Năm 2015, nhận kết quả trúng tuyển vào khoa Cơ điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, như bao tân sinh viên khác, Nguyễn Văn Quân (SN 1996, Hà Giang) vô cùng vui mừng.

Nhưng sau một kỳ học tại trường, qua lịch học phân bổ trong các năm tiếp theo, Quân cảm thấy so với mong muốn của anh, lượng lý thuyết nhiều, trong khi phần thực tế, thực hành lại hơi ít.

{keywords}
Nguyễn Văn Quân tại cuộc thi tay nghề thế giới

Chàng trai 9X quyết định gọi điện về cho bố mẹ xin phép được nghỉ học. Anh muốn về quê để có thời gian suy nghĩ lại về định hướng tương lai. Bố mẹ khuyên anh cố gắng tiếp tục học tập nhưng anh nói nếu không yêu thích, tốt nghiệp ĐH xong, anh rất khó xin việc.

"Nhiều phụ huynh nghe đến con đi học nghề là không thích do suy nghĩ chỉ có trượt đại học hay học kém mới đi học nghề. Nhưng tôi cho rằng để phát triển bản thân phải vững tay nghề. Gia đình mình không khá giả, không có nhiều mối quan hệ để dễ dàng xin việc thì mình phải có kỹ năng nghề vì vậy tôi xác định phải đi học nghề”, Quân phân tích. 

Để bố mẹ đồng ý anh đã phải thuyết phục, tác động rất nhiều. Quân tâm sự thêm, khi học cấp 3, anh chỉ suy nghĩ đơn giản, các bạn đỗ đại học mình cũng phải cố gắng vào giảng đường cho “bằng bạn bằng bè”.

Tôi thích học về điện, tự động hóa, hồi học Cấp 3 tôi cũng đạt giải sáng tạo trẻ cấp tỉnh với mô hình quét rác tự động. Sau nửa năm ở nhà suy nghĩ, năm sau, tôi quyết định nhập học trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội”, anh kể lại.

Tháng 8/2016, Quân nhập học. Tại trường, xem lịch học trong 3 năm có khá nhiều thời gian thực hành anh rất hào hứng.

70% thời gian học là thực hành. Học lý thuyết cũng ngay cạnh máy, sau lý thuyết, các sinh viên được sang thực hành ngay tại máy. Thiết bị được nhà trường nhập mới liên tục, các sinh viên có 1 buổi học tại trường, 1 buổi tự nghiên cứu… nên tôi rất hào hứng. Tôi nhận thấy đây là môi trường mình có thể phát triển được”.

Sang năm học thứ 2, Quân học môn học PLC. Đây là môn học khá mới mẻ với anh. Nhờ đam mê và yêu thích, anh đạt kết quả cao trong môn học này. Sau đó, thầy giáo chọn anh vào đội tuyển của khoa Cơ điện tử với vai trò lập trình viên.

Anh chuyển sang luyện tập để đi thi tay nghề. Tại kỳ thi của thành phố Hà Nội, kết quả không như mong đợi của anh.

Tất cả đều rất mới, tôi chưa có kinh nghiệm nên hiểu sai đề và lập trình có sai sót nên chỉ đạt giải Ba. Nhưng đây cũng là cơ hội để tôi rút kinh nghiệm. Vì vậy, sau 5 tháng ôn thi tiếp theo, tôi rất tự tin khi tham gia cuộc thi tay nghề quốc gia". Tại kỳ thi này, đội của anh (gòm 2 thành viên) đã đạt huy chương Bạc.

Suốt 3 ngày thi, các chuyên gia Hàn Quốc đã sang theo dõi. 6 thành viên của 3 đội tiếp tục phải trải qua một cuộc phỏng vấn với các chuyên gia này để chọn ra 1 đội duy nhất đi thi Tay nghề thế giới tại Nga.

Đội của Trường CĐ Cơ điện Hà Nội của Quân được chọn. Quân kể lại khi anh đặt câu hỏi tại sao chọn khi chúng tôi chỉ đạt Huy chương Bạc, chuyên gia Hàn Quốc đã trả lời rằng: “Chúng tôi không đánh giá qua giải các bạn vừa thi. Chúng tôi đánh giá qua năng lực thực tế của các bạn. Bạn không nên suy nghĩ về giải vừa qua nữa mà hãy nghĩ về Huy chương vàng cuộc thi tay nghề thế giới”.

Ngày 6/8/2018, Quân và đồng đội sang Hàn Quốc để đào tạo. Anh chia sẻ: “Ở Hàn Quốc, chúng tôi phải tuân thủ chế độ luyện tập rất khắc nghiệt. Theo quy định từ 6h sáng đến 7h tối, chúng tôi học. Sau đó, chúng tôi tự học đến khuya có hôm 2 - 3h sáng.

Thời gian đầu, tôi khá mệt mỏi, nhưng sau đó thấy mỗi ngày mình tự tạo ra một dây chuyền theo ý mình, được người khác đánh giá tốt, mình vui và có động lực hơn”.

Quân có thể ngồi lập trình liên tục 4, 5 tiếng đồng hồ. Sau khi ăn, anh lại quay lại với chiếc máy tính.

Nhờ được rèn luyện bài bản, kỹ lưỡng Quân đi thi với sự tự tin cao. Tại kỳ thi tay nghề thế giới, tốc độ làm bài của Quân và đồng đội khá tốt nhưng kết quả vẫn chưa làm anh hài lòng.

{keywords}
Nguyễn Văn Quân (ngoài cùng, bên phải) trong lễ tuyên dương Người thợ trẻ giỏi

Quân và đồng đội nhận được chứng chỉ tay nghề xuất sắc sau 3 ngày thi liên tục ở Liên bang Nga.

Hiện Quân đang hỗ trợ thầy giáo hướng dẫn các em khóa sau chuẩn bị cho kỳ thi tay nghề. Anh dự định sau khi tốt nghiệp có thể sẽ đầu quân cho một số công ty để học hỏi kinh nghiệm, sau đó có những kế hoạch riêng cho sự nghiệp của mình.

Với các bạn trẻ đang băn khoăn việc chọn nghề, Quân nhắn nhủ: “Các bạn nên nắm rõ năng lực và đam mê của mình, không nên đặt mục tiêu cao quá. Từ đó, các bạn chọn trường phù hợp với nguyện vọng của mình. Không vào được đại học, các bạn có thể học nghề, cơ hội việc làm không hề ít”.

Anh cũng nói thêm: “Nếu khi vào đại học, cảm thấy môi trường không phù hợp, các bạn nên thay đổi, để tránh lãng phí thời gian và tiền của. Nếu được lựa chọn lại, tôi sẽ đi học nghề ngay từ đầu”.

Lê Lan