- Năm 2016 là lần đầu tiên trong lịch sử mà các trường y-dược “ế ẩm” ngành Y đa khoa khi không tuyển đủ chỉ tiêu đợt 1 và phải nghĩ tới việc phải xét tuyển bổ sung nguyện vọng 2.

Năm nay điều “kỳ lạ” đã xảy ra khi hết thời gian nhập học đợt 1, số thí sinh xác nhận vào Trường ĐH Y Hà Nội chỉ đạt 71% chỉ tiêu toàn trường. Đặc biệt, ngành Y đa khoa vốn rất “hot”, thường đủ chỉ tiêu ngay đợt xét tuyển đầu tiên, thậm chí có những năm thí sinh trên 27 điểm vẫn trượt, thì năm nay còn thiếu tới 50 chỉ tiêu.

{keywords}

Năm 2016 là lần đầu tiên trong lịch sử mà các trường y “ế ẩm” ngành Y đa khoa khi không tuyển đủ chỉ tiêu đợt 1 và cũng là thực trạng chung của các ngành.


Ông Nguyễn Đức Hinh, hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận: Các trường y-dược và đặc biệt là ngành Y đa khoa có mức điểm cao nhất khối B; việc thông tin thiếu sẽ là quá mạo hiểm để đăng ký vào dù có các em rất muốn.

"Thông tin phải công bố để thí sinh chọn lựa, biết nên nộp vào đâu thì “có cửa”. Giống như khi đầu tư vào đâu thì phải có đầy đủ thông tin thì đầu tư mới chuẩn được".

Ông Hinh cho rằng khi mà số chỉ tiêu y- dược vẫn ở mức độ chưa đột biến, riêng Trường ĐH Y Hà Nội số chỉ tiêu gần như không thay đổi trong suốt 10 năm nay, việc xảy ra “đột biến” chỉ có thể do hệ thống chứ không thể từ phía người học.

Vị hiệu trưởng cũng bác bỏ hướng thí sinh giỏi “đổ” đi du học bởi đây nếu có cũng chỉ là số ít.

“Trường chúng tôi năm ngoái chỉ có 5 em không nhập học với lý do là đi du học nước ngoài thôi”, ông Hinh dẫn chứng.

TS Ngô Thanh Bình, Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y- Dược Thái Bình cũng chia sẻ, nhiều năm gần đây trường không phải xét tuyển bổ sung nguyện vọng 2 nhưng năm nay câu chuyện hoàn toàn khác.

Đồng quan điểm với ông Hinh, song ông Bình nghĩ đến hướng có thể năm nay thí sinh đăng ký 2 trường 2 khối khác nhau và rồi khi trúng tuyển lại chọn trường không phải khối B. Ngoài ra, hướng đi du học cũng là có thể. “Đấy có thể cũng là những nguyên nhân nhưng thực tế tôi cho lượng này khó mà nhiều được”, ông Bình nói.

TS Nguyễn Văn Khải, Trưởng phòng đào tạo Y- Dược Hải Phòng cho biết, sau đợt 1, số thí sinh đăng ký nhập học mới chỉ đạt hơn 65% số chỉ tiêu. Trong khi, năm ngoái chỉ gọi đợt 1, số thí sinh đã đạt gần 100% chỉ tiêu.

Nguyên nhân mà ông Khải nghĩ đến là việc Bộ cho thí sinh chọn quá nhiều nguyện vọng, cụ thể ở đây là hai trường.

“Nhưng khi đã nộp vào trường y-dược, nếu trúng tuyển thì đều là các em điểm cao. Như vậy gần như hầu hết các em đó sẽ trúng tuyển cả hai trường. Ví dụ như trường chúng tôi và Y Thái Bình gần như là phải chia sẻ người học với nhau. Nộp hai trường, vào trường này thì thôi trường kia. Do đó, mới gây ra tình trạng ảo”, ông Khải nói.

Với ngành Y đa khoa, trường này đã tính tuyển vượt 22% chỉ tiêu để trừ hao, nhưng vẫn thiếu.

Theo ông Khải, Bộ GDĐT có quy định là không được phép vượt chỉ tiêu nên các trường không dám liều. Cùng đó, nếu các trường mạnh dạn gọi vượt đến 80 hay 100% thì có thể đủ được chỉ tiêu. Tuy nhiên, lại đứng trước lo ngại về chất lượng ngành y.

“Với ngành khác thì không sao nhưng nhận thí sinh vào ngành Y với mức điểm dưới 24 thì bản thân chúng tôi cũng thấy áy náy. Bởi lấy thí sinh điểm thấp cũng không an tâm lắm cho việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Do đó, dù đủ hay không, sau nguyện vọng 2, chúng tôi có thể vẫn phải dừng ở một mức điểm để đảm bảo chất lượng”.

Về điều này, ông Nguyễn Đức Hinh cho rằng, với ngành Y, chất lượng đầu vào của nguồn tuyển là hết sức quan trọng và Trường ĐH Y Hà Nội cũng sẽ chấp nhận thiếu chỉ tiêu chứ không “phá” chuẩn.

“Đâu phải mức độ nào cũng tiếp thu kiến thức được như nhau. Người 20 điểm với người 25 điểm khác nhau nhiều lắm chứ. Tính theo cá nhân có thể có chuyện học tài thi phận nhưng xét trên bình diện đám đông thì điều này rất có ý nghĩa và chênh lệch là rõ rệt”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng nguyên nhân không hẳn do Bộ không cho phép các trường công khai diễn biến xét tuyển và siết quy định không cho tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký.

Theo ông Ga, năm ngoái khi thí sinh chỉ được phép đăng ký vào một trường duy nhất nên diễn biến đăng ký xét tuyển ở các trường là thông tin rất quan trọng để thí sinh tham khảo quyết định việc rút/nộp hồ sơ.

“Năm nay qui chế cho phép thí sinh được đăng ký 2 trường trong đợt 1 và 3 trường trong mỗi đợt xét tuyển bổ sung thì thông tin diễn biến xét tuyển ở từng trường không có giá trị tham khảo. Bởi các trường không biết thí sinh đăng ký thêm trường nào khác ngoài đăng ký vào trường mình. Vì vậy việc công bố thông tin diễn biến xét tuyển ở các trường không những không giúp ích gì cho thí sinh mà còn gây tâm lý hoang mang, lo lắng”, ông Ga lý giải.

Theo ông Ga, Bộ đã cung cấp cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký các nguyện vọng khác nhau để trường phân tích lựa chọn tỉ lệ dôi dư phù hợp. “Tỉ lệ này cao thấp phụ thuộc các trường. Có trường gọi dư 100% chỉ tiêu nhưng vẫn không tuyển đủ, có trường chỉ gọi dư khoảng 10% đã tuyển đủ rồi. Thực tế có nhiều trường đã phân tích dữ liệu rất tốt và đã đưa ra được quyết định hợp lý trong đợt 1 vừa qua”, ông Ga nói.

Thanh Hùng