Trong năm 2017, số lượng tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp là 2,2 triệu người, trong đó tuyển sinh trình độ CĐ, TC là 540 nghìn người, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,66 triệu người.

Hội nghị Đánh giá công tác tuyển sinh và thi tốt nghiệp năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017 do Tổng cục Dạy nghề tổ chức sáng ngày 31/3. Tại hội nghị, đại diện Trường CĐ Điện lực TP.HCM cho rằng việc tuyển sinh cao đẳng trước đây đã khó, bây giờ còn khó hơn vì chưa có quy chế phối hợp, phân luồng tuyển sinh giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ GD-ĐT

Từ ngày 1/4, học sinh lớp 12 sẽ nộp hồ sơ thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Nhưng hệ thống các trường cao đẳng và trung cấp không còn xuất hiện trong danh sách nguyện vọng trên hồ sơ của thí sinh, do không chung hệ thống xét tuyển với Bộ GD-ĐT nữa.

{keywords}
Sắp tới các trường nghề phải có 50% chương trình giảng dạy thực hành (hình mang tính chất minh họa)

Ông Trần Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường CĐ cộng đồng Vĩnh Long, tỏ ra lo lắng vì trong mùa cao điểm tuyển sinh mà thông tin tuyển sinh của các trường chưa đăng trên website của Bộ.

Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường CĐ cộng đồng Đồng Tháp, đặt câu hỏi nếu xét tuyển trung cấp từ các đối tượng tốt nghiệp THCS thì các em học văn hoá theo quy định của Bộ GD-ĐT hay quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và cấp bằng ra sao?

Đại diện Trường CĐ kinh tế Cần Thơ thắc mắc trong danh mục mã ngành vừa được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp không có mã ngành đã được Bộ GD-ĐT cho phép mở, thì các trường phải làm thế nào?...

Giải đáp những thắc mắc này, ông Đặng Xuân Thức, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, cho rằng theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, trình độ trung cấp được tuyển sinh tốt nghiệp THCS trở lên, vì vậy tùy theo ngành nghề các trường có thể tuyển học sinh đã THCS hoặc THPT. Tuy nhiên, sắp tới Cục sẽ gửi văn bản sang Bộ GD-ĐT để xin ý kiến về việc học sinh vừa học trung cấp vừa học văn hóa sẽ được cấp bằng như thế nào.

{keywords}
Đại diện các trường dự hội nghị sáng 31/3 (Ảnh: PĐ)

Về vấn đề tuyển sinh, ông Thức cho biết Cục đã đưa ra thông tin tuyển sinh và chỉ tiêu cho các trường, vì vậy các trường tự ra quy chế tuyển sinh. 

Ông Thức cũng cho biết khi chuyển đổi, một số ngành nghề chỉ thay đổi mã còn tên không thay đổi, còn ngành nghề nào chưa có mã các trường đề xuất với Bộ để bổ sung. 

Trước thắc mắc của một số trường về yêu cầu tăng thời lượng giảng dạy thực hành quá nhiều, ông Thức cho rằng nếu đào tạo chỉ tập trung lý thuyết sinh viên ra trường sẽ bị đánh giá thiếu kĩ năng. 

“Bây giờ không thể dạy học bằng micro, phấn và bảng nữa. Tăng thời gian thực hành người lao động mới có kỹ năng, doanh nghiệp với có nhu cầu sử dụng”.

Hiện tại Bộ đang quản lý 1.989 trường CĐ và TC nghề. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ sẽ siết chặt việc mở ngành nghề đào tạo tại các trường để đảm bảo chất lượng. Các trường chỉ được tuyển sinh ngành đã đăng ký, nếu vi phạm các quy định này sẽ bị phạt nặng. 

Trong năm 2017, số lượng tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp là 2,2 triệu người, trong đó tuyển sinh trình độ CĐ, TC là 540 nghìn người, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,66 triệu người.

Lê Huyền