô hình sau học nghề.

Các địa phương có tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề năm 2018 cao như quận Ô Môn (85,2%), quận Cái Răng (98%), huyện Thới Lai (89%), huyện Phong Điền (85%), huyện Vĩnh Thạnh (96%). Theo đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn thành phố tăng khá nhanh qua các năm: năm 2011 là 73,3%, năm 2014 là 74,38%, và năm 2016 là 78,4%, năm 2018 là 81,82%. Mặt khác, qua học nghề đã giúp nông dân tiếp cận với các ngành nghề mới, thêm cơ hội có việc làm, tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên vẫn còn một số mô hình đào tạo gắn với giải quyết việc làm đã được xây dựng nhưng chưa được duy trì do không tìm được đầu ra cho các sản phẩm, hoặc vào làm việc tại doanh nghiệp nhưng mức lương không ổn định.
Một số địa phương xã, phường còn hạn chế trong việc định hướng các ngành nghề mũi nhọn nên chưa xây dựng được các mô hình điểm. Còn một số mô hình dạy nghề chỉ tự tạo việc làm, dẫn đến mức sống của người lao động đôi lúc còn bấp bênh, lệ thuộc vào thời vụ.

Song, nhìn chung những mô hình đào tạo nghề này đã tạo điều kiện cho người dân tại địa phương có việc làm và ổn định cuộc sống.

Hải Nguyên

Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2020 ít nhất 20% học sinh tốt nghiệp THCS học nghề

Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2020 ít nhất 20% học sinh tốt nghiệp THCS học nghề

- Đó là mục tiêu đặt ra ở Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn do UBND TP Đà Nẵng ban hành.