Các giáo viên Toán nhận xét đề thi năm nay khá khó để đạt từ 8 điểm trở lên.


{keywords}

Ảnh Đinh Quang Tuấn

Học sinh trung bình dễ đạt điểm 5

Thầy Nguyễn Tấn Kiệt, tổ trưởng chuyên môn tổ Toán – trường THPT Nhân Việt, quận Tân Phú, TP. HCM cho rằng cấu trúc đề thi tương đồng các năm nhưng có sự sắp xếp khoa học hơn. Câu dễ lên đầu để học sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp dễ dàng trong việc làm bài.

Cũng như mọi năm, phần kiến thức tập trung nhiều vào lớp 12 với khoảng 6,5 điểm. Trong đó, câu VII hình học không gian có phần chứng minh vuông góc của lớp 11 nhưng phần thể tích của lớp 12, tuy nhiên ở câu này học sinh có thể áp dụng phương pháp tọa độ trong không gian là phần kiến thức của chương trình lớp 12 để giải. 

Câu VI (2) là bài toán dạng xác suất cũng không có gì mới, so với năm trước đề hay hơn vì có kiến thức thực tế về bài toán dịch bệnh MERS-Cov mang tính thời sự hơn năm nay.

Theo thầy Kiệt, xét toàn diện, học sinh trung bình có thể đạt 5 điểm dễ dàng nếu tính toán chính xác. Mức độ phân loại của đề là rất cao ở mức từ 8 đến 10. Các câu khó này nằm ở câu 8, 9, 10. Các câu dành cho học sinh trung bình khá khoảng 6 đến 7 điểm là câu 6b và câu 7.

Cũng như mọi năm câu khó nhất nằm ở câu 10 - bài toán cực trị. Tuy nhiên năm nay cách ra dạng câu hỏi khó này có thay đổi là cho 2 ý, mỗi ý 0.5 điểm, trong đó ý 1 chính là gợi ý cách làm của ý 2.

Thầy Nguyễn Minh Tuấn, giáo viên Toán trường THPT Nguyễn Quán Nho (Thanh Hóa) có ý kiến rằng đề thi năm nay phủ đều các phần trong chương trình học. “Bộ GD-ĐT vẫn giữ đúng cam kết cho học sinh thi xét tốt nghiệp, tức là đề có 50 - 60% kiến thức cho học sinh có lực học trung bình và cận khá”.

Tuy nhiên đề năm nay có điểm đổi mới để những học sinh học chắc ngay từ đầu sẽ được hưởng lợi. Thầy Tuấn lý giải: Câu phân loại học sinh thuộc phần Lô-ga-rit yêu cầu học sinh phải nắm vững lý thuyết mới có thể nhận biết đề tốt và làm được. Khác với đề thi năm ngoái, học sinh đi ôn thi cấp tốc được ôn dạng này thì có thể làm được. Năm nay, với cách ra đề này, những học sinh học cấp tốc nếu không chắc chắn về phần lý thuyết sẽ khó xử lý đề thi này.

Còn thầy Lê Anh Tuấn, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nhận xét: Đề toán năm nay hay hơn và phân hóa thí sinh tốt hơn năm ngoái.

Bắt đầu từ câu 6, ý 1 của bài xác suất đã có sự phân hóa. Với câu xác suất này, học sinh cần nắm chắc lý thuyết chỉnh hợp, tổ hợp, phân biệt được hai khái niệm này thì mới tránh được nhầm lẫn.

{keywords}

Ảnh Đinh Quang Tuấn

Thầy Lê Anh Tuấn cũng cho rằng đề thi yêu cầu thí sinh biết vận dụng lý thuyết phân tích câu hỏi chứ không theo phương pháp định sẵn. Phổ điểm nhiều nhất sẽ rơi vào khoảng 5 - 6 điểm. Riêng phần nâng cao, để có điểm trọn vẹn ở phần này là khó. Dự kiến, điểm 8,9 sẽ không nhiều như năm ngoái.

Tuy nhiên, điểm 10 năm nay đòi hỏi học sinh phải học thật xuất sắc và có kiến thức chắc. Điểm mới như xuất hiện câu tham số cuối cùng rất hay và đòi hỏi sự tỉnh táo và tập trung cao độ của thí sinh.

Khá khó để được 8 điểm trở lên

Thầy giáo Nguyễn Quốc Chí nhận xét đề Toán năm nay có cấu trúc khác với đề thi mọi năm, nhưng đã làm rất tốt việc phân hóa giữa học sinh xét tốt nghiệp với học sinh thi đại học tầm trung và học sinh thi đại học tầm cao.

Thầy Chí cho rằng “đã xuất hiện một số câu hỏi và dạng bài mới, ví dụ như  ý b câu 1 và ý b câu hình không gian, và ở câu số 10".

Đề vẫn tiếp tục được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó với độ phân hóa cao. Câu dễ thì rất dễ, nhưng các câu khó thì khá lạ so với năm 2015.

Học sinh dễ kiếm được khoảng từ 6,5 – 7 điểm nhưng khá khó cho những mức điểm trên 8. Với cấu trúc đề thi này, có thể điểm 10 sẽ ít xuất hiện hơn mọi năm”.

Cụ thể, thầy Chí nhận xét: Ở câu xác suất không còn dạng bài áp dụng công thức kiểu học vẹt mà đòi hỏi thí sinh cần liệt kê theo một cách khoa học.

Tương tự vậy ở câu số 9, không còn những thủ thuật sử dụng máy tính casio để giải phương trình mà đòi hỏi thí sinh cần phải quan sát và có phản xạ tốt về phương trình vô tỉ lớp 10 kết hợp với phương trình loga lớp 12. Đây là 1 câu được đánh giá rất hay.

Ở câu hình không gian, lần đầu tiên xuất hiện một câu hỏi về sự chứng minh thay vì những câu tính toán khoảng cách như các năm trước. Tuy vậy, cách làm không có sự  thay đổi, đòi hỏi cần kết hợp tốt giữa hình học lớp 11 và lớp 12.

Ở câu số 8, một lần nữa Bộ Giáo dục lại đòi hỏi thí sinh cần những kiến thức hình học nâng cao, không còn những dạng bài thiên về giải tích. Đây có lẽ là một trong những câu khó nhất trong đề năm nay.

Ở câu số 10, lần đầu tiên xuất hiện 2 ý nhỏ trong 1 câu phân loại thủ khoa. Nhờ vậy, học sinh có thể lấy được những phần điểm nhỏ trong câu này.

{keywords}
Ảnh Đinh quang Tuấn

Thầy Trần Quốc Hùng, giáo viên dạy Toán trường THPT Nguyễn Khuyến TP.HCM cũng cho rằng đề thi năm nay có một số câu khó hơn năm ngoái.

Cụ thể: Câu hỏi số 1, 2 rất dễ và đơn giản. Đây là các câu hỏi bình thường và thuộc chương trình cơ bản của SGK.

Câu hỏi số 3 cũng là câu hỏi cơ bản. So với câu hỏi năm ngoái về giá trị lớn nhất, nhỏ nhất câu hỏi này năm nay tương đối khó hơn. Nhưng vẫn là nội dung thuộc chương trình cơ bản. Điểm lưu ý là câu hỏi này có liên quan đến chương trình lớp 10, nhưng kiến thức này vẫn được dạy và nhắc lại ở lớp 12.

Câu hỏi số 4 và số 5 tương đối bình thường, không khó.

Câu hỏi số 6(a) về giải phương trình rất dễ, 6(b) tìm xác suất tương đương năm ngoái. Với đề thi này, học sinh trung bình tới khá có thể làm được 6 điểm.

Ở câu hỏi số 7 về phần lăng trụ, thầy Hùng cho rằng trong chương trình đa số phần hình học sẽ được đề cập đến phần hình chóp. Theo quan sát của thầy Hùng, nếu có 5 câu hỏi thì 4 câu đề cập đến hình chóp và 1 câu đề cập lăng trụ. Vì vậy với câu hỏi này năm nay chắc chắn sẽ có nhiều em bỡ ngỡ. Tuy đều được học, nhưng phần lăng trụ ít học hơn. Về yêu cầu tính thể tích khối lăng trụ, học sinh khá có thể làm được, nhưng câu hỏi về chứng minh không phải học sinh nào cũng làm được.

Câu hỏi số 8 khó hơn so với năm ngoái, học sinh khá giỏi có thể làm được câu này. Câu hỏi số 9 nếu học sinh biết phân tích mới làm được. Riêng câu hỏi số 10 là một câu hỏi cực khó. Vế (a) có thể học sinh làm được nhưng vế (b) phải học sinh thật giỏi mới làm được.

Thầy Hùng cho rằng, đề thi có sự phân hóa sâu sắc ở những câu hỏi về cuối. Đặc biệt câu số 10 là câu hỏi “xứng tầm” để xét tuyển vào đại học.

“Năm ngoái nhiều học sinh cho rằng đề toán dễ, nhưng chỉ có 85 điểm 10 trên tổng số gần một triệu thí sinh dự thi. Đề thi năm nay còn khó hơn năm ngoái, vì vậy chưa thể nhận định được điểm thi sẽ như thế nào”.

Đề thi toán có cấu trúc và khả năng phân loại cao hơn năm ngoái

Thầy Nguyễn Trung Tuân, Giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội)

Tôi thấy đề thi chính xác, có tính phân loại cao, đặc biệt tôi rất thích đề này ở những câu 7 và câu 10, đặc biệt câu 7 là về hình học không gian cách hỏi khác so với những năm trước. Còn câu 10 những năm trước đề bài thường yêu cầu tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất của các biểu thức hữu tỉ, đề này đã hỏi các biểu thức khác có liên quan đến các hàm mũ. Với đề như thế này tôi nghĩ chắc là đa số học sinh của tôi ở Trường THPT Chu Văn An sẽ làm được từ tầm 8-8,5 điểm.

Cô giáo Lê Thị Thúy Vân, Giáo viên Trường THPT Trần Phú (Hà Nội)

Đề thi Toán năm nay nhìn vào kiến thức chung tưởng không thay đổi nhưng đi vào chi tiết, tiểu tiết từng câu thì ta thấy lắt léo hơn. Yêu cầu học sinh phải có kỹ năng, có chiều sâu hơn. Ở những câu cơ bản, các em nếu chỉ xét tốt nghiệp có thể đạt 4-5 điểm, mức độ từ 6-7 điểm sẽ khó hơn. Theo tôi với đề thi này, em học ở các trường chuyên, lớp chọn có thể đạt được điểm 8, 9, 10 dễ hơn năm ngoái.  Vì năm ngoái 2 câu cuối, nhất là câu 10 điểm hơi đánh đố. Năm nay tôi không nhìn thấy sự đánh đố quá trong đề mà chủ yếu đi vào kiến thức cơ bản nhưng đòi hỏi các em phải có kỹ năng cứng cáp, khả năng suy diễn.  Năm nay, thứ tự sắp xếp các câu có thay đổi. Ban đề đã đưa câu số phức lên là một trong những câu dễ và những câu tính toán để các em có thể nhanh chóng đạt được 1, 5 điểm, năm nay tôi nghĩ điểm liệt sẽ ít.

Thầy Nguyễn Hoàng Cương, Tổ trưởng Tổ Toán - Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định

Đề thi vẫn bám theo cấu trúc của đề thi năm trước, đảm bảo độ phân hóa từ căn bản, đến khó và rất khó. Mặc dù có sự xáo trộn về thứ tự các câu nhưng đề thi vẫn đảm bảo tính phân loại học sinh rất tốt.

Đề thi có tính phân hóa rõ nhất ở câu IX và câu X. Câu IX. Đề năm nay đưa ra dạng bài phương trình logarit, học sinh có thể biến đổi để đưa về phương trình vô tỉ, sẽ có không ít học sinh sẽ không biến đổi được. Còn vối câu X, năm nay mặc dù có gợi ý ở câu a) nhưng chuyển qua dạng bất phương trình chứa tham số ở câu b) nên nhiều học sinh bất ngờ. Câu này cũng khiến nhiều học sinh sẽ không làm được, chỉ có một số ít học sinh giỏi, kiên trì làm mới có điểm.

Đề thi đảm bảo tính phân loại tốt hơn, đề rất căn bản, nhưng cũng lại khó hơn đề thi năm trước. Tính căn bản của Đề là đảm bảo những học sinh chỉ cần lực học ở mức trung bình có thể đạt được từ 5.0 đến 6.0 điểm. Còn học sinh khá có thể làm được đạt được mức điểm từ 6 - 7,5. Phần còn lại của ở dạng rất khó, chỉ những học sinh giỏi mới có thể lấy điểm được. Với Đề thi Toán như năm nay, tôi cho rằng với những học sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp thì có thể hoàn toàn yên tâm và hi vọng vì mức độ cặn bản của đề thi. Còn với những học sinh khá giỏi, Đề thi đảm bảo các em đủ điểm để có thể xét tuyển ở những trường top giữa. Riêng học sinh giỏi, xuất sắc, làm được Đề này thì chắc chắn các em sẽ có kết quả thi khả quan

Thầy Nguyễn Đăng Mai, giáo viên Toán huyện Bình Lục B, huyện Bình lục, Tỉnh Hà Nam.

Đề Toán năm nay lạ so với các năm trước. Chẳng hạn: ở câu đầu tiên, đề thi các năm trước ra giải phương trình, năm nay yêu cầu tính biểu thức lô-ga-rit, ở câu tích phân năm nay xuất hiện căn, câu hình học mọi năm ra hình chóp, năm nay lại chọn lăng trụ.

Với cách ra đề này, tôi cho rằng đây là một khó khăn đối với thí sinh thi tốt nghiệp có học lực trung bình. Theo kinh nghiệm của tôi, các em hóc inh trung bình thường sẽ học tủ và khả năng xử lý đề không vững, chỉ cần có sự thay đổi hoặc “lạ” đề, các em có thể chịu thua rồi. Tuy nhiên, đối với học sinh khá, tôi dự đoán các em sẽ làm bài tốt hơn vì đề tuy lạ nhưng không quá khó. Đề thi yêu cầu kỹ năng biến đổi, tính toán cẩn thận, yêu cầu về tư duy không quá cao. Do vậy, tôi dự đoán nưm nay điểm thi sẽ có sự phân hóa rõ ràng giữa nhóm học sinh trung bình và học sinh khá. Ước tính phổ điểm, học sinh trung bình điểm thấp sẽ nhiều.

Lê Huyền – Ngân Anh – Nguyễn Hường ghi