- Cấu trúc đề thi không gây bất ngờ, nhưng đề thi Ngữ văn năm nay tốt hơn hẳn về những yêu cầu: phân hóa, kiểm tra được kiến thức, kỹ năng mà vẫn giữ được đặc trưng môn học, không sa vào giáo điều.

Nhìn tổng thể, đây là một đề thi hay, hơn hẳn đề thi năm trước đó.

Nhiều giáo viên dạy văn tại các trường THPT đã trao đổi với VietNamNet như vậy về đề thi THPT quốc gia năm 2018 môn Ngữ văn.

Trong khi đó, kết thúc giờ làm bài, nhiều học sinh cho biết, các em bị lệch tủ, thuộc diện "khá khó và vấn đề quá trừu tượng" đối với học sinh không học chuyên văn.

Một đề thi hay

Cô Trịnh Thị Thanh, giáo viên Trường THPT Chuyên Bà Rịa - Vũng Tàu nhận xét: Đề thi có tính phân hóa cao, gần gũi mà không mòn cũ, kiểm tra được được kiến thức kĩ năng mà vẫn giữ được đặc trưng bộ môn, không bị "giáo dục công dân hóa". Đề thi tạo được hứng thú cho học trò vì góc nhìn chân thực, mang tính phản biện, không giáo điều, từ chương. Câu nghị luận xã hội không đánh đố, có tính định hướng tốt, vấn đề bao quát, chạm đến lẽ sống muôn đời nhưng vẫn gợi được tính thời đại, thời sự, không bị gò ép.

Bên cạnh đó, Ngữ liệu của đề không có trong sách giáo khoa, được lựa chọn khá hay, thú vị hấp dẫn, cách triển khai ngữ liệu hợp lý.

 Clip thí sinh nhận xét về đề thi môn Ngữ văn sau buổi thi sáng 25/6

 

Cô giáo Bùi Thu Hằng, tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn (Trường THPT Việt Đức, Hà Nội) cho rằng, câu trúc đề thi bám sát đề thi tham khảo Bộ GD-ĐT đã công bố.

Phân tích kỹ hơn, cô Hằng thấy: Phần Đọc hiểu đảm bảo các yêu cầu nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Nội dung "đánh thức tiềm lực" đất nước gần như xuyên suốt yêu cầu của đề văn, trừ câu 2 phần nghị luận văn học. Đây là vấn đề rất sâu sắc, mới mẻ, với học sinh thì ngay bản thân vấn đề đưa ra với các em đã có tính phân loại. Vấn đề tiềm lực nói ở đây không chỉ chỉ là vật chất như khoáng sản, châu báu, rừng đại ngàn, phù sa… mà còn là vấn đề tiềm lực con người, tiềm lực trí tuệ.

"Tôi ấn tượng với câu hỏi số 4 phần Đọc hiểu và câu số 1 phần Làm văn. Đây là 2 câu hỏi có tính phân hóa rất rõ, đòi hỏi chính kiến, quan điểm học sinh rất rõ ràng, suy nghĩ sâu sắc mới có thể trả lời tốt câu hỏi này".

Thầy Phan Trắc Thúc Định, giáo viênTrường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) đánh giá, câu nghị luận văn học nhìn qua thì khá gọn gàng, rõ ràng, mạch lạc. “Tuy nhiên theo như đánh giá của tôi thì khá dài, yêu cầu học sinh phải tổng hợp kiến thức rất rõ của 2 bài lớp 11 và 12. Đặc biệt đề yêu cầu học sinh vận dụng các thao tác rất rõ như phân tích; so sánh; bàn luận nhận xét đánh giá vấn đề. Nếu học sinh chủ động được kiến thức và bám sát thao tác lập luận mới có thể đạt được điểm cao. Với đề thi này, tôi cho phổ điểm môn Văn sẽ không cao hơn năm trước”.

Cô Phạm Thị Thu Phương - giáo viên Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội – nhận xét, vấn đề “đánh thức tiềm lực” đất nước khá gần gũi và thiết thực với học sinh, khơi gợi được trách nhiệm xã hội của người viết.

Cô Phương cho rằng, phổ điểm môn Ngữ văn sẽ ở mức 6-7 điểm, số học sinh đạt điểm 8 trở lên sẽ không nhiều như năm trước.

“Nhìn chung với đề bài này, học sinh muốn làm tốt không chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản, thành thạo kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận văn học mà còn cần phải tư duy tổng hợp để bài viết chính xác và phong phú”.

Cô Nguyễn Thúy Anh, giáo viên dạy Văn Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, thí sinh đạt điểm cao phải là những người có kiến thức văn học sâu và rộng về tác phẩm, tác giả, trào lưu văn học trong chương trình lớp 11 và 12.

Nhiều học sinh bị... lệch tủ

Phương Anh (học sinh Trường THPT Lê Qúy Đôn, Hà Nội) cho biết, tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” đã được ra trong đề thi cách đây 3 năm, nên phần lớn các em nghĩ năm nay sẽ không xuất hiện.

Đề ra hay và khiến học sinh bất ngờ. Ở tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa", bọn em nghĩ sẽ hỏi về hình ảnh người đàn bà, chứ không phải là sự đối lập. Sự đối lập thì hơi khó để viết”.

Phương Anh đăng ký xét tuyển đại học khối D và em dự đoán mình đạt khoảng 7 điểm môn văn.

Mai Phương (học sinh Trường THPT Quang Trung, Hà Nội) cho rằng đề năm nay không khó nhưng hơi dài so với thời lượng 120 phút. Em cho rằng, đề này cần phải làm trong 180 phút.

“Đề năm nay rất ‘ú òa’ vì bọn em không nghĩ là sẽ vào 2 tác phẩm này. Bọn em gần như là bỏ hết, không ôn nhưng may là tác phẩm khá dễ nên em cũng làm được”.

“Năm nay, bọn em đồn với nhau là  đề thi sẽ rơi vào tác phẩm Vợ chồng A PhủSông Hương vì 2 tác phẩm này khá kinh điển và lâu lắm rồi chưa có. Chiếc thuyền ngoài xa’ vài năm trước đã vào rồi nên không nghĩ là năm nay lại vào tiếp nữa. Nếu với thời lượng 180 phút làm đề này sẽ dễ hơn”.

Mai Phương dự đoán em đạt khoảng 7-7,5 điểm.

{keywords}
Đề thi THPT quốc gia 2018 môn Ngữ văn

 

Cùng chia sẻ với các bạn là “lệch tủ” nhưng Thu Trang – nữ sinh Trường THPT Bắc Hà, Hà Nội cho biết em làm khá ổn, dự đoán đạt khoảng 7,5 điểm. “Đề bài có khó hơn các đề thi thử một chút” – em nói.

Tại điểm thi Trường THPT Marie Curie (Q.3, TPHCM), các ‘tử sĩ” đã có những chia sẻ rất thú vị quanh câu hỏi “Đề thi Ngữ văn THPT quốc gia khó hay dễ?". 

Thí sinh Nguyễn Hữu Ngân Quỳnh cho hay, đề phân bố khá đều và không hỏi những câu hóc búa ngay từ đầu mà chỉ hỏi những câu rất sát. 

“Đề tự luận năm nay đề cập ý thức của thanh thiếu niên - một vấn đề có tính thực tiễn cao. Như vậy, các câu hỏi có logic với nhau tạo thành một chuổi giúp thí sinh đễ dàng triển khai đề tài”- Ngân Quỳnh chia sẻ.

Thí sinh Ngân Nga chia sẻ thêm, câu hỏi mở, khơi gợi được thí sinh. Nữ sinh này cũng cho rằng đây là một dạng đề ra mới lạ so với các kỳ thi trước, không khuyến khích “học tủ”.

Tuy nhiên, theo Ngân Nga, do đề tài mở nên khả năng đạt điểm cao rất khó vì phụ thuộc rất lớn vào cách chấm điểm người chấm thi.

Trong khi đó, thí sinh Gia Phát cho rằng đề thi Ngữ văn năm nay khá khó và vấn đề quá trừu tượng đối với  học sinh không học chuyên văn.

Cùng suy nghĩ, nữ sinh Minh Phương cho biết hoàn thành được 80% bài dự thi. “Đề tương đối khó với câu hỏi mở. Thí sinh phải có kiến thức rộng mới có nhều ý để diễn đạt, làm tốt bài thi. Đặc biệt khó nhất là phần Đọc hiểu với vấn đề “tiềm lực” khá rộng và bao quát” - Minh Phương nhận xét. 

 

Ra đề sáng tạo, tránh được "văn mẫu"

Đề thi môn Ngữ văn sáng tạo, mạnh dạn, vừa sức học sinh tốt nghiệp, lại vừa có thể phân loại được thí sinh xét tuyển đại học. Trọng tâm để hỏi đều là những vấn đề quan trọng, xứng tầm.

Cấu trúc đề khá quen thuộc với thí sinh nhiều năm nay, đồng thời cũng giống như đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố, phù hợp với thời lượng làm bài 120 phút.

Đề thi đã biết kết hợp Phần 1 với câu 1 phần 2 khiến cho thí sinh không bị phân tâm. Cách làm này so với những đề trước kia tách ra thành 2 phần riêng biệt có thể nói là sáng tạo và hay.

"Đánh thức tiềm lực" là bài thơ nổi tiếng được làm vào giai đoạn cuối của thời bao cấp (khoảng 1980-1982), tặng Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc bấy giờ đang làm Bí thư Thành ủy TP.HCM ược phân công đi làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Bài thơ được biết đến như một tác phẩm góp phần thúc đẩy quá trình Đổi mới của đất nước. Ngôn từ của bài thơ dễ hiểu, 4 câu hỏi khá dễ, nếu thí sinh cẩn thận thì có thể có điểm tuyệt đối.

Ở phần Làm văn, câu 1 dùng luôn vấn đề của trích đoạn Đọc hiểu để làm đề nghị luận xã hội theo dạng trả lời câu hỏi ngắn. Vấn để đánh thức tiềm lực đất nước, bao gồm cả tiềm lực tự nhiên và tiềm lực con người là vấn đề quan trọng, vừa có tính lâu dài, lại vừa có tính thời sự.

Nghị luận xã hội như thế tránh được chuyện sa vào những vấn đề thời sự trước mắt như đề một vài năm trước. Đề không khó, vừa sức thí sinh, khuyến khích các em quan tâm vào những vấn đề lớn của đất nước. Thí sinh có thể viết dài hơn 200 từ, nếu viết hay vẫn có thể có điểm tuyệt đối.

Câu 2 tuy là văn chương, nhưng cũng có khuynh hướng xã hội là vấn đề bạo lực trong gia đình và chủ nghĩa hiện thực trong sáng tác văn học. Nếu chỉ phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu hay Hai đứa trẻ của Thạch Lam thì khá dễ và rất dễ sa vào văn mẫu. Nhưng ở đây, yêu cầu thí sinh so sánh hai tác phẩm và nhận xét về cách nhìn hiện thực thì không dễ chút nào. Học sinh trung bình thường khó làm được tốt, trong khi học sinh khá giỏi có "đất diễn". Vì vậy câu này vừa tránh được văn mẫu, vừa hay, lại vừa có tác dụng phân loại trình độ học sinh.

PGS.TS. Đoàn Lê Giang (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM)

 

BAN GIÁO DỤC