Người dân Hải Ninh quanh năm gắn bó với biển. Nhiều em nhỏ mới học lớp 1 lớp 2 đã biết đi thuyền phụ giúp bố trong việc đánh bắt, nên việc các em lớn hơn nghỉ học ở nhà đi biển là dễ hiểu ở địa phương này.

Ngày khai giảng năm học mới đang đến gần, trong khi bạn bè cùng trang lứa chuẩn bị cặp sách để đến trường thì hàng chục em học sinh ở xã bãi ngang Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình lại chuẩn bị hành trang để sẵn sàng cho những chuyến biển hoặc lên thành phố làm thuê.

Thực trạng này đã diễn ra rất nhiều năm nay. Mặc dù với sự nỗ lực của địa phương, con số bỏ học giữa chừng hàng năm có giảm nhưng đây vẫn là một trong những địa phương có số lượng học sinh đăng ký vào bậc trung học phổ thông rất thấp.

{keywords}

Em Nguyễn Xuân Ninh cho biết, cả thôn em có 10 học sinh nam tốt nghiệp THCS thì tất cả đều nghỉ học để đi biển

Học xong lớp 9, em Nguyễn Xuân Ninh, ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh đã không đăng ký vào cấp 3 mà lên thành phố xin vào các tàu cá lớn để đi biển. Đến nay, Ninh đã đi làm được 3 tháng.

Về lí do bỏ học, Ninh cho biết: “Lực học của em không khá, hơn nữa sau em còn có 2 đứa em đang học nên em đi biển kiếm tiền phụ giúp ba mẹ nuôi các em. Mà có học cao lên nữa, sau này rồi cũng quay về với nghề đi biển”. 

“Lớp em có 31 bạn nhưng chỉ có một nửa trong số đó đăng kí học tiếp THPT nhưng cũng chủ yếu là con gái. Riêng ở thôn Tân Định có khoảng 30 bạn học xong THCS, trong đó 10 bạn nam học hết lớp 9 đều nghỉ học. Con gái 20 bạn thì khoảng 10 bạn đi học, số còn lại ở nhà hoặc ra thành phố làm thuê”, Ninh nói thêm.

Cũng như Ninh, em Nguyễn Văn Hiệp, ở thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh học hết lớp 9 thì ở nhà đi biển kiếm sống. Theo Hiệp chia sẻ, em dự tính tương lai sẽ theo nghề đi biển, giờ có học hết cấp 3 sau này cũng về đi biển nên em quyết định nghỉ học từ bây giờ.

Trong khi đó, có một số em vẫn muốn tiếp tục được đi học nhưng vì nhiều lí do đã làm lỡ việc học của các em.

Đó là trường hợp của em Mai Thị Mận ở thôn Tân Định. Tốt nghiệp THCS, thấy bạn bè nhiều người đăng ký vào học tại trường trung cấp nghề nên Mận cũng đăng ký, nộp hồ sơ vào đó. Khi sắp bước vào năm học mới, mẹ Mận bảo có người nói học trường nghề xong không lấy được bằng tốt nghiệp nên cấm không cho Mận học trường này nữa.

{keywords}

Nhiều em nhỏ ở Hải Ninh đi biển cùng bố

Mận muốn tiếp tục đi học nên đến trường nghề xin rút hồ sơ để nộp vào trường THPT. Do vướng mắc trong thủ tục rút hồ sơ, học bạ, hạn đăng ký nhập học tại các trường THPT đã hết, rốt cuộc Mận bị lỡ mất chuyện học hành. Khi được hỏinăm nay muộn học rồi năm sau Mận có ý định học lại không, thì em trả lời dứt khoát “Không”. “Em sẽ nghỉ học luôn, ở nhà phụ giúp mẹ, còn đi đâu, sau này làm gì thì sẽ tính tiếp”.

Theo thống kê của Hội Khuyến học xã Hải Ninh, năm học 2016 - 2017, địa phương này có 115 em tốt nghiệp bậc THCS, nhưng số lượng hồ sơ đăng ký vào THPT và trường nghề năm học 2017 - 2018 là 88 em. Tuy nhiên, đây chỉ là số lượng hồ sơ đăng ký, còn trên thực tế, còn rất nhiều em có nộp hồ sơ nhưng không có ý định đi học.

Những năm trước đây, nhiều học sinh đang học lớp 6, lớp 7 thì bỏ học giữa chừng để đi biển mưu sinh. Bây giờ, tình trạng bỏ học giữa chừng cũng đã giảm dần, tuy nhiên số học sinh học bậc trung học phổ thông vẫn rất thấp.

Ông Hoàng Văn Than, Hội trưởng Hội khuyến học xã Hải Ninh cho biết: “Cứ học xong lớp 9 là rất nhiều em nghỉ học, nam thì ở nhà đi biển, nữ thì đi vào miền nam làm thuê hoặc lên thành phố làm giúp việc. Đầu năm học mới nào, chúng tôi cũng phải đi vận động học sinh đến trường rất vất vả. Tuy nhiên, số lượng học sinh nghỉ học vẫn rất cao”.

Hải Sâm