Theo thông báo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, để chuẩn bị cho việc đăng ký học tập theo hệ thống tín chỉ học kì 1 năm học 2021 - 2022, học viện tạm thu học phí kỳ 1 năm 2021 - 2022 đối với sinh viên các lớp đại học chính quy các khoá 38, 39, 40.

Cụ thể, mức tạm thu học phí học kì 1 năm học 2021 - 2022 bằng: 20 tín chỉ x mức thu/1 tín chỉ của từng khoá. Thời gian nộp học phí kì 1 năm học 2021 - 2022 và các kỳ còn nợ trước đó, từ ngày 31/5 đến hết ngày 13/6/2021. Những sinh viên không nộp đủ học phí của kỳ 1 năm học 2021-2022 sẽ không đăng ký được tín chỉ.

Thông báo này ngay lập tức khiến sinh viên "xôn xao". 

Trên trang fanpage của Đoàn Thanh niên Học viện, hơn 1,4 nghìn lượt tương tác cùng gần 700 lượt bình luận, trong đó hầu hết phản ứng với quyết định này.

Nhiều sinh viên phàn nàn việc học kỳ 2 năm học này còn chưa kết thúc, có sinh viên còn chưa thi hết môn nhưng trường đã yêu cầu đóng trước học phí kỳ 1 của năm sau. Hơn nữa, yêu cầu đóng học phí ở thời điểm này là quá gấp gáp, trong lúc dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập và tài chính của rất nhiều gia đình, nhiều sinh viên không thể đi làm thêm.

B.L (sinh viên năm 2) cho hay em khá bức xúc bởi môn thi cuối cùng của năm học này diễn ra vào ngày 16/6. Trong khi chưa hề đăng ký tín chỉ hay môn học cho kỳ sau thì được thông báo phải đóng cho học kỳ 1 năm học tới là gần 5,4 triệu đồng.

 

{keywords}
Trang thông tin học phí của các sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đưa ra số tiền mà các sinh viên phải nộp ở học kỳ 1 năm học tới, trong khi theo nhiều sinh viên nhiều môn thi năm học này vẫn chưa hoàn tất.

"Nhà em ở tâm dịch Bắc Giang. Bố mẹ em cả tháng nay không đi làm được mấy vì giãn cách xã hội, trong khi vẫn phải trang trải tiền ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Mong Học viện xem xét lại trong lúc hoàn cảnh khó khăn này. Thông báo thì gấp, mà trường chỉ cho khoảng 2 tuần để bọn em chuẩn bị thì thật sự khó khăn” - một sinh viên khác nói.

Bên cạnh đó, có một số ý kiến phàn nàn về chất lượng dạy học online của nhà trường trong thời gian qua. Ngoài ra là việc cập nhật học phí trên hệ thống có một số nhầm lẫn.

Học viện nói gì?

Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay, những ngày qua bà có nắm được những thông tin, bình luận phản hồi sau khi thông báo này được đăng tải trên mạng xã hội và Học viện vẫn đang lắng nghe các ý kiến. Tuy nhiên, bà Giang cho biết cũng có rất nhiều ý kiến của sinh viên không chính xác.

Bà Giang thừa nhận một “lỗi” của nhà trường trong quản lý nhiều năm nay là quá “thương và nuông chiều” và tạo điều kiện cho sinh viên khi cho phép được nợ học phí dẫn đến việc nhiều sinh viên nợ đọng học phí trong nhiều kỳ, không có khả năng trả và không được tốt nghiệp.

Rút kinh nghiệm từ bài học “lỗ hổng trong quản lý” đó, nhà trường quyết định phải thay đổi chính sách thu học phí.

“Đến nay, theo thống kê, còn khoảng gần 1.500 sinh viên đến ngày thi còn nợ học phí của học kỳ hiện tại và không được thi hoặc không được tốt nghiệp ở kỳ này”, bà Giang cho biết.

“Nếu như nhà trường tiếp tục không thu học phí trước mà cho sinh viên nợ học phí thì con số này có thể sẽ tiếp tục tăng lên ở năm học tới. Việc này sẽ gây lãng phí chất xám, thời gian và công sức của thầy cô và của chính các sinh viên".

Bà Giang khẳng định, việc Học viện thu học phí sớm hoàn toàn không phải vì tiền mà là một cách được tính toán để thay đổi nếp nghĩ của sinh viên Học viện. “Học viện muốn hướng tới việc sinh viên phải nhận thức rõ trách nhiệm hoàn tất nghĩa vụ tài chính trước khi tham gia học tập”, bà Giang nói. 

Bà Giang dẫn chứng, đối với khóa sinh viên mới nhất là K40, Học viện đã yêu cầu đóng học phí cả năm trước khi vào học.

{keywords}
Học viện Báo chí Tuyên truyền ra quyết định thu học phí gây tranh cãi. Ảnh: Thanh Hùng

Về thời gian thu học phí được cho là gấp gáp, bà Giang cho hay, việc sinh viên muốn đăng ký tín chỉ của kỳ tới phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính của kỳ vừa học và trường sẽ tạm thu học phí học kỳ 1 của năm học tới đã được trường thông báo cho sinh viên từ tháng 3/2021.

“Thông báo này cũng được gửi về tất cả các lớp, các cố vấn học tập, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử và Fanpage của Học viện nhưng các em không chú ý. Đến nay, trường mới chính thức đưa ra mốc để thu”, bà Giang nói. “Ngay như học kỳ vừa rồi, sinh viên có tới 5 tháng để hoàn thành nghĩa vụ học phí nhưng vẫn để đến sát những ngày này mới đóng”.

Bà Giang cho hay, việc nhà trường ấn định hạn đóng học phí nợ và học phí cho kỳ tới vào ngày 13/6 bởi để kịp thời gian cho kỳ học sắp tới sẽ bắt đầu từ 1/8 theo lịch của Bộ GD-ĐT.

“Để 1/8 vào học kỳ 1 của năm học mới thì việc đăng ký tín chỉ phải diễn ra trước đó để còn xếp lớp, lên kế hoạch dạy, thời khóa biểu, xếp giảng viên... Việc này phải mất hơn 1 tháng”, bà Giang lý giải.

Bà Giang cho biết thêm, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong những trường có mức học phí thấp nhất do vẫn có sự bao cấp của Nhà nước; sinh viên của năm ngành học của khối lý luận được miễn học phí; 30% trong tổng số sinh viên được cấp học bổng, và hàng năm đều thực hiện miễn, giảm học phí cho con của gia đình chính sách, gia đình nghèo.

Trước những ý kiến cho rằng, việc nhà trường yêu cầu đóng học phí trong khi sinh viên còn chưa biết sẽ học môn gì, số tín chỉ là bao nhiêu là vô lý, thậm chí bất cập trong trường hợp sinh viên đăng ký ít hơn 20 tín chỉ ở học kỳ tới, bà Giang cho hay, nhà trường có lý do để đưa ra con số này.

“20 tín chỉ là mức tín chỉ Học viện dự kiến bố trí trong kỳ tới, cũng được xem là mức trung bình. Mức đăng ký thấp nhất là 14 tín chỉ, và để có học bổng phải là 16 tín chỉ, còn nhiều nhất là 25 tín chỉ, nên nhà trường quyết định lấy mức 20. Số tiền sinh viên đóng thừa sẽ không bị mất mà được bù vào kỳ kế tiếp. Trong trường hợp các em muốn lấy lại số tiền thừa thì chỉ cần làm đơn, nhà trường sẽ trả lại”, bà Giang nói. 

“Việc thu học phí của học kỳ 1 năm học tới khi năm học này còn chưa kết thúc sẽ khiến sinh viên có thắc mắc về tính thời điểm”, VietNamNet đặt câu hỏi.

Về điều này, bà Giang thừa nhận, hiện nay còn một số khóa, ngành/lớp đến khoảng giữa tháng 6 mới hoàn tất việc thi.

Trước những ý kiến của sinh viên, bà Giang cho hay Học viện sẽ xem xét, tính toán có thể gia hạn thời gian đăng ký tín chỉ và đóng học phí thêm 1-2 tuần, nhằm đảm bảo sinh viên đã kết thúc năm học này. 

Với những gia đình khó khăn, bà Giang cho hay, nếu sinh viên có đơn đề nghị có xác nhận của địa phương thì Học viện sẽ xem xét tạo điều kiện hỗ trợ.

Thanh Hùng

Bộ GD-ĐT trả lời việc học phí tăng cao ở một số trường ĐH 'tự chủ'

Bộ GD-ĐT trả lời việc học phí tăng cao ở một số trường ĐH 'tự chủ'

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận thông tin cử tri cho rằng do việc thực hiện tự chủ dẫn đến học phí tại một số trường đại học hiện nay quá cao, gây nhiều khó khăn cho gia đình có con em học đại học.